Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công nhân “nhảy việc”, doanh nghiệp gặp khó 

Cập nhật ngày: 31/03/2018 - 21:15

BTN - Sau gần 2 năm làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Phước Ðông (xã Phước Ðông, huyện Gò Dầu), anh Phạm Văn Hưng quyết định nộp đơn xin nghỉ để tìm một công việc mới phù hợp với mình hơn. Anh cho rằng việc phải tăng ca cả ngày lẫn đêm khiến anh hao mòn sức khoẻ.

Còn chị N.T.V.A, đang chờ nộp hồ sơ vào một công ty tại KCN Thành Thành Công (xã An Hoà, huyện Trảng Bàng) cho hay, trước đây, chị làm việc tại một công ty dệt may ở KCN Trảng Bàng (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng).

Nghe bạn bè kháo nhau mức lương, thưởng tại KCN Phước Ðông khá cao nên chị xin về chỗ mới làm. Ðược một thời gian, chị không thể chịu đựng được mùi hôi trong xưởng sản xuất lốp xe nên lại xin nghỉ và xin vào một công ty dệt may ở KCN Thành Thành Công, hy vọng có thể làm việc ổn định với mức lương cao hơn.

Một nguyên nhân không kém phần phổ biến khiến nhiều công nhân nghỉ việc là do “chuyện gia đình”. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Giao- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Fist Team Việt Nam tại KCN Thành Thành Công cho rằng, hầu hết công nhân tại công ty nghỉ việc đều do có con nhỏ, không người trong coi. 

Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khiến công nhân nghỉ việc, nhưng đa phần nguyên nhân chính khiến người lao động chưa thật sự muốn gắn bó với công việc của mình là “muốn tìm nơi trả lương cao hơn”.

Tình trạng người lao động thay đổi nơi làm việc từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác diễn ra thường xuyên, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi lo lắng.

Trong đợt tiếp xúc của HÐND tỉnh với các doanh nghiệp về vấn đề đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực vừa qua, cũng đã có nhiều ý kiến của các doanh nghiệp phản ánh vấn đề này.

Ông Tạ Quốc Cường, Giám đốc hành chính, nhân sự của Công ty TNHH Sai lun Việt Nam cho biết, công ty đang thiếu hụt nhân lực, rất khó tuyển thêm, lại phải đối mặt với tình trạng “nhảy việc” khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Cường, việc tuyển được công nhân đã khó, giữ chân được công nhân làm việc lâu dài còn khó hơn nhiều. Do đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đua nhau tuyển dụng lao động với mức lương và đãi ngộ rất hậu hĩnh, nhằm lôi kéo người lao động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn có nhiều người “cứ nhảy qua nhảy lại” khiến doanh nghiệp “đau đầu”.

Ðể tháo gỡ tình trạng thiếu hụt lao động, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp bằng các chế độ lương thưởng, đãi ngộ hợp lý, cần có sự vận động, tuyên truyền của cơ quan quản lý Nhà nước giúp người lao động định hướng và lựa chọn công việc phù hợp với trình độ, điều kiện, khả năng của mình.

Ðồng thời, cần có sự đầu tư vào hệ thống giáo dục, vui chơi, văn hoá... đáp ứng nhu cầu của công nhân để họ gắn bó với doanh nghiệp.

Minh Dương


 
Liên kết hữu ích