BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đất lành, cò đậu 

Cập nhật ngày: 02/01/2019 - 20:29

BTNO - Chưa bao giờ trên những cánh đồng ở xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) có nhiều chim cò kéo nhau về sinh sống như hiện nay. Điều đó cho thấy môi trường sinh thái ở vùng đất này đang tốt dần lên.

Đàn cò trắng nhởn nhơ kiếm ăn trên cánh đồng xã Phước Chỉ.

Những ngày cuối năm 2018, có dịp về công tác ở xã Phước Chỉ, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy ở đây có nhiều đàn cò trắng về kiếm ăn trên đồng. Có những đàn, chỉ vài chục cá thể, nhưng cũng có đàn số lượng nhiều đến cả ngàn con. Trong đó, ngoài số ít cò địa phương với thân hình nhỏ, cổ ngắn, đa số còn lại là loại cò từ các tỉnh miền Tây di cư đến đây. Những chú cò đến từ miền Tây có thân hình to gần gấp đôi cò địa phương và cổ của chúng cũng dài hơn khá nhiều.

Trong đàn cò lớn còn có khoảng 100 chú cồng cộc. Những chú cồng cộc có bộ lông đen trũi, bóng mượt và có vẻ no tròn hơn so với những chú cò khẳng khiu. Ngoài ra, lẻ tẻ trên những lùm cây, bụi cỏ còn có một số cá thể “cò ma” cũng đang ẩn mình rình mồi. Loại cò này có bộ lông trắng pha lẫn màu xám nên rất khó nhìn thấy, chỉ khi có người đến gần, chúng mới vụt bay lên. Có lẽ vì những yếu tố đó mà dân gian gọi chúng là “cò ma”?

Năm nay, đàn cò từ miền Tây kéo về Phước Chỉ rất sớm và chúng ở lại đến nay. Điều đó cho thấy môi trường sinh thái ở đây đang ngày một tốt hơn.

Thời điểm này, những cánh đồng ven sông Vàm Cỏ Đông đang rút nước và người dân địa phương đang tất bật xuống giống lúa cho mùa vụ mới. Những đàn cò này thường lần theo các mương nước, mảnh ruộng đang cạn nước hoặc ruộng lúa vừa xuống giống để kiếm ăn. Đặc biệt, trên những ruộng lúa nước còn ngập lấp xấp là điều kiện lý tưởng nhất để chúng bắt tép, cá.

Ở những nơi người dân đang cày bừa, trục đất hay ruộng lúa đã xuống giống thì đàn chim trời này càng dễ kiếm ăn hơn. Bởi, ở những mảnh ruộng này đang có vô số cá, tép bị mắc cạn, ngoi ngóp trên mặt sình. Các chú cò chỉ cần đáp xuống là có thức ăn ngay.

Ông Nguyễn Trường Giang, người dân địa phương kể: “Trước đây, đến khoảng tháng 10 âm lịch, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, những đàn cò này mới từ miền Tây di cư về đây trú đông. Năm nay, bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, lúc mùa nước nổi vừa bắt đầu dâng lên, tôi đã thấy chúng xuất hiện trên đồng. Cứ nước tràn đồng đến đâu là chúng bay theo đến đó để kiếm ăn. Đến khi nước rút xuống, chúng cũng đi theo con nước tìm cá, tép. Có lẽ đến qua tết Nguyên đán, chúng mới trở về miền Tây để bắt đầu mùa sinh sản”.

Những chú cò thường tìm đến những con mương cạn nước như thế này để kiếm ăn.

Người đàn ông này còn mở điện thoại di động cho tôi xem hình một đàn sếu đầu đỏ khá đông mà ông vừa chụp được hai tuần trước. Ông kẻ: “Lúc đó, tôi đang chạy xe máy trên bờ đê thì thấy một đàn sếu đầu đỏ cỡ khoảng 200 con đang tìm thức ăn trên một mảnh ruộng vừa cạn nước. Tôi định đến gần chúng để chụp hình, nhưng nghe tiếng động cả đàn sếu vụt bay mất nên hình ảnh không rõ nét lắm..”.

Theo ông Giang, nguyên nhân có nhiều chim cò kéo về Phước Chỉ kiếm ăn là do những năm gần đây, môi trường sinh thái ở vùng đất này đang tốt dần lên. Dưới kênh rạch có nhiều cá, tép. Trên bờ, có nhiều vườn cây lâu năm để chúng trú ngụ, và quan trọng hơn là người dân không săn bắt chúng.

Dù hiện nay, môi trường sinh thái ở vùng đất Phước Chỉ khá phù hợp cho lũ chim cò dừng chân trú ngụ, nhưng chính quyền địa phương cũng cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề này. Bởi vì năm 2011 đã từng có nhiều chim trời tụ họp về đây kiếm ăn. Thế nhưng, do một số người chuyên kiếm sống bằng nghề săn bắt chim trời biết tin đàn cò tụ tập về đây nên tìm đến săn bắt. Khi chim trời ngày càng ít đi thì mất cân bằng sinh thái là điều không thể tránh khỏi.

Đại Dương