Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ BỜI LỜI:

Đầu tư để trở thành “địa chỉ đỏ” của sinh hoạt truyền thống 

Cập nhật ngày: 16/09/2019 - 10:08

BTN - Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vừa cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch Trung tâm tái hiện di tích lịch sử cách mạng miền Nam (gọi tắt là Trung tâm tái hiện) thuộc khu vực di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời (xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng).

Hệ thống đường vòng xung quanh Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời.

Một thời hào hùng

Bời Lời là tên gọi dân gian để chỉ một loại cây gỗ mọc tự nhiên thành một khu rừng già rộng gần 200km2, thuộc ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Bời Lời cách trung tâm thị trấn Trảng Bàng 16km, theo đường chim bay. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nơi đây là căn cứ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Phân Liên khu miền Đông, một bộ phận Xứ uỷ Nam bộ thời chống Pháp và của một bộ phận Trung ương Cục thời chống Mỹ.

Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định và một số cơ quan cũng đã từng đặt căn cứ tại đây. Bời Lời còn là căn cứ của Huyện uỷ Trảng Bàng và Gò Dầu trong nhiều thời kỳ kháng chiến. Tuy có di chuyển nhiều nơi, Bời Lời vẫn là nơi mà Tỉnh uỷ có thời gian trú đóng lâu nhất. Rừng Bời Lời đã có tên trên bản đồ, chính nơi đây từ năm 1946 đến năm 1975 đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng. Nhiều hội nghị Khu uỷ, Tỉnh uỷ tổ chức tại đây và ra các nghị quyết quan trọng, lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng qua các giai đoạn.

Suốt 15 năm (1960-1975), Mỹ- nguỵ tiến hành hàng trăm cuộc càn quét, rải chất độc hoá học, dùng pháo đài bay B52 rải thảm trên rừng Bời Lời, hòng bao vây, tiêu diệt cách mạng. Do vị trí chiến lược cực kỳ đặc biệt, Bời Lời thuộc vùng “Tam giác sắt” ở cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn (Trảng Bàng - Củ Chi - Bến Cát). Song, Tỉnh uỷ và các cơ quan vẫn bám trụ, kiên cường lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Tây Ninh đi đến ngày toàn thắng. Năm 1999, Bời Lời được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Di tích lịch sử Bời Lời có vị trí thuận lợi là cửa ngõ của 3 tỉnh, thành: Tây Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Rừng Bời Lời rộng khoảng 146 ha. Khu quy hoạch không có nhà dân, chủ yếu là rừng tạp nguyên sinh, rừng chồi và rừng trồng. Trong khu di tích này đã xây dựng một số công trình khu vực tái hiện theo quy hoạch được duyệt năm 2008, như nhà trưng bày, tiếp khách. Công trình này đã xuống cấp.

Những ngày đầu tháng 9.2019, các công trình này đang được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Xung quanh khu rừng Bời Lời có hệ thống giao thông đường bộ (lộ giới 10m - 12m tuỳ khu vực), đường thuỷ (tuyến kênh Đông 8m), rất thuận tiện cho việc đầu tư xây dựng cũng như khai thác và phát huy tác dụng. Trong khu vực quy hoạch, có đường bê tông nhựa, đường chính xuyên suốt (lộ giới 12m), đường vòng xung quanh (lộ giới 10m), hệ thống cầu kiên cố và bảo đảm tốt sự liên kết vào khu vực.

Trong khu quy hoạch còn có nhiều đường mòn (đường đất) bất định theo địa hình. Ngoài ra, còn có đường Hồ Chí Minh chạy theo hướng Đông - Tây, tạo sự liên kết thuận tiện với các khu vực quan trọng xung quanh, có sông Sài Gòn ở phía Đông, giúp gia tăng khả năng tiếp cận vào khu vực.

Dự kiến xây dựng

Theo quy hoạch, Trung tâm được lập tái hiện một cách sinh động các khu di tích căn cứ kháng chiến cách mạng miền Nam tại Bời Lời, nhằm sắp xếp hài hoà các khu vực di tích với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời bổ sung các không gian cho hoạt động giải trí phục vụ du lịch, tham quan thưởng ngoạn cảnh quan rừng thiên nhiên, tạo cơ sở giáo dục truyền thống cách mạng bền vững cho các thế hệ mai sau.

