BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công Phượng - thuốc thử cho cầu thủ Việt Nam ở nước ngoài 

Cập nhật ngày: 08/08/2019 - 19:46

Với việc thi đấu cho Sint-Truiden, Công Phượng trở thành cầu thủ đầu tiên của Việt Nam góp mặt ở ba giải vô địch quốc gia nước ngoài.

Bóng đá Việt Nam luôn phải đối diện với một câu hỏi: Sẽ đi được đến đâu và đi được bao xa? Trong thể thao chuyên nghiệp, không quá khó để trả lời câu hỏi ấy, bằng các thông số về chuyên môn.

Đơn cử như trong quần vợt, sẽ khó vươn đến top 50 ATP để tham dự các giải Master 1000 nếu không có chiều cao từ 1m80 và thể lực đủ để chơi trọn vẹn năm set. Trong các môn thi đấu chủ yếu sử dụng cơ thể mà không tính hạng cân, đến nay chỉ Nguyễn Tiến Minh ở môn cầu lông được xem là thành công trong thế giới chuyên nghiệp.

Công Phượng trong trận đấu giao hữu cho Sint-Truiden gần đây, gặp CLB cũng ở giải vô địch Bỉ - Charleroi.

Bóng đá là ngoại lệ. Yếu có thể thắng mạnh. Nền bóng đá nghiệp dư vẫn có thể đạt vị trí FIFA cao hơn nơi đã chuyên nghiệp. Tài năng thiên bẩm về kỹ thuật có thể bù đắp cho chiều cao hình thể, và rèn luyện chăm chỉ có thể tích lũy đẳng cấp. Không môn thể thao nào giống như bóng đá, vì ở đó, bạn luôn có thể làm tốt hơn những gì mình nghĩ. Bởi vậy, không thể dựa vào các thông số để quyết định bạn sẽ đi được bao xa, thay vào đó, phải tự trải nghiệm trên chính thành - bại mà chỉ mình mới biết.

Một cầu thủ có thể tàn lụi nếu chỉ ngồi dự bị. Nhưng khi được vào sân, màn trình diễn tốt sẽ giúp anh ta có một chỗ trong trận đấu kế tiếp, bàn thắng đầu tiên sẽ giúp anh ta tự tin để hiệu quả hơn ở những cú sút sau đó... Không thể nói trước được gì cả, ngoại trừ một chân lý: Những gì nhận được sau này, tùy vào cách cầu thủ đó đối diện ở hiện tại.

Một chỗ ở vòng tứ kết Asian Cup 2019 của đội tuyển Việt Nam chắc chắn không phải là tình cờ may mắn. Nó bắt đầu từ chiếc vé dự World Cup U20 năm 2017, tiếp nối bằng ngôi á quân U23 châu Á 2018 và sự thăng hoa sau chức vô địch AFF Cup 2018. Cả bốn cột mốc có xu hướng phát triển về đẳng cấp của bóng đá Việt Nam hoàn toàn không được dự tính nếu đặt vào hoàn cảnh ở cách đây hai năm - sau trận thua trong hoảng loạn trước Indonesia tại bán kết AFF Cup 2016. Thậm chí, cho đến lúc đó, bóng đá Việt Nam vẫn hoài nghi về giới hạn của mình.

Vì thế, Công Phượng thành công hay thất bại tại Bỉ không phải là câu hỏi nên đặt ra. Một cầu thủ bé nhỏ, đến từ nền bóng đá trên dưới 100 FIFA, vội vã gì mà phải tranh cãi là thành hay bại. Người có ý chí tiến thủ thì cho là thành công, bầu Đức cũng hoan hỉ khi nói rằng cầu thủ của ông mỗi lần đổi CLB lại có thêm một vài con số 0 trong tiền lương hàng tháng. Người thực dụng thì khẳng định có đá ở đâu mà ngồi dự bị cũng là thất bại, tốt hơn là nên ở nhà để còn cơ hội vào sân.

Thực tế, Công Phượng không phải là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở châu Âu. Năm 2009, Công Vinh trải qua ba tháng thi đấu cho Leixoes ở giải Primeira Liga (Bồ Đào Nha). Anh đã vào sân tại Liga và ghi bàn ở Cúp quốc gia. Sau đó Công Vinh còn sang Nhật Bản thi đấu ở J-League 2. Nhưng rồi, có một sự im lặng đáng sợ sau đó. Không ai nói thêm về chuyện "xuất khẩu cầu thủ" dù thi thoảng vẫn có thông tin nơi này, nơi kia muốn mua người. Phải đến nhiều năm sau, khi ra mắt cuốn tự truyện, Công Vinh mới nói về những rào cản có thể làm tắt giấc mơ ra nước ngoài thi đấu của cầu thủ Việt Nam.

