BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hệ thống Thuỷ nông Dầu Tiếng:

Dấu ấn không phai của đất và người Tây Ninh

Cập nhật ngày: 09/09/2016 - 07:42

Mênh mông mặt hồ, nhìn từ đập chính cao 27m.

Bây giờ, thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần “lên mạng” internet, vào chương trình tìm kiếm Google gõ ba từ hồ Dầu Tiếng, người ta lập tức tìm được hàng ngàn bài viết về hồ thuỷ lợi này ở mọi khía cạnh. Thế nhưng cách nay 35 năm, khi 4.000 dân công, là cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên, học sinh khăn gói lên công trường đợt đầu tiên ở khu vực từ Suối Ông Hùng trở ra ngã ba Đất Sét, nơi diễn ra lễ khởi công chính thức ngày 29.4.1981 có Phó Thủ tướng Chính phủ Huỳnh Tấn Phát đến đặt nhát cuốc đầu tiên phát lệnh khởi công, đào đắp công trình đất- kênh N4 thuộc hệ thống Kênh Đông, thì không phải không có người không tin rằng người Tây Ninh có thể “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, như cách nói về việc làm thuỷ lợi thời bấy giờ.

Một kỷ niệm mà ai có mặt trong đợt ra quân đầu tiên ấy, đến bây giờ vẫn chưa quên, đó là chuyện đang giữa đợt công tác trời bỗng đổ cơn mưa đầu mùa lớn không thể tưởng, và là một cơn mưa đá với những hạt nước đá to bằng đầu ngón tay cái, từ trên trời rơi xuống chạy lăn tăn trên vách ta-luy bờ kênh mới đào. Thế rồi khi kết thúc mùa thi công đầu tiên ấy, đơn vị cấp huyện lập thành tích dẫn đầu mùa thi công lại là đơn vị ở bên kia sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Cầu, mà theo thiết kế công trình thì không được hưởng lợi từ hiệu ích công trình.

Và đơn vị cấp xã dẫn đầu mùa thi công cũng là một xã có rất ít đất canh tác, nằm giữa Thị xã và thị trấn Hoà Thành – xã Hiệp Tân. Đến những mùa thi công tiếp theo, từ năm 1982 đến năm 1985, ngọn cờ đầu cấp huyện và bức chân dung Bác Hồ do Bộ Thuỷ lợi tặng để tỉnh khen thưởng luân lưu chỉ trao qua, trao lại giữa hai huyện Châu Thành và Hoà Thành. Riêng cấp xã, Hiệp Tân luôn giữ vững ngọn cờ đầu cho đến khi công trình hoàn thành, nước hồ Dầu Tiếng được “đón về” tưới khắp đồng gần, đồng xa từ vụ Đông Xuân 1984-1985. Thành tích “toàn dân làm thuỷ lợi” ở huyện Châu Thành cùng xã Hiệp Tân được Nhà nước ghi nhận với phần thưởng hết sức vinh dự: hai tấm Huân chương Lao động hạng Ba cho hai đơn vị.

Trên mặt cống đầu kênh chính Tây.

Có thể nói, những năm thi công xây dựng hệ thống thuỷ nông Dầu Tiếng - Tây Ninh, toàn tỉnh là một “đại công trường thủ công” thi đua với khu vực đầu mối thi công cơ giới do Bộ Thuỷ lợi đảm trách. Kết quả, ngành chức năng Trung ương cùng với “đại công trường địa phương” cùng về đích thắng lợi. Hệ thống thuỷ nông Dầu Tiếng Tây Ninh hoàn thành vượt chỉ tiêu về thời gian đến 4 năm, vì trước khi đặt nhát cuốc đầu tiên phát lệnh khởi công, Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát đã giao chỉ tiêu cho Bộ Thuỷ lợi và tỉnh Tây Ninh phải hoàn thành công trình vào năm 1989.

Động lực của thắng lợi này theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Đăng (một vị tướng trong kháng chiến chống Pháp ở miền Nam tập kết ra Bắc, xuất thân là kỹ sư nông học do Pháp đào tạo, quê ở xã Phước Hội, sau là xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu; được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ xây dựng và làm Hiệu trưởng của trường Đại học Nông nghiệp Hô-xê Mác-ti, tức Đại học Nông nghiệp 1, Đại học Nông nghiệp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập) tại Đại hội Tuổi trẻ trên công trường thuỷ lợi mùa khô 1982- 1983: “…30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nếu không có sức trẻ trong Quân đội làm sao chúng ta thắng Pháp, thắng Mỹ. Bây giờ xây dựng kinh tế cũng vậy, nếu không có lực lượng thanh niên thì làm thế nào chúng ta xây dựng.

