BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quản lý nhà ở cũ thuộc sỡ hữu Nhà nước:

Còn nhiều vướng mắc 

Cập nhật ngày: 27/06/2018 - 17:09

BTN - Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị Thành phố cho hay, vì nhiều lý do khách quan, việc quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề gây khó khăn trong công tác quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước.

Khu tập thể 301 trên đường Lê Văn Tám, khu phố 3, phường 2, thành phố Tây Ninh.

Theo Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn tỉnh, chỉ có TP. Tây Ninh còn quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Ðây là vấn đề được cử tri rất quan tâm trong thời gian qua, trong đó có việc chính quyền Thành phố quản lý những căn nhà trên như thế nào; vấn đề thu tiền thuê nhà có bảo đảm không; những giải pháp của chính quyền Thành phố trong việc quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước?

Phòng Quản lý đô thị Thành phố cho biết, trước đây, để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình công tác, Nhà nước đã xây những dãy nhà ở tập thể dành cho cán bộ, công chức chưa có nhà ở. Trải qua nhiều giai đoạn, những dãy nhà này được giao về cho UBND thành phố Tây Ninh quản lý và cho thuê từ năm 2010.

Hiện Thành phố đang quản lý trên 100 căn nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Trong đó, có nhiều căn nhà thuộc các khu tập thể: 301, Tỉnh đội, Sở Tài chính... Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị Thành phố cho hay, vì nhiều lý do khách quan, việc quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề gây khó khăn trong công tác quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Một trong nhiều khó khăn đó là do trải qua nhiều giai đoạn, nhiều cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, có sự bất cập là nhiều căn nhà trước đây cho cán bộ, công chức thuê, sau một thời gian, họ về hưu, thay đổi chỗ ở (hoặc có người đã mất) nhưng không trả lại nhà mà cho người khác thuê lại. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng không có động thái thu hồi. 

Ðược biết, nhiều căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước này bị “sang tay” qua nhiều đời chủ chỉ bằng “giấy tay”. Ðây là một trong những vướng mắc lớn trong thực hiện chủ trương bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước.

Tiếp tục thực hiện công tác quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, căn cứ Quyết định số 13, ngày 14.2.2015 của UBND tỉnh, ngày 24.4.2015, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 149 về việc thành lập tổ chuyên viên giúp việc thực hiện việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Ðồng thời, UBND Thành phố thông báo rộng rãi để các hộ dân đang thuê nhà nộp hồ sơ mua nhà.

Qua đó, cơ quan chức năng Thành phố đã tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các công việc như kiểm tra phân loại hồ sơ; kiểm tra thực địa, đo vẽ, thiết lập bản vẽ sơ đồ nhà ở cũ và đất; xác định cấp nhà, chất lượng còn lại của nhà ở để xét từng đối tượng; lập bảng giá nhà đất cho từng trường hợp...

Trên cơ sở thống nhất với Sở Xây dựng, hồ sơ quản lý nhà ở và hồ sơ đã đủ điều kiện bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Thành phố được phân làm 3 loại. Loại 1 gồm 19 căn nhà đủ điều kiện để đề nghị bán trong năm 2018; loại 2 là nhà ở chờ xem xét điều chỉnh quy hoạch và một số hồ sơ phát sinh về nhà, đất, có khả năng đề nghị bán trong năm 2019; loại 3 là nhà ở được tiếp tục cho thuê là những nhà cấp 4 đã quá niên hạn sử dụng, xuống cấp nặng, rất khó thu được tiền thuê nhà.

Ông Phan Văn Phụng- Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị Thành phố cho biết, ngày 20.3.2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 644 về việc thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất công. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó, việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước bị gián đoạn.

Sau thời gian tạm dừng, UBND Thành phố tiếp tục xin ý kiến các sở, ngành liên quan về việc bán nhà ở cũ. Sau khi có ý kiến của các ngành chức năng, để đẩy nhanh tiến độ bán nhà, đầu tháng 4.2018, Phòng Quản lý đô thị Thành phố tổ chức cuộc họp với 19 hộ đủ tiêu chuẩn mua nhà. 19 hộ này sẽ đóng tiền thuê nhà đến thời điểm hiện tại và ký lại hợp đồng thuê mới để bổ sung đầy đủ hồ sơ cho Sở Xây dựng thẩm định trước khi được xét mua nhà.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều căn nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước còn lại, chính quyền Thành phố  tiếp tục có giải pháp xử lý. Ðơn cử như đối với khu nhà ở tập thể 301 (nằm trên đường Lê Văn Tám, khu phố 3, phường 2). Trước đây, UBND Thành phố đã đề nghị bán khu nhà ở này sau khi điều chỉnh quy hoạch giảm lộ giới tuyến đường Lê Văn Tám từ 21m xuống còn 10 đến 12m nhưng các sở, ngành không đồng ý do vướng quy hoạch đường giao thông.

Hiện UBND Thành phố tiếp tục đề nghị tỉnh điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Tám lộ giới 21m xuống còn 12m trong quy hoạch phân khu 2 và đang chờ ý kiến của tỉnh. Nếu được chấp thuận, UBND Thành phố sẽ đề xuất bán những căn nhà trên nhưng với điều kiện các hộ trực tiếp ký hợp đồng thuê nhà với cơ quan Nhà nước theo quy định và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính từ trước đến nay.

Cũng theo ông Phụng, năm 2010, khi Thành phố nhận bàn giao hơn 130 căn nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước từ Công ty cổ phần Công trình đô thị, UBND Thành phố đã thông báo yêu cầu các hộ đang thuê nhà nộp tiền thuê nhà theo quy định. Tuy nhiên, chỉ có vài hộ thực hiện.

Sắp tới, Thành phố sẽ ký lại hợp đồng cho thuê nhà đối với các hộ thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước, đồng thời truy thu số tiền thuê nhà từ năm 2010 đến nay theo giá mới được UBND tỉnh quy định. Nhìn chung, các hộ đều hợp tác với Phòng Quản lý đô thị trong việc đóng tiền thuê nhà. Ðối với những hộ không đóng, UBND Thành phố sẽ xử lý theo quy định và có thể thu hồi nhà.

THẾ NHÂN