BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao 

Cập nhật ngày: 25/03/2019 - 12:18

BTNO - Mới đây, Bệnh viện Lao và bệnh phồi Tây Ninh đã tổ chức lễ mít tinh, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao (24.3) với chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”.

Từ năm 1998, Ngày Thế giới phòng chống Lao (24.3) được xem là ngày chính thức của Liên Hiệp Quốc và đã trở thành một sự kiện sức khỏe quan trọng trên toàn cầu.

Bệnh viện Lao và bệnh phổi Tây Ninh phát động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24.3

Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn >20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Tại Tây Ninh, trong năm 2018 toàn tỉnh đã khám và xét nghiệm đàm cho 14.082 trường hợp nghi lao, trong đó có 2.178 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh; số người bệnh lao các thể tăng 1% so năm 2017.

Với mục tiêu khống chế bệnh lao, duy trì và mở rộng chiến lược DOTS, thực hiện theo phương châm “Phòng, chống bệnh lao bằng điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS) chất lượng cao”, năm 2018 Bệnh viện Lao và bệnh phổi Tây Ninh đã triển khai điều trị lao kháng thuốc bằng phác đồ 9 tháng, lao tiền siêu kháng, lao siêu kháng thuốc.

Với chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030” đã nêu rõ định hướng, mục tiêu cụ thể là cơ bản chấm dứt bệnh Lao tại Việt Nam vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu người thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao một năm (hiện nay, hàng năm ước tính Việt Nam vẫn có 124.000 trường hợp mắc lao mới).

Đây là hoạt động quan trọng hướng đến cam kết chính trị các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng, chống lao; giảm mặc cảm kỳ thị đối với bệnh lao; tiếp cận sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế cung cấp; tăng cường công tác phát hiện bệnh lao, đặc biệt là lao trẻ em, lao kháng thuốc, lao/HIV…

Y.K