BAOTAYNINH.VN trên Google News

Để không còn “giải cứu” nông sản 

Cập nhật ngày: 16/08/2017 - 06:05

BTN - Từ đầu năm đến nay, Tây Ninh đã 2 lần phải “giải cứu” nông sản cho nông dân (chuối và thịt heo). Làm thế nào để không còn tình trạng nông sản được mùa mất giá, “giải cứu” nông sản?

Vườn thanh long ở Bàu Đồn, Gò Dầu (ảnh minh hoạ).

Vào khoảng tháng 2.2017, trên 8.000 tấn chuối Nam Mỹ của nông dân Tân Biên, Tân Châu không bán được, hoặc bán với giá “rẻ như cho”. Một số hộ dân đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng bị các doanh nghiệp “bỏ rơi”. Nhiều nông dân đành phải để chuối chín đầy vườn, hoặc dùng chuối làm thức ăn cho gia súc.

Sau chuối, giá thịt heo hơi ở Tây Ninh cũng tăng giảm thất thường. Đỉnh điểm là gần đây, giá thịt heo hơi đã giảm mạnh còn hơn 20 ngàn đồng/kg, khiến người chăn nuôi lao đao. Nhiều nơi, do giá heo hơi quá rẻ, người dân đành tự mổ heo bán để “gỡ vốn”.

Một số mặt hàng nông sản khác cũng “rớt giá” hoặc gặp khó khăn về đầu ra như măng tươi, ớt, rau củ và mới đây là nhãn. Giá măng tươi những năm trước dao động từ giá 15.000 - 35.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg. Ớt có thời điểm được mua tại ruộng với giá 120 ngàn đồng/kg nhưng ngay sau đó không lâu chỉ còn chưa đến 5.000 đồng/kg.

Có thể nói, phần lớn nông dân đang sản xuất theo quy trình ngược. Thay vì tìm đầu ra của sản phẩm rồi mới đầu tư sản xuất, nông dân lại nuôi, trồng theo kiểu “nghe nói đang có giá” rồi chờ thương lái đến thu mua. Ông Lưu Văn Nực- chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất lúa giống tại xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) cho biết: “Chúng tôi sản xuất lúa giống nhưng chưa nhận được hỗ trợ bao tiêu đầu ra mà phụ thuộc vào thương lái. Chúng tôi cũng hoàn toàn không biết thông tin thị trường hay giá cả. Chỉ đến khi thu hoạch, thương lái báo giá, chúng tôi mới hay”.

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: “Quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp sẽ bắt đầu từ thị trường, thị trường cần gì chúng ta sẽ trồng thứ đó. Hiện nay có một số cây trồng mới phù hợp với tỉnh nhà và đáp ứng được yêu cầu của thị trường như thơm, điều… Đối với một số cây trồng truyền thống cũng phải nâng cao giá trị gia tăng bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết với các doanh nghiệp để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường”.

Việc tiêu thụ nông sản không thể dựa mãi vào sự may rủi của thị trường và sự “giải cứu” của người tiêu dùng trong nước, biện pháp vừa qua chỉ là tạm thời.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nông dân, Sở NN&PTNT đã triển khai kế hoạch chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để tăng chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng nông sản truyền thống theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Đồng thời, từng bước chuyển đổi, thu hẹp quy mô một số nông sản có khả năng cạnh tranh, doanh thu, hiệu quả thấp sang phát triển các nông sản tiềm năng có giá trị kinh tế cao hướng đến xuất khẩu; hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP, Organic nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng thị trường; cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tập trung, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là môi trường.

Sở NN&PTNT cũng cho biết thêm, hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đang rà soát quy hoạch một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các tiêu chí mời gọi đầu tư vào vùng sản xuất đó, nhằm tận dụng nguồn vốn đầu tư, tiếp cận với các nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Để liên kết 4 nhà bền vững, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên, các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung các quy định thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng và Chỉ thị 25/2008/CT-TTg ngày 25.8.2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, nhất là các quy định về đất đai, hỗ trợ đầu tư, chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại; cần quy định rõ ràng cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hợp đồng một cách hài hoà bên cạnh các quy định xử lý vi phạm. Có như vậy, nông dân và doanh nghiệp mới mạnh dạn tham gia vào các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Vũ Nguyệt

Tiêu chuẩn xuất khẩu của chuối già Nam Mỹ rất cao. Nếu nông dân chăm bón không đúng kỹ thuật sẽ cho trái không đạt tiêu chuẩn, bở, không bảo đảm độ ngọt. Thời gian qua, nông dân trồng chuối “kêu ca” là doanh nghiệp chỉ chọn mua một số nải trong buồng là vì lý do đó. Thực tế, nếu nông dân tuân thủ đúng quy trình - kỹ thuật sản xuất, không tự phát sản xuất theo số đông, có lẽ đã không xảy ra tình trạng “khủng hoảng chuối”.

Tại cuộc họp mặt các HTX trong tỉnh vừa qua, lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, để người nông dân có thể chủ động đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, ngoài sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ngành chức năng, các HTX nông nghiệp và người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất. Trong đó, cần quan tâm đến thị trường, áp dụng đúng kỹ thuật để đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng.
                                                                                                                                                                                         THẾ NHÂN