BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy mạnh công tác phòng - chống dịch tả heo châu Phi 

Cập nhật ngày: 26/06/2019 - 07:19

BTN - Các đội thanh tra liên ngành tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo tại các địa bàn trong tỉnh; tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, lối mở khu vực biên giới nhằm siết chặt công tác vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào tỉnh…

Xe vận chuyển heo được kiểm tra, kiểm dịch và phun thuốc sát trùng trước khi vào tỉnh tại chốt kiểm dịch cầu Tàu (xã Bến Củi).

Hiện nay, dịch tả heo châu Phi đã có 60/63 tỉnh, thành phố công bố phát hiện dịch, trong đó có các tỉnh, thành giáp ranh Tây Ninh như Bình Dương, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Long An. Phía nước bạn Campuchia cũng đã xảy ra dịch nên nguy cơ xâm nhiễm vào tỉnh ta là rất lớn. Công tác kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm từ heo đang được các ngành chức năng tập trung siết chặt không để dịch lây lan vào địa bàn tỉnh.

Siết chặt công tác vận chuyển heo từ nơi khác vào tỉnh 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngay từ khi dịch tả heo châu Phi vừa được phát hiện và công bố tại nước ta, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo, kịp thời triển khai các công tác phòng - chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã thành lập 8 chốt kiểm dịch động vật tạm thời và 6 đội kiểm tra liên ngành lưu động nhằm tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt việc vận chuyển động vật xuất, nhập tỉnh. Nhờ sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị mà đến nay, Tây Ninh là một trong ba tỉnh còn lại của cả nước chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi. 

Công tác quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ đang được các lực lượng liên ngành tăng cường thực hiện. Các chốt kiểm tra liên ngành gồm lực lượng Thú y, Quản lý thị trường và Cảnh sát giao thông tổ chức túc trực 24/24 giờ. 

Tại điểm chốt cầu Tàu (ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu), ông Bùi Hữu Chẩn, cán bộ Thú y cho biết, mỗi ngày chốt có khoảng 2 đến 3 xe chở heo đi qua, mỗi xe chở trung bình từ 40 - 80 con. Mỗi xe khi qua chốt phải trải qua 3 bước kiểm tra, gồm: kiểm tra giấy tờ, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đang vận chuyển; kiểm tra lâm sàng hiện trạng gia súc đang vận chuyển; cuối cùng là phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ xe chở heo.

Còn tại điểm chốt cầu K33 (ấp B2, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu), lực lượng chức năng cho biết, từ lúc triển khai lập chốt kiểm dịch vào tháng 3.2019 đến nay, chốt đã phát hiện và lập biên bản 2 trường hợp vận chuyển heo từ Bình Định và Đồng Nai vào Tây Ninh với khoảng 400 con heo thịt.

Nguyên nhân là người vận chuyển heo trốn tránh việc kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật và vận chuyển bằng phương tiện không bảo đảm vệ sinh thú y. Chốt đã chuyển giao cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dương Minh Châu tham mưu UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 7 triệu đồng, đồng thời trả số heo trên về nơi xuất phát. 

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dương Minh Châu, qua công tác kiểm tra, giám sát, đội thanh tra liên ngành đã phát hiện và lập biên bản 1 trường hợp vận chuyển 20 con heo (trong đó có 6 con chết) về giết mổ tại nhà. Trạm đã tham mưu UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính người vi phạm 17 triệu đồng, tiêu huỷ 6 con heo chết, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả  cho thấy âm tính với bệnh tả heo châu Phi.

Còn tại huyện Trảng Bàng, qua công tác tuần tra, kiểm soát, Đội Thanh tra liên ngành, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phát hiện 3 trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm trái quy định. Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện 1 trường hợp bò bị bơm nước trước khi giết mổ. Đội Thanh tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm và tham mưu UBND huyện ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 17,5 triệu đồng.

Trường hợp thứ hai là vụ vận chuyển 900 con gà từ huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) về Trảng Bàng nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đội đã tham mưu UBND huyện ra quyết định xử phạt 5,5 triệu đồng. Trường hợp thứ ba là vụ vận chuyển 29 con heo từ Bình Dương về Trảng Bàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đội đã tham mưu UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5,5 triệu đồng, đồng thời trả số heo này về nơi xuất phát.

Cùng trong thời gian triển khai phòng - chống dịch, tại huyện Tân Biên, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phát hiện và lập biên bản 1 trường hợp vận chuyển 95 con heo từ xã Tân Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương về xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Do chủ số heo trên tự ý bỏ niêm phong, nên Trạm tham mưu UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3,5 triệu đồng và trả số heo trên về tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh việc siết chặt công tác vận chuyển, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành và các địa phương tổ chức tập huấn, triển khai các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng - chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn; hoàn thành công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2019 và tổ chức 2 đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng xử lý ổ dịch phát sinh tại các xã, phường, thị trấn.

Đẩy mạnh bảo vệ ngành chăn nuôi heo.

Ông Nguyễn Thành Thúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, dự báo trong thời gian tới, tình hình chăn nuôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, ngành Chăn nuôi và Thú y sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo đã ban hành của Trung ương và của lãnh đạo tỉnh về công tác phòng - chống dịch tả heo châu Phi.

Trong đó, coi nhiệm vụ phòng - chống, khống chế dịch tả heo châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”. Trong đó, sắp tới Chi cục sẽ phối hợp với các huyện và TP. Tây Ninh tổ chức 9 lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi cho chính quyền các địa phương, cán bộ thú y cơ sở, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các cơ sở giết mổ.

Các đội thanh tra liên ngành tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo tại các địa bàn trong tỉnh; tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, lối mở khu vực biên giới nhằm siết chặt công tác vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người chăn nuôi, người tham gia buôn bán, vận chuyển và giết mổ hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi đối với ngành chăn nuôi.

Trước sự nỗ lực của toàn tỉnh và ngành chăn nuôi trong việc ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các điểm giết mổ và thương lái mua bán heo trong tỉnh cũng cần có ý thức thực hiện nghiêm các hướng dẫn, quy định về phòng - chống dịch tả châu Phi, nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi heo cũng như thị trường tiêu thụ thịt heo trong tỉnh.

Minh Dương - Thiên Tâm