Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xử lý nợ xấu ngân hàng:

Còn vướng mắc, ảnh hưởng người được thi hành án

Cập nhật ngày: 05/08/2018 - 08:50

BTN - Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Nghị quyết 42 yêu cầu khi xử lý phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, cũng như của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nghị quyết 42/2017/QH14 ban hành ngày 21.6.2017 nhằm thí điểm về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng... Quá trình thực hiện đã giúp các tổ chức tín dụng xử lý được nhiều khoản nợ xấu, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục hoạt động ổn định, phát triển. Tuy nhiên, khi triển khai cũng phát sinh một số vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án.

Bản án số 33/2018/DS-ST của TAND thành phố Tây Ninh buộc bà Trần Kim Luỹ (khu phố Hiệp Lễ, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) phải trả cho bà Nguyễn Kim Phượng (ngụ khu phố 6, phường IV, thành phố Tây Ninh) 750 triệu đồng tiền gốc và trên 123 triệu đồng tiền lãi.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà Phượng làm đơn yêu cầu thi hành án, được Chi cục THADS Thành phố ra quyết định thi hành án theo quy định. Mặc dù người phải thi hành án có tài sản để thi hành, nhưng bà Phượng có nguy cơ “mất trắng” vì vướng vào trường hợp tài sản của người phải thi hành án thuộc diện nợ xấu mà ngân hàng phải thu hồi nợ theo Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42). Bà Phượng cho rằng, do cách hiểu và cách làm của một số ngân hàng còn khác nhau, chưa phù hợp nên ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.

Ý KIẾN CỦA ÔNG NGUYỄN XUÂN HIỀN- GIÁM ÐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC - CHI NHÁNH TÂY NINH

Thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD), Chỉ thị số 32/CT-TTg về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Quyết định số 1058/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh và các TCTD trên địa bàn đã tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Từ ngày 15.8.2017 đến 30.6.2018, nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã được hệ thống ngân hàng trên địa bàn xử lý thu hồi là 404,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là xử lý thu hồi theo các giải pháp như khách hàng trả nợ, bán tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro, bán cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt… và quy định theo Nghị quyết 42.

Các quy định tại Nghị quyết 42 là điều kiện quan trọng giúp hệ thống ngân hàng Tây Ninh trong xử lý nợ xấu, nhất là quy định tại Ðiều 11, Ðiều 15. Trên cơ sở quy định tại Ðiều 11, giữa TCTD và khách hàng vay vốn đã đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ thông qua việc thoả thuận về giá tài sản bảo đảm và bên nhận tài sản bảo đảm tự bán theo quy định tại Nghị quyết 42 và Ðiều 303, 304 Bộ luật Dân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp giữa ngân hàng và khách hàng.

Việc thực hiện các quy định về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã giúp ngành ngân hàng nói chung và hệ thống ngân hàng Tây Ninh nói riêng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TCTD cũng như khơi thông dòng vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Theo quy định tại Ðiều 11 Nghị quyết 42, các tài sản bảo đảm khoản nợ xấu của bên phải thi hành án, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Ðiều 90 của Luật THADS...

Qua đó, giữa TCTD và khách hàng vay có nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã tự thoả thuận giá tài sản bảo đảm, phương thức bán tài sản bảo đảm... để thu hồi nợ là đúng theo các cam kết và thoả thuận giữa ngân hàng và khách hàng vay vốn, và đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc thực hiện các thoả thuận nêu trên ảnh hưởng đến việc thi hành án của các bản án khác (nợ không có bảo đảm). Vấn đề này, bên được thi hành án có quyền đề nghị cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật, cơ quan thi hành án có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng xử lý tài sản để bảo đảm quyền lợi của các bên.

Qua trao đổi, ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh sẽ có chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện xử lý tài sản bảo đảm đúng theo quy của pháp luật, và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện.

Bà Phượng cho biết, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam- chi nhánh Tây Ninh (Ngân hàng Ngoại thương) thông báo cho Chi cục THADS Thành phố biết, bà Luỹ thực hiện 3 hợp đồng vay tiền tại ngân hàng và thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất (QSDÐ). Căn cứ Nghị quyết số 42, ngân hàng gửi văn bản đến Chi cục THADS Thành phố đề nghị chi cục không kê biên xử lý tài sản của bà Luỹ.

Theo bà Phượng, khi hay tin, bà liên hệ nhân viên Ngân hàng Ngoại thương đề nghị mua tài sản của bà Luỹ theo giá thị trường nhưng không có kết quả giải quyết. Bất ngờ, bà Phượng hay tin vợ chồng bà Luỹ thoả thuận và uỷ quyền cho Ngân hàng Ngoại thương bán tài sản của bà Luỹ để trả nợ ngân hàng.

