Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Huyện Dương Minh Châu và Châu Thành:

Đề cao vai trò, trách nhiệm của ban giám hiệu sau sáp nhập 

Cập nhật ngày: 20/09/2019 - 08:45

BTN - Tiếp tục đợt khảo sát về công tác sắp xếp hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn huyện, ngày 18 và 19.9, đoàn công tác của HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Dương Minh Châu và huyện Châu Thành về vấn đề nêu trên.

Giờ tập viết của học sinh lớp 1 ở xã Thành Long, huyện Châu Thành.

Huyện Dương Minh Châu: Sáp nhập Trường Tiểu học và Trường Trung học Cơ sở

Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Dương Minh Châu cho biết, sau khi rà soát, địa phương này giảm 3 trường tiểu học trong giai đoạn 2018-2021 và giảm 5 trường giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, năm học 2018-2019, sáp nhập Trường tiểu học Thuận Tân và Trường tiểu học Thuận An; năm học 2019-2020 sáp nhập Trường tiểu học Bến Củi và Trường trung học cơ sở Bến Củi; năm học 2020-2021, sáp nhập Trường tiểu học Xã Phan và Trường trung học cơ sở Xã Phan.

 Đánh giá hiệu quả sau khi sáp nhập, lãnh đạo Phòng GD-ĐT thông tin, về bộ máy tổ chức, quản lý, bảo đảm đủ vị trí việc làm và số lượng người làm việc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó giảm được 2 cán bộ quản lý, 1 giáo viên tổng phụ trách Đội, 1 nhân viên kế toán, 1 nhân viên thư viện, các chức danh tổ trưởng, tổ phó và các chức danh kiêm nhiệm công tác công đoàn.

Việc phân công nhiệm vụ từ cán bộ quản lý, hành chính phục vụ và giáo viên dạy lớp bảo đảm đủ về số lượng và đúng theo nghiệp vụ chuyên môn được đào tạo. Chủ trương sáp nhập trường đã được tuyên truyền rộng rãi và nhận được sự đồng tình trong phụ huynh và học sinh. Sau khi sáp nhập, số lượng giáo viên trong mỗi tổ chuyên môn đông hơn, tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt chuyên môn và chia sẻ những kinh nghiệm, những giải pháp hay để áp dụng vào quá trình dạy học.

 Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn, lãnh đạo Phòng GD-ĐT nhìn nhận, đa số trường học được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh, môi trường học tập thân thiện tạo được niềm tin trong phụ huynh học sinh. Việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh được các trường thực hiện một cách thường xuyên và nề nếp. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục học sinh ngày càng chặt chẽ.

 Ngoài những thuận lợi, việc sáp nhập trường lớp cũng còn khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp viên chức quản lý dôi dư sau sáp nhập do không còn vị trí để bố trí tiếp tục làm công tác quản lý.

Sau báo cáo của UBND huyện, thành viên đoàn khảo sát nêu một số ý kiến, trong đó cân nhắc kỹ việc sáp nhập trường tiểu học vào trường trung học cơ sở, vì thời lượng tiết học của hai cấp học này khác nhau. Ý kiến khác đề nghị UBND huyện cho biết, việc sắp xếp, sáp nhập liệu có hoàn thành đúng kế hoạch hay không. Thành viên đoàn khảo sát cũng đề nghị UBND huyện thông tin về việc sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất trường lớp sau sáp nhập.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Dương Minh Châu cho biết, việc sáp nhập, sắp xếp lại trường lớp trên địa bàn huyện này đúng kế hoạch, hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Sau khi sáp nhập, học sinh vẫn học tại chỗ, tức cơ sở vật chất vẫn được sử dụng bình thường. Về tinh giản biên chế, lãnh đạo Phòng GD-ĐT cho biết, nếu giảm theo đúng lộ trình, sau năm 2021, khi chương trình, sách giáo khoa mới triển khai đại trà có thể một số cấp, bậc học sẽ thiếu giáo viên. Việc tuyển bổ sung giáo viên mầm non, dự báo địa phương này sẽ không có hoặc có nhưng rất ít nguồn tuyển, vì cả Trường CĐSP Tây Ninh và Trường trung cấp Tân Bách Khoa chỉ có 150 sinh  viên mầm non ra trường, trong khi năm nay cả tỉnh tuyển đến 383 chỉ tiêu.

Một vấn đề đặt ra khi sáp nhập giữa trường tiểu học với trường trung học cơ sở là hai cấp học này khác nhau, nhất là về chuyên môn. Sau khi sáp nhập, nhà trường vẫn chỉ là trường hạng 2, tức chỉ được bố trí một hiệu phó, một hiệu trưởng. Điều này bất cập ở chỗ, một hiệu phó không thể am hiểu chuyên môn của cả hai cấp học.

Kết thúc buổi làm việc ở huyện Dương Minh Châu, bà Kim Thị Hạnh, trưởng đoàn khảo sát lưu ý, sau sáp nhập trường, xuất hiện tâm lý không an tâm về công tác cán bộ quản lý, những người không còn chức vụ cũng “tâm tư”. Bà Hạnh đề nghị UBND huyện, lãnh đạo Phòng GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất xem có nên tiếp tục giảm biên chế ở cấp tiểu học hay không.