Theo Đề án của Sở Xây dựng đã được UBND tỉnh thông qua, có 2 phương án xây dựng, trong đó phương án 1 đã được chọn. Phương án này, gồm những nội dung chính như, quy hoạch Trung tâm tái hiện hướng đến việc bảo tồn nguyên vẹn chức năng sử dụng đất và không gian rừng Bời Lời, tận dụng giá trị mạng lưới giao thông chính hiện tại. Trong đó, tổ chức không gian quảng trường nhỏ dưới rừng cây kết hợp với tượng đài Bời Lời.

Các không gian tái hiện căn cứ cách mạng và văn hoá lịch sử được định hình trên cơ sở tôn trọng và bảo tồn không gian rừng cảnh quan tự nhiên và mật độ xây dựng thấp (dưới 20%). Các không gian phụ trợ khác (hành chính, dịch vụ phục vụ, kỹ thuật) được định hướng tổ chức xen kẽ phù hợp với mật độ xây dựng dưới 30% để bảo đảm cảnh quan “xanh” theo định hướng tổng thể của khu vực.

Ngoài ra, còn định hình tổ chức không gian đặc biệt như: rừng phong lan, rừng dây leo dựa trên hiện trạng rừng Bời Lời tự nhiên; không gian vui chơi giải trí; không gian thưởng ngoạn động- thực vật (sinh vật)…

Hệ thống địa đạo của Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời hiện nay đã bị sụp lún, gần xoá hết dấu vết.

Theo phương án 1, Khu vực I (khu vực di tích lịch sử) với diện tích 36,1 ha, sẽ bao gồm các hạng mục chức năng như: Khu vực lịch sử kháng chiến, các căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh, Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Phân Liên khu miền Đông, Huyện uỷ Trảng Bàng, Huyện uỷ Gò Dầu,  Ban Tình báo Miền, Công binh xưởng… khu vực hành chính, quảng trường tượng đài, nhà bảo vệ, bãi xe khách, bãi xe thổ mộ, chốt an ninh, nhà tiếp khách, nhà trưng bày triển lãm, nhà trưng bày tài nguyên động - thực vật.

Khu vực II (khu vực văn hoá lịch sử) có diện tích 20,7 ha, bao gồm các hạng mục chức năng sử dụng đất như: Khu vực văn hoá lịch sử - tái hiện các trận đánh lịch sử: Đồng Khởi - Tua Hai, trận càn Junction City, Tây Ninh trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Khu vực phụ trợ: Khu nhà nghỉ của khách, Khu xử lý nước.

Khu vực III (khu bảo tồn hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật) có diện tích 50,6 ha, gồm các hạng mục chức năng sử dụng đất như: khu rừng dây leo thời kháng chiến, khu rừng phong lan, Thảm thực vật tự nhiên (rừng tạp nguyên sinh hiện có, rừng chồi hiện trạng), khu quảng trường nhỏ dưới rừng cây, khu tượng đài.

Khu vực IV (khu vui chơi, giải trí thưởng ngoạn và phụ trợ) có diện tích 38,6 ha, gồm các hạng mục: khu khỉ leo cây, khu nuôi thú hoang dã, khu nuôi bướm và côn trùng, khu trung tâm tiếp nhận du lịch lịch sử- thăm lại chiến trường xưa, khu Câu lạc bộ kháng chiến, khu thưởng thức chim hót.

Phân kỳ đầu tư xây dựng chia làm 3 giai đoạn và các dự kiến sau: giai đoạn 1 (2018 - 2020): xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, san nền, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước và trồng rừng. Thực hiện kêu gọi đầu tư các dự án ngoài ngân sách để triển khai đồng bộ các phân khu quy hoạch (khu vực III, IV). Giai đoạn 2 (2021 - 2024): đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các khu vực di tích lịch sử kháng chiến và khu vực tái hiện các trận đánh lịch sử (khu vực I +II). Giai đoạn 3 (2025 - 2030): đầu tư các hạng mục còn lại (khu vực IV) để tạo sức hút và sự đa dạng về chức năng cho khu vực Bời Lời hoàn chỉnh dự án. Trong đó, nguồn vốn ngân sách dự kiến 22%, nguồn vốn huy động các thành phần kinh tế dự kiến 78%.

Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời giáp tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vị trí địa lý vô cùng lý tưởng để kết nối các Khu di tích Địa đạo Củ Chi, hồ Dầu Tiếng, núi Bà, Trung ương Cục miền Nam. Nếu được đầu tư đúng quy mô, trong tương lai không xa, Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” của sinh hoạt truyền thống cách mạng và điểm du lịch sinh thái lý tưởng.

ĐẠI DƯƠNG