Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dạy chéo môn, một thực trạng cần quan tâm

Cập nhật ngày: 26/11/2018 - 13:23

BTN - Hiện nay, ngoại trừ những trường đạt chuẩn quốc gia, các trường còn lại trên địa bàn tỉnh đều xảy ra hiện tượng thiếu thừa giả tạo giáo viên. Có nghĩa là nếu tính theo tỷ lệ giáo viên trên lớp thì bảo đảm, nhưng nếu tính về đầy đủ giáo viên của tất cả các bộ môn thì lại thiếu. Do đó, tạo ra một thực trạng tại các trường, nhất là cấp THCS, giáo viên phải dạy chéo môn, dạy không đúng chuyên môn được đào tạo. Vấn đề này đã diễn ra từ rất nhiều năm.

Nói về nguyên nhân của thực trạng này thì có nhiều. Trong đó, điều mà ai cũng thấy rõ là khâu đào tạo và tuyển dụng của chúng ta có vấn đề. Trong khi hầu hết các địa phương đều dư thừa giáo viên Ngữ văn và Toán, các môn khác như Giáo dục công dân (GDCD), Âm nhạc, Mỹ thuật thì lại thiếu khá trầm trọng. Do trước đây Trường Sư phạm tuyển sinh đào tạo các môn Văn, Toán, Lý, Hoá hầu như liên tục các khoá, trong khi một số môn khác tuyển rất ít, có năm hầu như vắng bóng.

Trong các trường THCS hiện nay chỉ có ba môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh là không thể dạy chéo, vì đây là các môn đặc thù. Nhưng giáo viên các môn này phải sang dạy Sử, Ðịa, GDCD, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ… là rất phổ biến. Nếu nhìn từ góc độ bộ môn thì giáo viên Toán sang dạy Lý, giáo viên Ngữ văn sang dạy Sử, Ðịa, Mỹ thuật là chuyện rất bình thường, vì ít nhiều nó có sự liên quan. Nhưng nếu nhìn từ góc độ chuyên môn thì lại rất không bình thường. Như chúng ta đã biết, sinh viên Trường Sư phạm thường chỉ được đào tạo một môn gọi là chuyên môn và ít khi đào tạo môn ghép.

Mà nếu cho đào tạo môn ghép đi nữa thì cũng ở tỷ lệ 70% và 30%. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp, mỗi giáo viên có chuyên ngành duy nhất chứ không phải giáo viên đa năng. Giáo viên bậc trung học khác với giáo viên bậc tiểu học ở chỗ đó. Và cũng vì điều này mà khi các trường phân công dạy chéo môn giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Giáo viên có tâm và có tinh thần trách nhiệm phải bỏ ra rất nhiều công sức nghiên cứu cái môn “chéo” ấy để bảo đảm cho tiết dạy tốt. Nhưng thực tế cho thấy tốt lắm thì cũng đạt 50% chất lượng tiết học, còn đa phần là dưới 50%.

Hầu hết các thầy cô không ai là hài lòng việc dạy chéo môn. Mà nghề sư phạm lại là nghề rất đặc thù. Ðể có một tiết học bảo đảm chất lượng đòi hỏi phải có nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất là người thầy phải giỏi chuyên môn và có phương pháp giảng dạy thích hợp. Nhưng nếu phân công dạy chéo môn tức là dạy bộ môn mà người dạy không được đào tạo, hoặc không được đào tạo bài bản, thì làm sao có thể gọi là giỏi từ kiến thức cho đến cả phương pháp. Bên cạnh đó còn là vấn đề tâm lý, hứng thú sư phạm. Một vấn đề hết sức quan trọng khác là việc học của trò. Nếu học trò học theo cái kiểu chéo này thì sẽ tạo ra không khí lớp học rất nhàm chán. Thiệt thòi lớn nhất vẫn là học sinh.

Trước đây, có nhiều quan điểm phân biệt môn học chính với môn học phụ. Nhưng hiện nay, quan điểm này đã không còn được chấp nhận. Các môn học đều có tầm quan trọng như nhau. Mỗi môn là một bộ môn khoa học khác nhau, giúp học sinh hình thành kiến thức khoa học, kỹ năng và có thái độ khác nhau trong cuộc sống. Quan niệm “môn chính, môn phụ” hết sức sai lầm. Cái sai lầm này sẽ dẫn đến các thế hệ học trò phát triển không toàn diện và kéo theo nhiều hệ quả sai lệch.

Nói tóm lại, vấn đề thiếu thừa giáo viên, vấn đề dạy chéo môn cần phải được xem lại một cách nghiêm túc. Phải có một chiến lược lâu dài từ khâu đào tạo đến khâu tuyển dụng thì mới khắc phục được tình trạng như hiện nay. Trong những năm trở lại đây, giáo dục được quan tâm đầu tư khá nhiều. Ðó là những chuyển biến tích cực. Nhưng thực tế nó chưa đạt tới mức hoàn thiện, còn rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm hơn. Khắc phục được vấn đề dạy chéo môn sẽ tạo ra động lực tích cực nhiều hơn cho cả người dạy lẫn người học.

Hoài Chi