BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại dịch AIDS đã được kiểm soát? 

Cập nhật ngày: 24/07/2017 - 22:56

Số người chết vì bệnh AIDS giảm đi một nửa trong thập kỷ qua, còn 1 triệu người so với 1,9 triệu người vào năm 2005, nhưng nguy cơ vẫn còn rất lớn, đặc biệt tại châu Á.


Trên thế giới có 36,7 triệu người bị nhiễm HIV - Ảnh: BBC.

36,7 triệu người nhiễm HIV

Theo báo cáo mới nhất của Chương trình hoạt động phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), trên thế giới có 36,7 triệu người đang chung sống với căn bệnh thế kỷ, trong đó 53% đang nhận được sự điều trị để có một cuộc sống bình thường.

Bệnh nhân nhiễm HIV không thể được chữa khỏi hoàn toàn mà phải uống thuốc kháng virút mỗi ngày để kiểm soát. Tuổi thọ của người bệnh cũng tăng lên 10 năm trong một thập kỷ qua.

Giám đốc UNAIDS chia sẻ trên BBC: “Chúng ta đã đạt được mục tiêu năm 2015, đó là 15 triệu người nhận được sự điều trị, và chúng tôi muốn nhân đôi con số đó lên đến 30 triệu người vào năm 2030".

Liên Hiệp Quốc đặt ra mục tiêu 90-90-90 với mong muốn 90% số người bị HIV sẽ được chẩn đoán bệnh, 90% trong số bệnh nhân được điều trị sử dụng thuốc kháng virút (ARV), và 90% trong số người được điều trị kiểm soát được bệnh tình. Vào năm 2016, những con số này là 70%, 77% và 82%.

AIDS từng là một trong những căn bệnh giết nhiều người nhất thế giới. Kể từ khi đại dịch bùng phát những năm 1980, đã có hơn 76 triệu người trên thế giới nhiễm HIV, trong đó 35 triệu người đã tử vong.

ASEAN và nguy cơ bùng phát HIV

Mặc dù số người chết vì AIDS đã giảm, nhưng do việc chữa trị chưa đạt chuẩn và hiểu biết của người dân chưa tốt nên số người chết vì căn bệnh này ở một số vùng như Bắc Phi, Trung Đông, châu Á và khu vực Tây Âu lại tăng lên.

Theo Avert (tổ chức phi chính phủ của Anh), châu Á là nơi tập trung số người nhiễm HIV cao thứ hai thế giới với 5,1 triệu người bị mắc bệnh. Vào năm 2016 châu Á có thêm 300.000 người bị nhiễm HIV, và 180.000 người chết vì AIDS.

Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia chiếm 3/4 tổng số người mắc bệnh của khu vực. Trong số người bệnh, 64% biết về bệnh tình của mình, 41% được điều trị sử dụng thuốc kháng virút (ARV) và 34% đã kiểm soát được virút.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ lây nhiễm và tử vong cao ở khu vực châu Á là nhiều nước trong khu vực từ chối hỗ trợ chữa trị những bệnh nhân bị nhiễm virút HIV do sử dụng thuốc phiện hay quan hệ đồng giới. 

Mặc dù khu vực Nam Á và Đông Nam Á được chứng kiến sự giảm đi trong số người nhiễm HIV hằng năm, khu vực Đông Á lại có sự tăng lên đáng lo ngại. Một số thành viên của khối ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Thái Lan có tỉ lệ người nhiễm HIV cao, chiếm 95% tổng số người bị nhiễm trong vùng. 

Khả năng kiểm soát dịch bệnh của từng nước lại khác nhau. Chẳng hạn Singapore, Campuchia nằm trong số những nước đạt được mục tiêu 90-90-90 của LHQ, trong khi Thái Lan và Malaysia mới đạt được một mục tiêu trên 90% người nhiễm biết về bệnh của mình. Tuy nhiên chỉ có 35% bệnh nhân nhiễm HIV tại Indonesia hiểu được bệnh tình của mình.

Nguồn TTO

Từ khóa
ASEANHIV