BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy mạnh việc huy động nguồn vốn phát triển nông nghiệp 

Cập nhật ngày: 24/03/2019 - 23:03

BTN - Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Hiện nay, vốn đầu tư của các hộ nông dân được tập trung vào mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá theo mô hình trang trại. Tiềm năng của nguồn vốn này là rất lớn.

Nông dân tưới dứa bằng công nghệ hiện đại.

Hiện nay, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản nói chung giảm về tỷ trọng trong cơ cấu vốn đầu tư của tỉnh. Hằng năm, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp từ 25% - 30% GDP cho toàn tỉnh nhưng chỉ nhận được từ 6,3% - 13,15% tổng vốn đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tổng vốn đầu tư thấp, mức độ đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp tăng không nhanh là những thách thức không nhỏ cho nông nghiệp Tây Ninh. Tuy nhiên, đến nay, cơ cấu nguồn vốn đang có sự thay đổi khá rõ nét theo hướng tăng nhanh nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước- đặc biệt là các doanh nghiệp, vốn tự có của dân và nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh có 18 chi nhánh ngân hàng thương mại và 20 quỹ tín dụng nhân dân, phân bổ đều trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng thương mại và các quỹ tín dụng nhân dân mặc dù có tính ổn định nhưng tỷ lệ vốn huy động trung dài hạn chỉ chiếm chưa tới 30%, lại chưa bảo đảm nguồn cung ứng cho các dự án vay vốn nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Trong những năm qua, tính tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng nhưng so với nhu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân vẫn còn hạn chế, đặc biệt là hạn mức cho vay, thời gian vay, thủ tục và lãi suất ưu đãi. Kết quả khảo sát từ các nhóm nông dân cho thấy, tín dụng được cung cấp qua hệ thống ngân hàng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sản xuất, nhưng nguồn vốn cho vay này không ưu đãi về lãi suất. Các doanh nghiệp cũng chưa có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng Nhà nước về khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung sẽ chịu rủi ro hơn so với các ngành kinh tế khác, còn đầu tư trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì có thể ít rủi ro hơn nhưng lại đòi hỏi chi phí đầu tư cao và lâu dài. Do vậy, nếu tỉnh phối hợp với các ngân hàng thương mại kết nối được các nguồn vốn lãi suất thấp sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.    

Cũng theo Sở NN&PTNT, tỉnh đã có kế hoạch tăng vốn đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp gấp 2,5 - 3 lần so với trước. Trong đó, nguồn vốn tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng, dịch vụ xã hội, các công trình thuỷ lợi đầu mối và các dịch vụ công cần sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước như giám sát và kiểm soát dịch bệnh, quản lý rủi ro thiên tai, nghiên cứu khoa học, xây dựng trình diễn và chuyển giao các mô hình mới, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...

Đồng thời, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Hiện nay, vốn đầu tư của các hộ nông dân được tập trung vào mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá theo mô hình trang trại. Tiềm năng của nguồn vốn này là rất lớn.  

Để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sắp tới, tỉnh sẽ có quỹ đất sạch phù hợp từ việc chuyển đổi một phần quỹ đất của các nông, lâm trường do các công ty Nhà nước quản lý để hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh cũng sẽ tận dụng mọi cơ hội để thu hút các nguồn vốn khác phục vụ phát triển nông nghiệp như nguồn vốn liên doanh liên kết; vốn lồng ghép các chương trình dự án; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; các nguồn vốn vay, viện trợ, hợp tác khoa học kỹ thuật của các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế như UNDP, PAM, FAO, ADB, WB, IMF, UNICEF, OECF...

NHI TRẦN