BAOTAYNINH.VN trên Google News

Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui 

Cập nhật ngày: 06/03/2019 - 13:16

BTN - Lâu nay, văn hoá ứng xử luôn được ngành Giáo dục & Đào tạo chú trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp của việc dạy “chữ” và “người”, môi trường giáo dục vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc đáng buồn, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của ngành.

Học sinh (Trường THPT Dương Minh Châu) thực hành trồng cây theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Văn hoá học đường suy giảm

Theo lãnh đạo một số trường học, phần lớn học sinh có lối sống văn hoá, đời sống tinh thần lành mạnh, biết “tôn sư trọng đạo”, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề đáng lo ngại, văn hoá ứng xử của một bộ phận học sinh xuống cấp, biểu hiện qua việc: cư xử thiếu văn hoá, sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trung thực, trách nhiệm. Một số học sinh còn nghiện game online, sa đà vào mạng xã hội hay có lối sống buông thả, thực dụng. Và đặc biệt, tình trạng bạo lực học đường hiện đang là mối lo ngại của học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Thầy Trầm Quốc Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Hoà Thành) cho biết, nhìn chung những năm qua, học sinh của trường luôn thực hiện tốt các quy định trong ứng xử với bạn bè, thầy cô giáo, người lớn tuổi. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp học sinh cá biệt, văn hoá ứng xử còn chưa tốt.

“Có em do ba mẹ ly thân, phải sống với họ hàng, nên việc giáo dục từ phía gia đình chưa đầy đủ, dẫn đến các em chưa chuẩn mực trong ứng xử với mọi người xung quanh.

Cô Trần Thị Kim Sen- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Ðôn (TP. Tây Ninh) cho rằng, ở lứa tuổi học sinh, tâm sinh lý các em đang trong giai đoạn phát triển, tính tình thường bốc đồng dễ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột, nhất là trong chuyện tình cảm. Bên cạnh đó, các em cũng bị ảnh hưởng nhiều từ những thông tin trên internet, phim ảnh- nhất là những video hài hước nhưng lại tục tĩu, không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Việc tiếp nhận thông tin không chọn lọc, các thông tin xấu, ảnh hưởng đến tính cách khiến các em dễ bốc đồng và bộc lộ cảm xúc thái quá.

Cô Sen nói: “Học sinh ngày nay được tự do phát triển toàn diện về mặt thể chất lẫn tinh thần, các em rất năng động và tự tin chứ không còn rụt rè như thế hệ trước. Ðiều này khiến cho mối quan hệ giữa thầy trò cởi mở, gần gũi và thoải mái hơn. Tuy nhiên, đôi khi cởi mở trong ứng xử giữa thầy trò cũng vô tình khiến nhiều em học sinh không còn tôn trọng giáo viên, nhầm lẫn giữa mối quan hệ thầy trò với bạn bè, không còn lễ phép với giáo viên”.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng văn hoá ứng xử học đường suy giảm, còn xuất phát từ phía phụ huynh khi phó mặc việc dạy dỗ con em mình cho nhà trường. Một bộ phận giáo viên chỉ chú trọng đến truyền đạt kiến thức cho các em ở trên lớp mà quên đi giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống, chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của nghề giáo. Ðặc biệt, vẫn còn tình trạng giáo viên sử dụng quyền lực dạy học để dạy thêm, đối xử không công bằng với học sinh, cho điểm thiếu trung thực hay thiếu kiềm chế cảm xúc cá nhân, dẫn đến hành vi xúc phạm tinh thần, xâm phạm thân thể học sinh.

Theo cô Lê Nguyễn Thái Vân- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Tây Ninh), sai lầm của các giáo viên hiện nay chính là việc vẫn dùng cách giáo dục của thế hệ cũ - “thương cho roi cho vọt”, để uốn nắn các em học sinh. Ðể ứng xử với thế hệ trẻ ngày nay, giáo viên cần mềm mỏng giải thích, nhắc nhở các em về các hành vi tiêu cực, lối ứng xử thiếu văn minh. Giáo viên không nên xung đột gay gắt với các em để tránh các trường hợp không hay xảy ra.

Thầy cô phải làm gương

Theo cô Lê Nguyễn Thái Vân- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Tây Ninh), việc xây dựng và áp dụng bộ quy tắc ứng xử trong trường học là điều rất thiết thực, tạo điều kiện để các trường có một chế tài, quy định rõ ràng trong việc xử lý các tình huống ứng xử kém văn minh giữa học sinh - học sinh, giáo viên - học sinh, giáo viên - phụ huynh. Ðề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học” giai đoạn 2018-2025 góp phần xây dựng mối quan hệ thầy trò, bạn bè trong sáng, lành mạnh cao đẹp và công bằng.

