BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết ở trẻ 

Cập nhật ngày: 19/10/2018 - 08:57

​Tay chân miệng do virus đường ruột gây ra; biểu hiện sốt cao, có thể nổi hồng ban dạng phỏng nước, không phải dạng ban đỏ như sốt xuất huyết.

Tay chân miệng do virus đường ruột gây ra; biểu hiện sốt cao, có thể nổi hồng ban dạng phỏng nước, không phải dạng ban đỏ như sốt xuất huyết.

Bộ Y tế cảnh báo 3 bệnh gồm tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi đang gia tăng, cần phòng chống dịch ngay. Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận gần 62.000 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có hơn 29.000 ca nhập viện và 6 người tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. Chủng Ente'virus (EV71) dễ gây biến chứng nặng và tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. 

Ngoài chân tay miệng, dịch sốt xuất huyết cũng đang có mặt ở hầu hết địa phương, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Bộ Y tế nhận định dịch sốt xuất huyết có thể kéo dài đến hết tháng 11.

Dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết diễn ra đồng thời có thể khiến phụ huynh nhầm lẫn dấu hiệu nhận biết. Mỗi bệnh cũng có hướng phòng ngừa, chăm sóc và điều trị khác nhau. Dưới đây là những điều các bậc cha mẹ nên lưu ý.

Bệnh tay chân miệng

Trẻ mắc tay chân miệng năm nay gặp nhiều ở nhóm 1-5 tuổi, nhất là ở nhóm trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo. Các loại virus chủ yếu là EV71 chiếm 21%, các EV khác 20%, Coxsackie A10 là 6%, Coxsackie A6 là 3%, virus đường ruột khác là 4%... Bệnh thường lây theo đường tiêu hóa, trải qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3-7 ngày khi trẻ đã tiếp xúc với nguồn lây từ trước.

Giai đoạn khởi phát: có thể kéo dài 1-2 ngày, trẻ sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát: thường kéo dài 3-10 ngày, trẻ xuất hiện vết loét đỏ hay phỏng nước 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, dễ nhầm lẫn với chứng nhiệt miệng. Lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông của trẻ có thể nổi hồng ban dạng phỏng nước, chứ không phải dạng ban đỏ như sốt phát ban hay sốt xuất huyết.

Sốt cao trên 39 độ C kèm quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân... là dấu hiệu cảnh báo sớm biến chứng. Phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện ngay. Bệnh diễn tiến nhanh, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, run chi, trợn mắt, run giật cơ, tim và mạch nhanh, thở nhanh, gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

Giai đoạn lui bệnh: trẻ có thể hồi phục trong 3-5 ngày nếu không có biến chứng.

Hướng xử trí: phụ huynh theo dõi cơn sốt, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, nếu trẻ khó uống có thể chọn loại có hương vị dễ chịu như cam. Mẹ cho con tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn, vệ sinh răng lưỡi hàng ngày bằng nước muối để tránh bội nhiễm. Trẻ loét miệng cho ăn đồ mát, mềm, loãng.

Theo dõi cơn sốt và các triệu chứng toàn thân góp phần ngăn bệnh diễn tiến nặng. Ảnh: Livestrong.

Bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn Aedes truyền virus Dengue gây ra, lây theo đường máu, thường phát triển qua các giai đoạn sau: 

Giai đoạn sốt: trẻ sốt cao đột ngột 39-40 độ trong 2-7 ngày. Người lừ đừ, mệt mỏi, nhức đầu, đau họng, buồn nôn, nôn, có thể kèm viêm họng, viêm hô hấp trên, sổ mũi, tiêu chảy..., thường dễ nhầm lẫn với cảm sốt thông thường.

Giai đoạn nguy hiểm: trẻ giảm sốt và có thêm biểu hiện thoát huyết tương với các biểu hiện tràn dịch màng phổi, màng bụng, nề mi mắt và da căng. Thoát huyết tương nhiều dễ dẫn đến tình trạng sốc như vật vã, da lạnh, tim đập nhanh, huyết áp tăng giảm đột ngột... Trẻ có thể bị xuất huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng) và nội tạng (xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, chảy máu phổi, chảy máu trong cơ).

Giai đoạn hồi phục: nếu không gặp biến chứng, thể trạng trẻ sẽ phục hồi dần, thèm ăn, đi tiểu nhiều, nhịp tim bắt đầu chậm lại, bạch cầu và tiểu cầu tăng lên.

Hướng xử trí: bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM khuyến cáo phụ huynh nên lưu ý bổ sung đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch. Giai đoạn đầu khi trẻ chưa bị thất thoát huyết tương thì không nên tự ý truyền dịch vì có thể khiến trẻ phù nề, suy hô hấp rất nguy hiểm. Việc truyền dịch cần thực hiện trong bệnh viện dưới chỉ định và theo dõi sát của bác sĩ.

Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay nếu thấy trẻ có biểu hiện bồn chồn, kích thích vật vã, nôn tăng, đau bụng, chảy máu chân răng, chảy máu cam. Tại bệnh viện bác sĩ sẽ đánh giá thêm những dấu hiệu nữa gồm phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm để xác định tình trạng bệnh nặng.

Nguồn VNE