Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xử lý vụ “mượn đất” lâm trường Tiểu khu 41:

Cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật 

Cập nhật ngày: 08/09/2017 - 06:10

BTN - Sáng 6.9, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiến hành cưỡng chế giao tài sản đối với ông Nguyễn Minh Dũng, sinh năm 1960, ngụ ấp Bàu Bền, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên. Tài sản cưỡng chế gồm gần 94 ha đất trồng cao su trái phép toạ lạc ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu.

Ðại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiến hành các thủ tục trước khi cưỡng chế đối với ông Nguyễn Minh Dũng.

MƯỢN… RỒI CHIẾM ÐẤT

Năm 1992, thực hiện chủ trương tạo nguồn nguyên liệu mía cho Nhà máy đường Nước Trong (huyện Tân Châu), ông Nguyễn Văn Sỹ (lúc này là Giám đốc Nhà máy đường) ký quyết định thành lập Tổ sản xuất mía do ông Trần Hoàng Kiếm làm tổ trưởng.

Ðể có đất sản xuất, năm 1993, ông Sỹ có công văn gửi UBND tỉnh, Sở Nông lâm, UBND huyện Tân Châu đề nghị cho nhà máy mượn tiểu khu 41 của Lâm trường Tân Châu để trồng mía và được Giám đốc Sở Nông lâm phê duyệt đồng ý.

Sau đó, Lâm trường Tân Châu ký hợp đồng cho Nhà máy đường Nước Trong mượn tiểu khu 41, thời gian 20 năm (1993-2013). Ðến ngày 17.6.1993, đại diện Lâm trường Tân Châu, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, Hạt Kiểm lâm Tân Châu bàn giao tiểu khu 41 thực địa cho đại diện Nhà máy đường Nước Trong. Tổng diện tích Tiểu khu 41 là 690 ha. Trong đó, đất còn rừng 176 ha và đất không còn rừng 514 ha.

Trong thời gian từ năm 1993-1997, thông qua Tổ sản xuất, ông Sỹ đã khai hoang, đền bù, quản lý và sử dụng hơn 22 ha đất trồng mía. Bên cạnh đó, ông Sỹ đã chuyển nhượng trái phép hơn 71 ha đất của Xí nghiệp đường 22.12 mượn của Lâm trường Tân Châu. Tổng cộng ông Sỹ quản lý, sử dụng đất mượn là 93,9204 ha.

Năm 1997, UBND tỉnh có quyết định giao 1.936 ha đất (tiểu khu 40, 41, 42, 43) cho UBND huyện Tân Châu quản lý, sử dụng lâu dài. Ðến năm 1998, UBND huyện có quyết định giao lại số đất nêu trên cho UBND hai xã Tân Hà, Tân Hội và thông báo cho người dân đang canh tác trên những phần đất nêu trên làm thủ tục kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDÐ).

Lợi dụng chính sách này, ông Sỹ và một số người khác trong Nhà máy đường Nước Trong đã cho người thân làm thủ tục kê khai với nội dung nguồn gốc đất tự khai hoang và xin được cấp giấy CNQSDÐ.

Trong khi ông Sỹ biết rõ những diện tích đất nêu trên là của Nhà máy đường mượn để trồng mía. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến một số người dân khai hoang được đền bù khiếu nại, vì họ cho rằng, đất thu hồi cho Nhà nước thì hợp lý, nhưng giao lại cho cá nhân sử dụng là không đúng.

THU HỒI ÐẤT THEO QUY ÐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Ngày 27 và 28.10.2009, Toà án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với các bị cáo, trong đó có ông Nguyễn Văn Sỹ- nguyên Giám đốc Nhà máy đường Nước Trong.

Tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định, ông Sỹ đã chủ động ký công văn để mượn đất của tiểu khu 41 và mở rộng diện tích đất mượn. Trong công văn ông Sỹ ghi rõ, khi Nhà máy đường Nước Trong cần thu hồi phải hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Ông cũng đã mượn hơn 22 ha đất của Nhà máy đường Nước Trong thuộc Tổ sản xuất quản lý. Ðến năm 1994, với danh nghĩa Giám đốc Nhà máy đường Nước Trong, ông đã sang nhượng hoa lợi trên 71 ha đất của Xí nghiệp 22.12 và chiếm giữ toàn bộ diện tích này.

Bản thân ông Sỹ biết rõ việc này, nhưng vẫn cố tình chiếm giữ đất để sử dụng cho mục đích cá nhân. Tổng cộng, ông Sỹ đã quản lý, sử dụng đất mượn là 93,9204 ha.

Năm 1997, UBND tỉnh ra quyết định giao đất nông lâm nghiệp cho UBND huyện Tân Châu quản lý và bố trí sản xuất ổn định lâu dài với diện tích 1.936 ha. Trong đó có tiểu khu 40, 42, 43 và toàn bộ tiểu khu 41. Lẽ ra, với cương vị Giám đốc, ông Sỹ phải tổ chức thu hồi đất để trả lại cho Nhà nước, nhưng ông đã phân chia cho những người thân trong gia đình đi kê khai đăng ký quyền sử dụng đất để hợp thức hoá.

Việc làm của ông Sỹ đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tại phiên toà, ông Sỹ tự nguyện giao trả tổng số phần đất có diện tích gần 94 ha đất.

Sau 8 năm kể từ ngày TAND tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm, sáng 6.9.2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiến hành cưỡng chế giao tài sản đối với ông Nguyễn Minh Dũng, sinh năm 1960, ngụ ấp Bàu Bền, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên (con của ông Nguyễn Văn Sỹ, đã quá cố). Tài sản cưỡng chế gồm gần 94 ha đất trồng cao su, hoa màu… toạ lạc ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu.

Ông Nguyễn Minh Dũng cho rằng, Nhà nước tịch thu tài sản trên đất sung công quỹ thì phải bồi thường. Gia đình ông không chống đối, nhưng không tự nguyện thi hành án và khẳng định đất và tài sản trên đất của gia đình ông là hợp pháp.

Tuy nhiên, theo giải thích của TAND tỉnh trong bản án đã tuyên, các tài sản trên diện tích 212,7445 ha (trong đó có phần đất gần 94 ha của gia đình ông Nguyễn Minh Dũng) như cây cao su, các cây khác… là tài sản do các bị cáo đã sử dụng đất trái pháp luật nhiều năm, thu lợi nhuận trên đất bằng việc trồng mía, và lấy lợi nhuận này trồng cao su, cây khác, tài sản khác trên đất trái pháp luật nên cây cao su, cây khác và tài sản khác trên đất là tài sản do phạm tội mà có, phải tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Ðức An - Ðại Dương