Huyện Châu Thành: giảm 8 trường Tiểu học

Năm học 2018-2019, triển khai nghị quyết, quyết định của các cấp, năm học 2018-2019, ngành chức năng huyện Châu Thành giải thể điểm lẻ nằm trên địa bàn ấp Thành Tân thuộc Trường tiểu học Thành Bắc. Lý do, năm học 2017-2018 điểm trường ấp Thành Tân có 3 lớp/23 học sinh. Điểm trường Thành Tân cách điểm trường Thành Bắc 2km nên năm học 2018-2019 học sinh ở điểm trường Thành Tân được chuyển đến học tại điểm chính của Trường tiểu học Thành Bắc- nằm trên địa bàn ấp Thành Bắc, xã Thành Long.

Ngành chức năng huyện Châu Thành cũng giải thể điểm lẻ nằm trên địa bàn ấp Xóm Trường thuộc Trường tiểu học Hảo Đước A, do năm học 2017-2018 điểm trường này chỉ có 3 lớp/22 học sinh và điểm trường ấp Xóm Trường cách điểm trường ấp Bến Trường chỉ 1,5km.

 Năm học 2019-2020, huyện Châu Thành tiếp tục giải thể điểm lẻ nằm trên địa bàn ấp Phước Trung thuộc Trường tiểu học Phước Vinh A (90 học sinh), điểm trường này cách điểm trường thuộc ấp Phước Hoà 2km. Các học sinh ở điểm trường Phước Trung được chuyển đến học tại điểm trường thuộc ấp Phước Hoà của Trường tiểu học Phước Vinh A và điểm trường ấp Phước Lộc của Trường tiểu học Phước Vinh B…

Kết quả việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn huyện Châu Thành cho thấy, trước khi có đề án quy hoạch sắp xếp, tổng số trường tiểu học trên địa bàn là 42 trường. Sau khi có đề án quy hoạch sắp xếp (tính đến thời điểm 31.7.2019), tổng số trường tiểu học trên địa bàn huyện còn 34 trường, giảm 8 trường.

Về cơ sở vật chất của các trường, năm học 2017-2018, căn cứ vào nhu cầu thực tế các danh mục cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường, UBND huyện đã phân bổ kinh phí kịp thời cho các trường. Năm học 2018-2019, các trường thực hiện cơ chế tự chủ, luôn chủ động trong việc mua sắm các trang thiết bị cần thiết phục vụ dạy học, phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng ưu tiên cho từng lớp học, cấp học. So với năm học 2017-2018, số lượng thiết bị phục vụ năm học 2018-2019 được trang bị cơ bản đầy đủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau báo cáo, thành viên đoàn khảo sát nêu một số vấn đề liên quan đến việc quản lý dạy và học sau sáp nhập. Trong đó có một vấn đề quan trọng, đó là hiệu trưởng, hiệu phó quản lý như thế nào để bảo đảm chất lượng dạy và học tại những điểm lẻ, vì sau sáp nhập, cơ bản học sinh vẫn học tại chỗ. Thành viên đoàn khảo sát đề nghị lãnh đạo Phòng GD-ĐT chỉ đạo ban giám hiệu tăng cường công tác quản lý để việc dạy và học tại các điểm trường nghiêm túc, không phân biệt giữa các điểm trường.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong một lần nữa khẳng định, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đối với giáo dục, tại huyện Châu Thành, ông Nguyễn Thanh Phong gợi ý, lãnh đạo huyện, Phòng GD-ĐT xem xét những trường ở khu vực thị trấn có thể chuyển thành xã hội hoá, ví dụ Trường mầm non Trưng Vương, để giảm nguồn chi ngân sách.

Một ý kiến khác đề nghị lãnh đạo huyện rà soát xem sau sáp nhập có điểm trường nào bỏ hoang hay không. Ông Lê Quang Tuấn, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh nêu, so với các địa phương khác, việc sáp nhập trường ở Châu Thành diễn ra nhanh hơn, đạt tỷ lệ cao. Liên quan chuyện tinh giản biên chế, ông Lê Quang Tuấn lưu ý, cần thận trọng nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên các cấp, bậc học trong tương lai, giống như bậc học mầm non hiện nay.

Trao đổi một số vấn đề, ông Phan Văn Minh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành cho biết, việc sáp nhập các điểm trường còn lại sẽ được thực hiện trong mùa hè của năm học 2019-2020. Về chuyện bố trí học sinh, sau sáp nhập, Châu Thành cho dồn học sinh ở điểm phụ về học tại điểm chính, trừ một trường tiểu học khoảng cách giữa điểm chính và điểm phụ gần 7 cây số nên học sinh tiếp tục học tại chỗ.

Các điểm trường, sau khi không còn học sinh được giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng. Chuyện quản lý của ban giám hiệu sau khi sáp nhập, ông Phan Văn Minh cho biết, hiệu trưởng, hiệu phó thay nhau, luân phiên quản lý các điểm trường. Việc sáp nhập trường tiểu học với trung học cơ sở, Châu Thành chưa thực hiện. Theo ông Phan Văn Minh, sau sáp nhập, các trường học có tính chất tập trung hơn, trường bề thế hơn, phụ huynh cũng an tâm.

Ông Nguyễn Trí Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, trước khi sáp nhập, cán bộ, giáo viên có biểu hiện lo lắng, không yên tâm nhưng vì chủ trương lớn của Đảng nên phải quyết tâm thực hiện. Ông Nguyễn Trí Cường cũng lưu ý là phải chú trọng đúng mức công tác quản lý sau sáp nhập, nhất là những trường học sinh vẫn học tại chỗ.

VIỆT ĐÔNG