BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chào mừng hội nghị biểu dương “Người có uy tín tiêu biểu trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”:

Cùng nắm chặt tay bảo vệ biên cương 

Cập nhật ngày: 17/08/2018 - 06:56

BTN - Trong thời gian qua, với vai trò nòng cốt, đi đầu của mình, các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp trong việc đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong tục, tập quán tiến bộ đi vào đời sống của bà con, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương đất nước.

Người cao tuổi xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) trao đổi với cán bộ - chiến sĩ Biên phòng.

Tây Ninh là tỉnh miền Ðông Nam bộ, có đường biên giới dài khoảng 240km giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia là Svay Rieng, Prey Veng và Tbong Khmum; là cửa ngõ giao lưu kinh tế thương mại giữa Việt Nam với Campuchia và các nước khu vực ASEAN.

Tây Ninh hiện có 22 dân tộc cùng chung sống đoàn kết, tương thân tương ái với nhau, chiếm khoảng 1,63% dân số của toàn tỉnh. Trong đó, có 4 dân tộc thiểu số chiếm số đông, đó là Khmer, Chăm, Hoa và tộc người Tà Mun.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số Tây Ninh luôn thể hiện được truyền thống yêu nước, đoàn kết chống ngoại xâm, xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.

Ðể thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn, tỉnh đã đầu tư xây dựng mô hình khu dân cư biên giới kiểu mẫu là Khu dân cư Chàng Riệc (xã Tân Lập, huyện Tân Biên) và dự án Làng Thanh niên lập nghiệp (xã Ninh Ðiền, huyện Châu Thành), tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ gia đình thanh niên, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Từ lâu, Tây Ninh đã nổi tiếng là vùng đất nghĩa tình, giàu truyền thống cách mạng, gắn với nhiều chiến tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Ðây từng là nơi đứng chân của Trung ương Cục miền Nam- cơ quan lãnh đạo đầu não của cách mạng miền Nam trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nơi lưu lại những chứng tích hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tây Ninh lại tiếp tục hứng chịu nhiều nỗi đau mất mát từ cuộc chiến tranh phá hoại biên giới Tây Nam của đội quân diệt chủng Khmer đỏ.

Với tinh thần yêu nước, vì độc lập dân tộc, một lần nữa, Ðảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Ninh cùng quân dân cả nước tiếp tục đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù, tiếp tục xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng giàu đẹp.

Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, Tây Ninh xếp thứ 19, tăng 1 bậc so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm GRDP thực hiện 23.350 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng 45,5%; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng gia tăng sản phẩm có giá trị kinh tế cao; sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh đạt kết quả bước đầu; đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đầu tư trung tâm thương mại, siêu thị tiếp tục được quan tâm; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, tình hình tư tưởng của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, hoạt động của các doanh nghiệp, việc làm của công nhân trên địa bàn ổn định. Kết quả đó cũng nhờ một phần đóng góp to lớn của các vị già làng, người uy tín trong việc phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng vũ trang giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới.

Ðất nước ngày càng phát triển, nhưng những nguy cơ chống phá từ các thế lực thù địch và mất an ninh trật tự vẫn còn diễn ra với nhiều thủ đoạn như “diễn biến hoà bình”, “tự do tôn giáo, dân tộc”.

Trong thời gian qua, với vai trò nòng cốt, đi đầu của mình, các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp trong việc đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong tục, tập quán tiến bộ đi vào đời sống của bà con, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương đất nước.

Bên cạnh việc thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ biên giới, người có uy tín trên địa bàn tỉnh còn nêu gương sáng trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; lao động cần cù, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng trang trại, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, như: dệt thổ cẩm, đan lát, rèn... từ đó từng bước xoá đói, giảm nghèo, giúp nhau trong sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình và cộng đồng.

Hội nghị biểu dương “Người có uy tín tiêu biểu trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Tây Ninh tổ chức chính là sự ghi nhận thành tích của quần chúng nhân dân, đặc biệt là người có uy tín đã và đang cùng với cấp uỷ, chính quyền các cấp xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Ðó là những tấm gương tiêu biểu của cộng đồng, và tin rằng trong thời gian tới những tấm gương tiêu biểu này sẽ ngày càng lan toả để trở thành một hành động cách mạng bảo vệ biên cương Tổ quốc.

T.N