BAOTAYNINH.VN trên Google News

Họp mặt nữ cựu thanh niên xung phong nhân ngày 20.10:

Đậm đà tình nghĩa 

Cập nhật ngày: 19/10/2019 - 12:12

BTN - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, với sự chỉ đạo của Tỉnh hội và hỗ trợ của các cựu TNXP thành đạt, Ban Công tác nữ đã tổ chức cho 133 chị “về nguồn” giao lưu với các chị thuộc đơn vị C2012 tại Khu di tích núi Minh Đạm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nữ TNXP Trường Sơn ngày trước, nay là hội viên nữ cựu TNXP huyện Tân Châu biểu diễn tiết mục “Tiếng đàn Ta Lư” tại buổi họp mặt.

Sáng 18.10, nhân kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20.10, Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Tây Ninh tổ chức họp mặt cán bộ, hội viên nữ cựu TNXP. Tham dự họp mặt có hơn 100 cán bộ hội viên nữ cựu TNXP tiêu biểu thay mặt cho 344 nữ hội viên thuộc 9 huyện, thành Hội trong tỉnh. Đây là một trong hai hoạt động tập trung hằng năm của Ban Công tác nữ thuộc Ban Chấp hành Tỉnh hội vào hai ngày mà toàn xã hội cùng thể hiện sự quan tâm dành riêng cho giới nữ- ngày 8.3 và ngày 20.10.

Theo kết quả điều tra khảo sát của Trung ương hội Cựu TNXP Việt Nam trước thềm Đại hội Cựu TNXP toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay, trong tổng lực lượng TNXP các thế hệ kháng chiến cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, có 47% cựu TNXP là phụ nữ. Tỷ lệ này cho thấy vai trò quan trọng, sự đóng góp cho đất nước của phụ nữ không kém nam giới bao nhiêu.

Riêng tại Tây Ninh, tuy số hội viên nữ không nhiều trong tổng số hội viên Cựu TNXP- gần 2.500 hội viên, nhưng theo số liệu của các ông Trương Định Quang, Đặng Văn Ninh, Lê Anh Tòng, nguyên cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam, Liên đội 5, đơn vị C2311 Hoàng Lê Kha - Tây Ninh thời kháng chiến chống Mỹ có tới hơn 60% chị em trong tổng số khoảng gần 100 cán bộ, đội viên thuộc đơn vị C2311, một trong bốn đơn vị đầu tiên của Tổng đội được thành lập trong phong trào “5 sẵn sàng” do Trung ương Đoàn phát động ngay sau khi quân xâm lược Mỹ đổ vào miền Nam năm 1965.

Điều này, theo lý giải của các vị nguyên lãnh đạo TNXP là do trong thời chiến, phần đông thanh niên yêu nước tham gia các đơn vị bộ đội, trực tiếp chiến đấu chống ngoại xâm, còn phụ nữ thì tham gia lực lượng TNXP phục vụ chiến đấu, phối thuộc với các đơn vị bộ đội chủ lực.

Tuy nhiên, theo các tài liệu lịch sử, trong thực tế chiến trường, TNXP còn trực tiếp cầm súng đánh giặc trong khi đang làm nhiệm vụ phục vụ tiếp đạn, tải thương. Thành tích đó đã được khẳng định trong kháng chiến khi đơn vị TNXP Hoàng Lê Kha - Tây Ninh C2311 được công nhận là “Lá cờ đầu toàn diện” của Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam.

8 năm đơn vị C2311 tham gia phục vụ chiến đấu (1965-1973) cũng là 8 năm chiến tranh ác liệt nhất, từ khi quân Mỹ trực tiếp đổ vào miền Nam cho đến khi chúng cuốn cờ cút khỏi đất nước ta. Trong nhiệm vụ tải đạn và tải thương, C2311 đã chuyển hàng ngàn thương binh từ mặt trận về các trạm phẫu thuật dã chiến và từ các trạm này về đơn vị quân y ở hậu cứ một cách an toàn, kịp thời. Có cung đường khiêng cáng thương binh rất xa, từ Bà Rịa, Long Khánh sang tận biên giới giáp Campuchia, đi về hơn chục ngày đường.

Nhiều nữ TNXP bé nhỏ, mới 16, 17 tuổi khiêng thương binh to, nặng đi trên đường rừng quanh co, đồi dốc, lầy lội vẫn giữ được sự êm ái, nhẹ nhàng để không làm đau thương binh trong nhiều giờ liên tục. Về việc tải đạn, trước mỗi trận đánh đơn vị TNXP phải đi tải đủ cơ số đạn từ các kho hậu cần về cho đơn vị bộ đội tác chiến, cho cả các đơn vị pháo binh, cao xạ.

