BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tổ chức lại nhiều trường THPT:

Cụ thể hoá chủ trương của Đảng 

Cập nhật ngày: 21/08/2019 - 12:45

BTN - Điều quan trọng sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ quản lý, cụ thể là thủ trưởng đơn vị phải là người thật sự có trình độ. Nếu trình độ quản lý giỏi, năng lực điều hành tốt, chuyện quy mô trường lớp quá lớn không phải là một trở ngại.

Tư vấn hướng nghiệp đào tạo cho học sinh hai Trường THPT Trần Phú và Nguyễn An Ninh- Tân Biên năm 2018. Ảnh: Đức Thịnh

Ngày 12.8, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề án tổ chức lại một số trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn các huyện Châu Thành, Tân Biên, Dương Minh Châu và Tân Châu. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, ngày 19.8, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai việc thực hiện tổ chức, sắp xếp lại đối với bốn trường THPT.

Việc sáp nhập suôn sẻ

Theo tinh thần đó, Trường THPT Châu Thành sáp nhập vào Trường THPT Hoàng Văn Thụ; Trường THPT Nguyễn An Ninh sáp nhập vào Trường THPT Trần Phú; Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu sáp nhập vào Trường THPT Dương Minh Châu; Trường THPT Lê Duẩn sáp nhập vào Trường THPT Tân Châu. Trước đó, tại huyện Gò Dầu, Trường THPT Trần Quốc Đại được sáp nhập vào Trường THPT Quang Trung.

UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện việc tổ chức lại bảo đảm tính hợp lý, khả thi và đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết, đến thời điểm này, mọi vấn đề liên quan đến việc sáp nhập diễn ra suôn sẻ. Nhà trường đang kiểm kê tài sản, cơ sở vật chất tại Trường THPT Châu Thành (nay là cơ sở hai, điểm phụ) của Trường THPT Hoàng Văn Thụ theo quy định. Một câu hỏi được học sinh, phụ huynh, dư luận xã hội quan tâm là, sau khi tổ chức lại, học sinh trường được sáp nhập sẽ học ở đâu? Lãnh đạo Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết, ban giám hiệu đã bàn bạc, cân nhắc kỹ vấn đề này, vì học sinh THPT liên quan đến ôn thi cuối cấp.

“Theo kế hoạch dự kiến, chúng tôi cho chuyển toàn bộ học sinh lớp 10 và lớp 12 ra học tại điểm chính. Riêng khối 11, bao gồm cả học sinh tại điểm chính, tổng cộng 16 lớp sẽ học ở điểm phụ. Nói rõ hơn, tại điểm chính chỉ có lớp 10 và 12, lớp 11 sẽ học tại điểm phụ”- ông Hùng thông tin. Sau khi sáp nhập, Trường THPT Hoàng Văn Thụ có 48 lớp với khoảng 2.000 học sinh.

Liên quan đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, lãnh đạo nhà trường cho biết, cấp quản lý đã có phương án sắp xếp sao cho khoa học, hợp lý nhất. Theo quyết định của cấp trên, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành sẽ làm hiệu phó Trường THPT Hoàng Văn Thụ. Những cán bộ quản lý, giáo viên sẽ được luân chuyển, điều động theo quy định của ngành. Về chuyện thừa thiếu giáo viên, lãnh đạo nhà trường thống kê, theo quy định, vẫn còn thiếu 13 giáo viên, trong đó phần lớn là giáo viên tiếng Anh. Chuyện đó sẽ được khắc phục khi các cấp có thẩm quyền tuyển bổ sung giáo viên cho các cấp học.

Một thuận lợi của Trường THPT Hoàng Văn Thụ sau khi tiếp nhận Trường THPT Châu Thành là khoảng cách địa lý hai trường khá gần, cách nhau chừng 3 km nên chuyện đi lại của học sinh gần như không ảnh hưởng gì.

Tại Trường THPT Dương Minh Châu, theo thông tin nhận được, việc tổ chức, sắp xếp lại giữa trường này với Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cũng đã hoàn tất. Sau khi sáp nhập, Trường THPT Dương Minh Châu có 38 lớp với khoảng 1.800 học sinh. Việc sắp xếp học sinh được tính theo phương án, lớp 11 và 12 học tại cơ sở chính, toàn bộ học sinh lớp 10, kể cả học sinh của điểm chính sẽ học tại điểm phụ.

Sự sắp xếp này dựa trên cơ sở số lớp học của từng khối để sao cho số phòng học của hai cơ sở đáp ứng đủ. Khoảng cách giữa Trường THPT Dương Minh Châu và Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu là khoảng 4km. Liên quan đội ngũ giáo viên, khi sáp nhập, nhà trường còn thiếu 7 giáo viên, phần lớn trong số này là giáo viên Tin học, tiếng Anh, Công nghệ. Đối với cán bộ quản lý, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu làm hiệu phó tại Trường THPT Dương Minh Châu.

Một cách khái quát, tiến độ tổ chức sắp xếp lại hai ngôi trường diễn ra suôn sẻ, ổn định, chưa thấy phát sinh điều gì.