Nhưng một cầu thủ thì chưa đủ cho câu trả lời xác đáng. Bóng đá Việt Nam cần thêm "mẫu thử", đặc biệt là sau khi Chanathip của Thái Lan được đánh giá thành công tại J-League 1. Các chuyến đi của Tuấn Anh, Công Phượng (sang Nhật Bản) và Xuân Trường (Hàn Quốc) năm 2015 có thể xem là hành trình mới cho câu trả lời về khả năng đi xa của bóng đá Việt Nam.

10 năm sau khi Công Vinh thi đấu cho Leixoes (sọc đỏ trắng) mới lại có một cầu thủ Việt Nam thi đấu ở châu Âu.

Nhưng liệu có cần phải đi hay không? Ở lại Việt Nam, sẽ có câu trả lời hay không? Chắc chắn là không. Cái năm Công Vinh sang Bồ Đào Nha, V-League đón một ngôi sao lớn thực thụ, đó là Lee Nguyễn đến HAGL với bản hợp đồng chuyên nghiệp từ Rander (Đan Mạch). Ba năm đá tại Việt Nam cho HAGL và sau đó là Bình Dương, suýt nữa khiến cầu thủ được đào tạo từ lò PSV đi tong sự nghiệp. Nhưng khi đến Mỹ, Lee Nguyễn vươn đến một tầm vóc hoàn toàn khác. Đấy là những gì mà một cầu thủ chuyên nghiệp có lợi khi được chơi bóng ở giải vô địch có đẳng cấp cao hơn nơi anh ta xuất phát.

Ở chiều ngược lại, người hâm mộ Việt Nam vẫn được nghe những đánh giá về tài năng của Tuấn Anh. Rất nhiều ngôn từ hoa mỹ cho rằng tiền vệ này được xếp vào hàng tinh hoa của thế hệ hiện tại. Tuy nhiên, cho đến lúc này chẳng có cơ sở nào để chứng minh Tuấn Anh vượt trội hơn những cầu thủ khác đang chơi bóng trong nước. Bốn năm rồi anh mới ghi bàn đầu tiên, đó không phải là con số của cầu thủ có thể tạo ra tầm ảnh hưởng. 

Còn Xuân Trường? Hai năm chơi bóng ở Hàn Quốc, vài tháng ở Thái Lan, ít nhất vẫn giữ cho tiền vệ này đẳng cấp mà anh có. Khả năng hòa nhập trở lại rất nhanh với HAGL tại V-League trong những trận vừa qua là điểm cộng và một chỗ trên đội tuyển quốc gia để dành cho anh cũng hoàn toàn xứng đáng. Có thể Xuân Trường chưa đạt đến đẳng cấp để thành công tại K-League và phần nào là Thai League nhưng ít nhất anh cũng chứng minh "chiếc áo V-League" đang chật chội với tài năng của mình.

Dù không thể phát huy hết khả năng ở Nhật Bản hay Thái Lan, Xuân Trường (số 6) cho thấy đẳng cấp của anh khi trở về V-League. Ảnh: Lâm Thỏa.

Công Phượng sẽ ra sao từ nay đến hết tháng 1/2020 khi hợp đồng cho mượn kết thúc? Nếu anh trở về mà không có thêm hợp đồng nào khác, như vậy là tròn 10 năm tìm kiếm bản thân, bóng đá Việt Nam sẽ lại tạm gác giấc mơ về cầu thủ chuyên nghiệp thành công tại nước ngoài. Sẽ khó có ai đủ dũng cảm để lại ra đi. Và đó là cái mất lớn nhất.

Nhưng nếu Công Phượng chơi nhiều trận hơn Công Vinh năm 2009, có duyên may ghi bàn, thì đó thực sự là điều khích lệ rất lớn, không phải chỉ cho cá nhân anh. Đại diện cho Công Phượng tại Sint-Truiden là công ty JEB, nơi đang đưa hàng loạt tài năng trẻ của Nhật Bản sang châu Âu. Bản thân Công Phượng cũng sẽ là "ván bài cuối" của JMG Academy, học viện chuyên đào tạo cầu thủ để bán. Trong ba chi nhánh mà JMG mở tại châu Á (hai tại Việt Nam, một tại Thái Lan), Công Phượng là người duy nhất sang được châu Âu - "điểm bán hàng" cũng là mục đích lớn nhất của một cơ sở đào tạo cầu thủ như JMG.

Trong trường hợp Công Phượng kiếm thêm một bản hợp đồng để ở lại châu Âu chơi bóng, thì ít nhất sẽ có một cầu thủ Việt Nam khác sớm xuất hiện tại châu Âu là Đoàn Văn Hậu. Những người quản lý hậu vệ trẻ Hà Nội dường như cũng chỉ chờ một tín hiệu từ Công Phượng.

Nguồn VNE