Ðồng quan điểm về sự cần thiết trong xây dựng quy tắc ứng xử học đường, thầy Dương Minh Hiển Tố- Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (TP. Tây Ninh) cho biết, việc xây dựng và phát triển đề án là hết sức cần thiết. Thông qua việc phát triển đề án, phẩm chất đạo đức và nề nếp tác phong của học sinh, giáo viên sẽ được cải thiện theo hướng văn minh, tốt đẹp hơn.

Ðể phát triển đề án, việc đổi mới các phương pháp giảng dạy các môn về xã hội, dạy làm người như: Ngữ văn, Giáo dục công dân, Lịch sử… cũng được chú trọng. Theo đó, việc giảng dạy tập trung phát huy phẩm chất, năng lực của các em. Ðặc biệt coi trọng phương pháp trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên tạo điều kiện để học sinh đánh giá các vấn đề trong xã hội, xử lý các tình huống pháp luật, để từ đó có thể uốn nắn, hướng các em có những suy nghĩ đúng đắn hơn.

Thầy Trầm Quốc Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Hoà Thành) cho rằng, trong việc giáo dục văn hoá ứng xử của học sinh, thầy cô giáo cũng cần là người làm gương, hình tượng thầy cô giáo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của học sinh mà họ giảng dạy. Tuy nhiên, cũng theo thầy Dũng, việc giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh quan trọng nhất vẫn là từ phía gia đình. Nhiều gia đình vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc sinh hoạt của con em, nhất là để các em sử dụng mạng xã hội, internet một cách tuỳ tiện, không có sự kiểm soát. Chính các trang mạng với nội dung không lành mạnh tác động rất lớn đến tư duy của các em, làm ảnh hưởng đến nhận thức, tư tưởng, lối sống.

Việc xây dựng văn hoá ứng xử trong học đường cần thực hiện đồng bộ, thống nhất và có sự phối hợp, chung tay giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Ðặc biệt, các em rất cần sự dạy dỗ, quản lý, định hướng từ các bậc cha mẹ.

Thầy Trầm Quốc Dũng chia sẻ: “Văn hoá ứng xử không chỉ nên tập trung vào môi trường học đường mà cần mở rộng ra hơn nữa, cả cộng đồng cũng nên bắt tay vào làm công tác này. Nếu gia đình không thực sự quan tâm, môi trường ngoài xã hội nơi các em sinh hoạt không thực sự lành mạnh thì ở trường học thầy cô có giáo dục, uốn nắn thế nào các em cũng không thể tốt hơn được”.

Theo cô Trần Thị Kim Sen- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Ðôn (TP. Tây Ninh), để bộ quy tắc ứng xử được thực hiện nghiêm túc, cần có sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó giáo dục là trọng tâm. Gia đình và nhà trường phải có sự thống nhất với nhau trong việc giáo dục các em, có như vậy mới có thể giúp các em thực hiện tốt văn hoá ứng xử trong trường học lẫn trong cuộc sống bên ngoài nhà trường. Lâu nay, chúng ta thường quá chú trọng đến kiến thức mà coi nhẹ dạy đạo đức cho học sinh. Trong khi đó, chương trình dạy đạo đức lại chú trọng nhiều đến lý thuyết không gắn với thực tế, thực tiễn cuộc sống. Trong nhà trường, cần cân đối việc dạy làm người và dạy kiến thức.

Học sinh (Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hoà Thành) đọc sách tại thư viện.

Cô Trần Thị Kim Sen cũng nhận định, để triển khai đề án thành công, vai trò của người thầy là rất quan trọng. Tác phong của thầy giáo sẽ ảnh hưởng đến tác phong của học sinh. Vì vậy, giáo viên phải là có đủ phẩm chất, năng lực, nhân cách của nhà giáo, để làm tấm gương dẫn dắt học trò. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, việc xây dựng văn hoá học đường cần được xem là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, chấm dứt và hướng tới xoá bỏ bạo lực học đường. Mỗi trường học cần có kế hoạch triển khai, cách thức xây dựng văn hoá học đường ở trường mình cho phù hợp theo đặc điểm của trường và tính chất của văn hoá trường học.

Còn theo thầy Trần Ðình Chiến- Bí thư Ðoàn Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, quy tắc ứng xử trong nhà trường cần đề cao giá trị tôn trọng. Giáo viên tôn trọng học sinh, cho học sinh quyền được lên tiếng, bày tỏ suy nghĩ của mình. Ngược lại, học trò cũng phải tôn trọng, lễ phép với giáo viên, tạo điều kiện để người thầy phát huy năng lực sư phạm của mình. Chỉ khi nhà trường thực sự dân chủ, ứng xử trên nguyên tắc biết lắng nghe nhau, tôn trọng nhau thì mới có thể ngăn chặn được vấn nạn bạo lực học đường. 

Hoà Khang - Ngọc Bích