“Sau khi sáp nhập Trường THPT Nguyễn An Ninh vào Trường THPT Trần Phú, tổng cộng nhà trường có khoảng 1.500 học sinh”- ông Quách Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, huyện Tân Biên cho biết. Sau sáp nhập, tên gọi Trường THPT Nguyễn An Ninh sẽ không còn, thay vào đó, điểm phụ này sẽ được gắn tên Trường THPT Trần Phú (cơ sở 2). Đối với đội ngũ giáo viên, một số giáo viên đang thiếu sẽ được tuyển bổ sung khi các cấp có thẩm quyền cho phép.

So với một số trường khác, việc sáp nhập đội ngũ cán bộ quản lý ở đây có phần thuận lợi hơn. Lý do, trước khi sáp nhập, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh, ông Lâm Ninh Quốc Hậu đã được luân chuyển giữ chức Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thay cho người tiền nhiệm nghỉ hưu theo quy định. Việc bố trí chỗ học của học sinh, lãnh đạo nhà trường cho biết, lớp 10, 11 vẫn học tại cơ sở 2; riêng lớp 12 được chuyển hết về học tại điểm chính để thuận tiện trong công tác dạy học, ôn thi cuối cấp.

Trường hợp cuối cùng trong số 4 trường tổ chức, sắp xếp lại lần này là Trường THPT Lê Duẩn sáp nhập vào Trường THPT Tân Châu. Qua điện thoại, phóng viên hỏi Hiệu trưởng Trường THPT Tân Châu về một số vấn đề có liên quan khi tiếp nhận giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất từ Trường THPT Lê Duẩn. Tuy nhiên, ông này chỉ trả lời “chưa, chưa” rồi đề nghị “có gì cứ hỏi Sở GD&ĐT”.

Cả bốn trường THPT sáp nhập nêu trên đều có nguồn gốc là trường THPT bán công và đều được thành lập mới ở giai đoạn sau này chứ không phải tách ra từ trường cũ. Khi Luật Giáo dục 2005 quy định chỉ có hai loại hình trường- gồm công lập và tư thục, mô hình trường bán công bị xoá bỏ. Năm 2008, UBND tỉnh có quyết định chuyển từ trường bán công thành trường công lập như hiện nay.

Quan trọng là trình độ quản lý

Cần thiết nhắc lại, tháng 10.2017, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Nghị quyết 19 ghi, nguyên văn: “Đối với giáo dục đại học: Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục.

Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các trường trong Quân đội, Công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang. Đối với giáo dục mầm non, phổ thông, sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể.

Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương. Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao. Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng.

Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các nhóm đối tượng đặc thù phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội. Sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Về cơ bản, trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện”.

Như vậy, việc chính quyền địa phương và ngành Giáo dục tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Năm 2018 và từ đầu năm 2019 đến nay, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục Tây Ninh đã sáp nhập hàng chục trường học, bao gồm mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo phân cấp quản lý, việc tổ chức lại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do UBND huyện, thành phố trực thuộc tỉnh thực hiện với sự tham mưu của Phòng GD&ĐT. Đối với cấp THPT và các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT, UBND tỉnh ban hành quyết định sáp nhập.

Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ.

Khi một chủ trương, chính sách nào đó được đưa ra thực hiện, chắc chắn sẽ tác động đến những người có liên quan. Có nhiều người bị thiệt thòi vì từ trưởng xuống làm phó hoặc đang làm tổ trưởng chuyên môn nhưng chức vụ ấy (kèm phụ cấp) sẽ không còn sau sáp nhập, cũng có trường hợp nhân viên mất việc. Đó là điều hiển nhiên khi bộ máy Nhà nước và các ngành nghề được tổ chức lại.

Với riêng ngành Giáo dục, đến thời điểm này, còn quá sớm, hay nói đúng hơn, chưa có cơ sở để đánh giá hiệu quả, chất lượng dạy học sau sáp nhập. Nhưng xét về mặt tổ chức, việc sáp nhập nhiều trường có quy mô nhỏ hoặc vừa (tuỳ trường hợp) là đúng và cần thiết. Một điều ai cũng thấy, sau sáp nhập, bộ máy quản lý được thu gọn, giảm được chi phí đồng nghĩa với giảm chi từ ngân sách.

Điều quan trọng sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ quản lý, cụ thể là thủ trưởng đơn vị phải là người thật sự có trình độ. Nếu trình độ quản lý giỏi, năng lực điều hành tốt, chuyện quy mô trường lớp quá lớn không phải là một trở ngại. Ở các đô thị lớn, nhiều trường phổ thông ngoài công lập có số học sinh lên đến 3-4 ngàn với nhiều địa điểm học khác nhau, nhưng nhà trường vẫn “vận hành ngon lành”.

Xin dẫn ra đây câu nói của ông Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu nhân lễ tổng kết năm học do Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua: “Cán bộ quản lý lỗi thời sẽ giống như vòng kim cô chụp lên đầu giáo viên”.

VIỆT ĐÔNG