BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đất lúa còn nhiều … “ trên giấy” ? 

Cập nhật ngày: 19/01/2021 - 21:41

BTNO - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 5 năm (từ 2015–2019), diện tích đất trồng lúa có xu hướng giảm mạnh, từ 76.324,1 ha năm 2014 xuống còn 60.864,8 ha năm 2019.

Khu đất lúa cặp theo đường CTM8, phường 1, thành phố Tây Ninh gần như ít có hộ dân nào canh tác lúa

Nguyên nhân của việc giảm mạnh diện tích đất trong lúa dẫn đến việc chưa đảm bảo chỉ tiêu đất trồng lúa là do người sử dụng đất tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, cất nhà ở, chuyển sang đất phi nông nghiệp và đất nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao hơn.

 Ngoài ra, do chi phí chuyển mục đích từ đất trồng lúa sang đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp còn cao nên một số người sử dụng đất không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính, do đó chuyển mục đích không đúng quy định.    

Bên cạnh đó, đất sản xuất nông nghiệp có diện tích 265.969,2 ha, giảm 5.257,0 ha so với kỳ kiểm kê năm 2014, cụ thể:  đất trồng cây hàng năm giảm 15.222,0 ha, trong đó đất trồng lúa giảm 15.459,3 ha, đất trồng cây hàng năm khác tăng 237,3 ha.

Nguyên nhân việc đất trồng lúa giảm là do kỳ kiểm kê đất đai năm 2000, việc kiểm kê hiện trạng sử dụng đất lúa tương đối phù hợp với mục đích sử dụng đất theo hồ sơ địa chính. Tuy nhiên, sau thời điểm năm 2000, do giá trị kinh tế trồng lúa không hiệu quả nên người sử dụng đất đã tự chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như cao su, mì, mía…

Các kỳ kiểm kê 2004, 2009, 2014 đều thừa kế số liệu này, trong khi năm 2019 kiểm kê theo hiện trạng nên có sự biến động lớn đất lúa do chuyển sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác so với năm 2014

Khu đất lúa gần khu công nghiệp Chà Là cũng được người dân chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn

Đất trồng lúa giảm một phần do chuyển sang đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản; đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất có mục đích công cộng…

Tuy nhiên đất trồng cây hàng năm khác tăng 237,3 ha, chủ yếu từ đất trồng lúa sang.  Đất trồng cây lâu năm tăng 9.965,0 ha, chủ yếu từ đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm sang đất trồng cây lâu năm, với giá trị kinh tế thu nhập cao hơn.

Dù với kết quả kiểm kê như trên nhưng vẫn có ý kiến cho rằng kết quả kiểm kê với với hiện trạng sử dụng đất hiện nay trong dân, nhất là đất lúa và đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm vẫn chưa được chính xác. Theo một số người, tình trạng biến động đất, trong đó có đất lúa vẫn thường xuyên diễn ra, nỗi bật là vấn đề người dân vi phạm xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp mà phổ biến là tại những khu đất nông nghiệp nằm khu dân cư.

Mới đây, UBND phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi đổ mặt bằng thay đổi hiện trạng trên đất lúa đối với 1 cá nhân để xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên khi chứng kiến hiện trạng tại khu đất này, dù trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân khu vực này đều có mục đích sử dụng là đất lúa nhưng nơi đây đã hình thành 1 “ khu dân cư nho nhỏ” với khoảng 10 căn nhà được xây dựng lên. Theo cán bộ quản lý xây dựng của phường, hầu hết các hộ dân xây dựng nhà ở trên khu đất nông nghiệp trên đều bị xử phạt hành chính do hành vi xây dựng nhà trên đất nông nghiệp.

Một cá nhân cất nhà trên đất lúa bị xử lý chia sẽ, vẫn biết mua đất nông nghiệp là không thể cất nhà ở nhưng hiện nay giá đất ở bên ngoài khá cao, nhất là khu vực đô thị nên so với thu nhập của người lao động như anh thì việc mua đất được đất ở cất nhà là vô cùng khó khăn.

Do đó anh đành “ nhắm mắt” làm liều mua đất nông nghiệp rồi “ canh” những ngày nghỉ cuối tuần để tranh thủ cất căn nhà tạm có chỗ cho gia đình che nắng, che mưa. Giờ cơ quan chức năng phát hiện thì anh phải chấp nhận bị  xử phạt hành chính như nhiều hộ dân khác.

Phần lớn các hộ dân mua đất nông nghiệp cất nhà ở mà chúng tôi tìm hiểu đều cho biết, do hoàn cảnh khó khăn nên mới mua đất nông nghiệp cất nhà bởi họ đều nhận thức được rằng cơ quan có thẩm quyền sẽ không cho cất nhà trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên do nhu cầu về nhà ở, muốn con cái có chỗ ở gần khu dân cư tiện việc đi học, đi làm nên họ đành chấp nhận bị xử lý hành vi vi phạm để cất nhà trên đất nông nghiệp.