Và trong chiến đấu, đơn vị TNXP là “kho đạn dự trữ lưu động” đưa đến tận chiến hào, vị trí chiến đấu của bộ đội. 8 năm phục vụ, C2311 đã tải hàng chục ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, quân trang, quân dụng cho bộ đội đầy đủ, kịp thời và an toàn tuyệt đối. Còn trong nhiệm vụ trực tiếp tác chiến, C2311 nổi lên rất nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, không sợ hy sinh, quyết thắng kẻ thù, trong đó có 2 tấm gương cá nhân cùng với tập thể đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là các liệt sĩ TNXP Trịnh Duy Hoàng và Võ Thị Rậm.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, có các cựu TNXP ở nhiều tỉnh, thành đến sinh sống, lập nghiệp tại Tây Ninh. Trong đó có các chị từng là cán bộ, đội viên TNXP Trường Sơn ở miền Trung, TNXP chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cùng với TNXP giải phóng miền Nam, bảo vệ biên giới Tây Nam và xây dựng kinh tế ở địa phương cùng tham gia xây dựng và phát triển tỉnh nhà, cùng tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội Cựu TNXP Tây Ninh.

Trong hơn 13 năm thành lập Hội (từ 2006 đến nay), Ban Chấp hành Tỉnh hội cùng Ban Công tác nữ đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho hội viên nữ Cựu TNXP. Đáng chú ý như trong 2 chuyến đi thăm miền Bắc, viếng lăng Bác Hồ các năm 2011 và 2017, số cán bộ, hội viên nữ luôn chiếm đa số trong các đoàn “về nguồn” (102/142 lượt hội viên trong 2 chuyến đi). Cùng với những hoạt động thực hiện vai trò nhân chứng lịch sử và nghĩa tình đồng đội chung với toàn Hội, chị em còn có những công tác đặc thù của nữ giới và các phong trào do tổ chức chính trị xã hội của giới nữ là Hội LHPN tỉnh phát động.

Riêng trong năm 2019, từ đầu năm đến nay, Ban Công tác nữ của Tỉnh hội và các huyện, thành Hội đã được củng cố, kiện toàn và tích cực đẩy mạnh công tác, hội viên nữ Cựu TNXP hăng hái tham gia hoạt động Hội, tích cực hưởng ứng phong trào Cựu TNXP học tập, làm theo gương Bác, đã có 25 cán bộ, hội viên nữ được Trung ương hội Cựu TNXP Việt Nam tặng Huy hiệu “Cựu TNXP làm theo lời Bác”.

Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Tỉnh hội với Hội LHPN tỉnh, Ban Công tác nữ các cấp Hội thường xuyên hưởng ứng tham gia cùng Hội LHPN các địa phương thực hiện các phong trào “5 không- 3 sạch”; xây dựng gia đình văn hoá “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; “Chung tay hành động phòng chống rác thải nhựa”…

Đặc biệt, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, với sự chỉ đạo của Tỉnh hội và hỗ trợ của các cựu TNXP thành đạt, Ban Công tác nữ đã tổ chức cho 133 chị “về nguồn” giao lưu với các chị thuộc đơn vị C2012 tại Khu di tích núi Minh Đạm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nữ cựu TNXP C2311 Hoàng Lê Kha- Tây Ninh U80 Hà Thị Nga (huyện Hoà Thành) vẫn cất cao tiếng hát yêu quê hương đất nước.

Trong các hoạt động giúp nhau làm kinh tế, 100% hội viên nữ hưởng ứng đóng góp Quỹ nghĩa tình đồng đội, Quỹ góp vốn xoay vòng của tổ chức Hội các cấp. Đồng thời, các chị còn đóng góp Quỹ công tác nữ được hơn 29,5 triệu đồng (Quỹ này do Ban Công tác nữ các huyện, thành phố vận động và thu chi để thăm hỏi các chị khi ốm đau, hoạn nạn đột xuất); có 2 hội viên nữ hỗ trợ vốn không tính lãi cho đồng đội nữ 31 triệu đồng để làm kinh tế gia đình.

Đặc biệt, chị Nguyễn Thị Kim Hồng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Long Vĩnh tặng đồng đội 15 triệu đồng góp vào nguồn chi phí xây nhà tình nghĩa của Huyện hội Châu Thành; chị Nguyễn Thị Khiêm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Suối Dây, huyện Tân Châu tặng đồng đội sửa chữa nhà 5 triệu đồng; Ban Công tác nữ Huyện hội Hoà Thành hỗ trợ 5 triệu đồng cho một nữ hội viên sửa chữa nhà…

Còn nhiều lắm các hoạt động nghĩa tình giữa đồng đội nữ, chẳng hạn như tặng 40 phần quà tết, trị giá mỗi phần từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng; thăm bệnh 19 trường hợp, viếng tang 1 trường hợp hội viên nữ qua đời và rất nhiều trường hợp đột xuất ở các cấp Hội khắp nơi trong tỉnh…         

Với những nỗ lực và nhiệt tình hết mình vì đồng đội của các cán bộ hội viên nữ, nhân cuộc họp mặt kỷ niệm ngày 20.10, Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP Tây Ninh trao tặng giấy khen cho 1 tập thể và 4 cá nhân hội viên nữ; đồng thời đề nghị Ban Chấp hành Trung ương hội tặng bằng khen cho 2 hội viên nữ có thành tích xuất sắc trong năm nay. Dịp này, các hội viên Cựu TNXP thành đạt cũng tặng 14 phần quà cho các chị hội viên hoàn cảnh khó khăn.

Nguyễn Tấn Hùng