Theo đó, ngân hàng đã làm thủ tục chuyển nhượng một phần đất có diện tích 94,7m2 của bà Luỹ cho vợ chồng bà Lâm Tuyết Ðào, ông Phạm Văn Phú với giá trên 800 triệu đồng, một phần đất có diện tích 150,8m2 cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, ông Phạm Văn Quý với giá trên 1,1 tỷ đồng.

Theo bà Phượng, phần đất của bà Luỹ có giá thị trường khá cao (khoảng 320 triệu đồng/mét ngang), nhưng ngân hàng bán giá như trên là thấp hơn giá thị trường, mà còn thấp hơn giá ngân hàng đã thẩm định tài sản của bà Luỹ trước đây khi làm thủ tục vay tiền (trên 2,2 tỷ đồng).

Việc ngân hàng xử lý nợ như trên, tuy bảo đảm quyền lợi của ngân hàng, nhưng lại ảnh hưởng quyền lợi của những người được thi hành án, quyền lợi của Nhà nước, vì không thể thu được các khoản án phí, phí thi hành án cho ngân sách.

Ngoài trường hợp của bà Phượng, còn một số trường hợp khác liên quan đến công tác thi hành án cũng rất nan giải. Ông Ngô Tấn Phát (ngụ khu phố 3, thị trấn Dương Minh Châu) cho hay, theo quyết định của Toà án, bà Nguyễn Thị Tỏ (ngụ ấp Trường Giang, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành) có nghĩa vụ trả cho ông Phát trên 1,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi có đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục THADS huyện Hoà Thành ban hành quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của bà Tỏ nhưng vẫn không thể tổ chức thi hành án cho ông Phát ngay được vì “vướng” Nghị quyết số 42.

Khi biết bà Tỏ thế chấp QSDÐ vay tiền tại Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Tây Ninh (Ngân hàng Nam Á), Chi cục THADS Hoà Thành không thể “tự tiện” xử lý tài sản của bà Tỏ để thi hành cho ông Phát mà phải gửi công văn đến ngân hàng đề nghị “hỗ trợ thi hành án”.

Theo đó, Chi cục THADS Hoà Thành đề nghị ngân hàng “có ý kiến bằng văn bản về việc cơ quan thi hành án kê biên, xử lý tài sản đã thế chấp của bà Tỏ... Trường hợp bà Tỏ trả xong số nợ vay ngân hàng, đề nghị Ngân hàng không tiếp tục cho vay lại bằng tài sản thế chấp nêu trên, đồng thời thông báo cho cơ quan thi hành án biết để kịp thời tiến hành các thủ tục giữ giấy CNQSDД.

Ông Phát cho biết, do vướng mắc trên, nên hiện nay ông vẫn chưa được thi hành án, dù rằng tài sản bảo đảm thi hành án của bà Tỏ vẫn còn. “Nếu ngân hàng xử lý tài sản của bà Tỏ không “đúng giá thị trường” như trường hợp của bà Phượng, khả năng bà Tỏ không còn tiền để thi hành án cho tôi là rất cao”, ông Phát nói.

Cũng giống như trường hợp của bà Phượng, ông Phát, bà Phạm Thị Mộng Thu (ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Tân Châu) cũng thế chấp tài sản là QSDÐ cho ngân hàng. Ðến thời điểm trả nợ, bà Thu không có tiền trả nên Ngân hàng Nam Á xác định bà Thu vi phạm hợp đồng tín dụng đã ký kết, “khoản vay đã chuyển sang nợ quá hạn cần xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ”. 

Ngày 29.9.2017, bà Thu đã tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng là QSDÐ có diện tích 10.000m2 và diện tích 10.205m2. Khác với cách làm của Ngân hàng Ngoại thương, căn cứ Nghị quyết số 42, Ngân hàng Nam Á đưa tài sản của bà Thu ra bán đấu giá để thu hồi nợ theo quy định. Ngày 3.5.2018, Ngân hàng Nam Á ra thông báo gửi đến bà Thu nêu rõ ngân hàng sẽ bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Một công ty đấu giá tại TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện việc bán đấu giá tài sản, nhưng vẫn chưa thực hiện được vì còn điểm vướng mắc giữa người bán tài sản và đơn vị bán đấu giá. Ðược biết, vụ việc của bà Thu, hiện nay được giao về cho cơ quan thi hành án ở Tây Ninh xử lý theo quy định của Luật THADS.

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Nghị quyết 42 yêu cầu khi xử lý phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, cũng như của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ðối với giá bán, nghị quyết cũng nêu rõ, giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Thiết nghĩ, để bảo đảm quyền lợi của ngân hàng, khách hàng thế chấp tài sản và người được thi hành án, khi tiến hành xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng cần tuân thủ các nguyên tắc nêu trên để hạn chế khiếu nại, tranh chấp.

ÐỨC TIẾN