BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đặc khu kinh tế: Thí điểm thể chế theo hướng cởi mở, đột phá 

Cập nhật ngày: 21/09/2017 - 12:42

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) sẽ xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi, để các đặc khu kinh tế (ĐKĐT) của Việt Nam dù đi sau nhưng vẫn đủ sức cạnh tranh với các mô hình của thế giới.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế. VGP/Huy Thắng

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, ông Đông cho biết Dự thảo Luật đã thực hiện mở cửa thị trường tại các ĐKKT với mức cao hơn các khu vực khác và bảo đảm cạnh tranh quốc tế thông qua quy định điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư (NĐT) trong nước trong các ngành, nghề cần thu hút đầu tư. 

Cụ thể, Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng chung đối với NĐT trong nước và nước ngoài và một số ngành, nghề áp dụng riêng đối với NĐT nước ngoài theo hướng cắt giảm tối đa, chỉ giữ lại một số ngành, nghề nhất định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng. 

Thủ tục thực hiện đầu tư kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB được đổi mới và đơn giản hoá theo trình tự đơn giản nhất; không thực hiện thủ tục quyết định đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh theo quy định tại Luật Đầu tư…

Ngoài ra, mô hình tổ chức bộ máy cũng là bước đột phá, theo quan điểm quy rõ trách nhiệm cá nhân, không dựa vào trách nhiệm tập thể. Hệ thống tư pháp cũng hoàn toàn mới, toà án tại đơn vị hành chính đặc biệt tương đương cấp huyện nhưng thẩm quyền ngang cấp tỉnh, có thể giải quyết vấn đề tại chỗ. 

Xin ông phân tích cụ thể hơn vì sao chính sách ưu đãi dự kiến của đơn vị HCKTĐB có gì vượt trội so với các mô hình cạnh tranh trong khu vực hiện nay để bảo đảm về lợi thế thu hút đầu tư?

Ông Trần Duy Đông: Trước hết, luật mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NĐT trong nước và nước ngoài tiếp cận đất đai và tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại các đơn vị HCKTĐB. 

Cụ thể, luật quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị HCKTĐB và dự án đầu tư của NĐT chiến lược.

Luật cũng quy định tổ chức kinh tế trong nước, DN FDI được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Đây là quy định rất mở mà trong luật hiện hành chưa cho phép nhưng chúng tôi mạnh dạn đề xuất áp dụng. 

Về quy định chính sách huy động các nguồn lực, đặc biệt là từ khu vực tư nhân đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các đơn vị HCKTĐB, luật quy định NĐT được phép đề xuất các hình thức thực hiện dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo thông lệ quốc tế. 

Ngoài ra, quy định ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các đơn vị HCKTĐB, để lại toàn bộ số tăng thu nội địa trên địa bàn đơn vị HCKTĐB trong 10 năm, cho phép bội chi ngân sách địa phương để đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, môi trường quan trọng và thực hiện chính sách đặc thù quy định tại Luật. 

Về chính sách thuế, luật xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước hấp dẫn, vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các ĐKKT trên thế giới để thu hút các NĐT chiến lược và đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển gắn với quy mô vốn.

Theo đó, mức ưu đãi cao nhất áp dụng với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên…

Ngoài ra, luật còn quy định nhiều chính sách phát triển các ngành du lịch, dịch vụ như nâng mức giá trị bán hàng miễn thuế cho khách du lịch Việt Nam và người nước ngoài tại khu phi thuế quan; thực hiện chính sách thị thực đơn giản và mở rộng hơn; áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ kinh doanh casino, đặt cược thấp hơn mức hiện hành để cạnh tranh với Singapore, Malaysia, Macau (Trung Quốc)…

Như ông đã nói, các ưu đãi dành cho đơn vị HCKTĐB là rất lớn, điều này đặt ra vấn đề liệu có khó kiểm soát chất lượng nhà đầu tư, tác động tốt vấn đề xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Duy Đông: Nhìn vào dự thảo luật thì đúng là chúng ta thấy rằng ưu đãi nhiều quá. Tuy nhiên tôi xin giải thích thêm rằng các vấn đề này đều được pháp luật hiện nay của ta quy định như thế, luật chỉ gom lại thì chúng ta thấy nhiều như vậy. Thực tế, hiện nay các khu kinh tế, khu công nghệ cao đều được áp dụng các quy định như vậy. 

Bên cạnh đó, tôi cũng xin lưu ý rằng với các ưu đãi đầu tư vượt trội cũng chỉ được áp dụng trong phạm vi rất hẹp, đối với từng ngành nghề, dự án ưu tiên phát triển trong từng đặc khu.

Ví dụ vào Vân Đồn thì chỉ dành cho dự án du lịch, công nghệ cao; Bắc Vân Phong là dành cho dự án cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông… mục tiêu phát triển phải khác nhau ở từng khu.  

Các quy định trong luật không vượt quá nhiều so với các ưu đãi hiện nay, và ở một số quy định chúng ta còn chặt hơn là ưu đãi chỉ áp dụng cho từng ngành nghề ưu tiên chứ không cào bằng.

Như vậy, tinh thần của luật là thực hiện thí điểm thể chế theo hướng cởi mở, đột phá nhưng phải thận trọng. Chúng tôi sẽ phải đánh giá tác động về các mặt: kinh tế, xã hội, giới, thủ tục…

Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt đang được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và hoàn thiện, dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018.

Nhưng thực tế, để thông qua, ngoài luật ra, Quốc hội còn xem xét tổng thể các nội dung khác nhau.

Cụ thể, ngoài Luật có Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng lấy ý kiến còn có 3 đề án về việc thành lập 3 đơn vị hành chính đặc biệt do Bộ Nội vụ chủ trì và có hội đồng thẩm định lấy ý kiến nhân dân liên quan đến việc: xử lý vấn đề dân cư, sắp xếp bộ máy, tổ chức của các cơ quan của Đảng, tổ chức Chính Ngoài ra, còn có các đề án riêng về vấn đề bảo đảm an ninh, quốc phòng, vì không phải khu vực nào cũng có thể đầu tư.

Điểm khó là ngay cả khi các chính sách ưu đãi đã đưa ra trong dự án Luật liệu có đáp ứng được đủ nhu cầu của các NĐT chiến lược thật tầm cỡ hay không?

Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi cho rằng cần triển khai trên quan điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở các định hướng cơ bản trong phát triển các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. 

Theo đó, chính sách có thể cân nhắc linh hoạt. Khi có NĐT chiến lược quan tâm, đặt vấn đề có những cơ chế, chính sách cao hơn, mới hơn khi đầu tư vào các đặc khu thì chúng ta vẫn sẽ có thể sẵn sàng đàm phán tiếp tục với NĐT chiến lược và sửa luật để điều chỉnh mức độ ưu đãi và mở cửa phù hợp với quy định luật pháp hiện hành và thông lệ quốc tế.

Nguồn chinhphu