Đất chuyên trồng lúa  ( LUC) bị các đối tượng đầu nậu phân lô ra rồi rao bán trên mạng xã hội

Thực tế hiện nay do sự phát triển đô thị ngày càng nhanh dẫn đến việc người dân xin chuyển đổi mục đích sang đất ở ngày càng nhiều cũng phần nào ảnh hưởng đến việc canh tác sản xuất nông nghiệp của người dân. Một lãnh đạo UBND xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu boăn khoăn, hiện nay cứ nâng cấp đường giao thông nông thôn tới đâu là người dân cất nhà theo đến đó.

Địa phương thì phải tiến hành xử lý vi phạm, tại nhiều diện tích đất lúa  có nhiều gia đình cất nhà ở hàng chục năm trước nay  thửa cho con cái để cất nhà ra riêng cũng là vấn đề khó khăn của địa phương. Tuy nhiên khi người dân vi phạm thì địa phương phải tuyên tuyên truyền và xử lý.

Cũng có những khu đất dù mục kê quản lý địa chính là đất lúa nhưng thực sự việc canh tác của người dân cũng không mang lại hiệu quả như những khu đất gần khu công nghiệp Chà Là, hiện nay nhà cửa người dân cất bên ngoài khá nhiều cũng ảnh hưởng đến phần đất năng suất sản xuất lúa của người dân nên nhiều thửa đất người dân chuyển sang trồng cây trồng khác.

Ông Nguyễn Thanh Minh – Chủ tịch UBND phường 1, thành phố Tây Ninh cho biết, chỉ trong năm 2020, UBND phường đã xử lý gần 20 trường hợp vi phạm cất nhà trên đất lúa. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận thực tế là với sự phát triển đô thị nhanh chóng hiện nay, rất có nhiều diện tích đất lúa gần như khó canh tác lúa như nhiều năm trước đây.

Nguyên nhân do nhà dân phát triển bên ngoài khá nhiều, việc lấy nước, thoát nước khi canh tác lúa cũng gặp không ít khó khăn đối với những người canh tác lúa bên trong. Đơn cử như khu vực đất lúa 2 bên đường CTM8 giáp ranh với Châu Thành thì hiện nay phần lớn diện tích đất lúa đã không còn canh tác lúa, thậm chí nhiều thửa đất lúa hiện nay người dân chỉ để cỏ lên !

Lãnh đạo xã tại huyện Châu Thành cho biết, Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 28/2020/QĐ-UBNDquy định về diện tích tối thiểu tách thửa. Các đối tượng đầu nậu đất bắt đầu mua những thửa đất lớn để thực hiện tách thửa theo Quyết định 28. Dù địa phương biết các đối tượng trên tách các thửa đất nông nghiệp để phân lô, bán nền nhưng không thể không ký hồ sơ vì thủ tục tách thửa được thực hiện đúng quy định.

Trước tình hình trên, sau khi ký hồ sơ cho các đối tượng trên tách thửa, địa phương thường xuyên theo dõi kiểm tra để kịp thời xử lý việc cất nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên có một thực tế đáng boăn khoăn, là những người mua đất nông nghiệp được tách thửa lại có hoàn cảnh khó khăn chỉ với mục đích cất nhà ở nhưng khó thực hiện sai quy định, trong khi đó các tay đầu nậu đã bán đất xong coi như hết trách nhiệm, phần còn lại người dân lãnh đủ !

Rõ ràng diện tích đất nông nghiệp giảm ngày càng nhiều có một phần nhận thức của người dân. Đối với các diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích phù hợp với quy hoạch đúng quy định pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền có thể thống kê chính xác.

Tuy nhiên trong thực tế đối với các diện tích đất nông nghiệp “ tự giảm” hoặc tự “ biến động”  so với mục đích sử dụng đất đã được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn thường xuyên diễn ra. Do đó theo một lãnh đạo UBND phường tại thành phố Tây Ninh nếu muốn thống kê chính xác diện tích đất lúa vẫn còn canh tác lúa, chưa bị biến động như chuyển sang trồng loại cây khác thì công tác kiểm kê thực địa không đơn giản.

 Khi đó cần phải kiểm kê chính xác từng thửa đất lúa hiện nay có hiện trạng như thế nào, có đang sử dụng đúng với mục đích hay không ?. Bởi lẽ trong thực tế có không ít vườn cây cao su, mãng cầu vẫn có mục đích sử dụng ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất lúa. Do đó dư luận boăn khoăn về số liệu đất lúa được kiểm kê nhiều hơn thực tế biến động bên ngoài là điều không quá khó hiểu ?!  

Nghĩa Nhân