Với những việc làm vừa qua, tôi rất tin tưởng rằng khi huy động được lực lượng thanh niên. Đảng bộ tỉnh huy động lực lượng thanh niên như thế là đúng, còn những người lớn tuổi cũng phải vận dụng kinh nghiệm, có trách nhiệm đối với thanh niên… hôm nay về dự với các đồng chí, thấy khí thế của Đại Hội, tôi phấn khởi vô cùng. Tỉnh ta tạo được khí thế như thế này để phát động thanh niên là bấm đúng nút, tin rằng công trình thuỷ lợi sẽ sớm hoàn thành và bộ mặt Tây Ninh sẽ đổi thay nhanh chóng”.

Sau Đại hội Tuổi trẻ mang tính lịch sử này, Công trường xây dựng thuỷ lợi Dầu Tiếng được Tỉnh uỷ đặt tên là Công trường Thanh niên Cộng sản. Và kết quả đã diễn ra đúng như “tướng Nguyễn Đăng” mong muốn, mùa thi công năm ấy toàn công trường đã hoàn thành được “con số không tưởng”: đào đắp 2,5 triệu mét khối đất, trong khi chỉ tiêu kế hoạch chỉ là 1 triệu mét khối, góp phần tạo ra khí thế lao động ngày càng dâng cao, và chuyện đi làm thuỷ lợi đối với thanh niên Tây Ninh thời bấy giờ không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là danh dự của tuổi trẻ quê hương trung dũng, kiên cường.

Kênh mương ban đầu đào đắp bằng đất, nay đã được kiên cố bằng bê-tông.

Những năm toàn tỉnh làm thuỷ lợi, sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005) ghi rõ như sau (trang 404, 405):

“Tỉnh Tây Ninh những ngày đầu mới giải phóng cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hoá - xã hội không có gì đáng kể. Để xây dựng lại quê hương, hằng năm tỉnh dành khoảng 25-30% tổng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Nổi bật nhất trong thời gian này là xây dựng công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, một công trình thuỷ nông lớn nhất nước ta.

Công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng được nghiên cứu chuẩn bị từ năm 1976. Ngày 18.5.1979 luận chứng kinh tế kỹ thuật được Chính phủ phê duyệt. Khu đầu mối công trình được xây dựng trên vùng đất của huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) và một phần của huyện Bến Cát (Bình Dương), với mặt nước rộng 27.000 ha, chứa 1,5 tỷ mét khối nước. Ngày 29.4.1981 công trình được khởi công. Ngày 10.1.1985 chính thức đưa nước về đồng ruộng phục vụ tưới tiêu cho 58.000 ha đất trong toàn tỉnh.

Đoàn viên thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong tổ chức thi công công trình, đã huy động được hơn 454.261 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia, thực hiện 14.910.000 ngày công, đào đắp 11.681.000 mét khối đất, 53.977 mét khối bê tông và đá xây, hàng trăm đoàn viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 1.450 kiện tướng lao động, 439 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng, 10.467 thanh niên được kết nạp vào Đoàn, 51.099 thanh niên trở thành Hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Xuất hiện nhiều đơn vị điển hình có năng suất cao, chất lượng tốt như xã Hiệp Tân (Hoà Thành), xã Hảo Đước (Châu Thành), xã Cẩm Giang (Gò Dầu), xã Lộc Ninh (Dương Minh Châu), xã Tân Hưng (Tân Biên), xã Bình Minh (Thị xã). Huyện Châu Thành, Hoà Thành nhiều năm liền giữ lá cờ đầu trên công trường, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Cầu máng kênh Tây, công trình kỹ thuật cao hoàn toàn do dân công Tây Ninh thi công.

Công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng được hoàn thành nhờ có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền Trung ương và địa phương, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và vai trò xung kích của thanh niên; sự kết hợp chặt chẽ giữa lao động thủ công và cơ giới trên công trường, bảo đảm thi công nhanh, chất lượng và hiệu quả. Trong thời gian tổ chức thi công, các cấp uỷ, chính quyền rất quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động. Động viên sự ủng hộ của các địa phương đối với các lực lượng thi công trên công trường”.

Hệ thống thuỷ nông Dầu Tiếng - Tây Ninh đưa vào vận hành hơn 30 năm qua đã phát huy hiệu ích rõ nét đối với sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước công nghiệp và sinh hoạt không chỉ cho Tây Ninh mà cả đến những tỉnh, thành lân cận. Hiện thực đó đã khẳng định đây là công trình xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế vĩ đại nhất, có một không hai trong suốt 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển. Và sẽ còn tiếp tục phát huy tác dụng nhiều năm sau, bởi lẽ cùng với đơn vị quản lý, vận hành hoạt động công trình ở khu vực đầu mối, Đảng bộ, chính quyền Tây Ninh và những tỉnh, thành lân cận luôn đặt nặng nhiệm vụ phát huy hiệu ích, bảo đảm an toàn cho “đại công trình thuỷ nông”, phục vụ công ích lâu dài này.

DUY NHÃ