BAOTAYNINH.VN trên Google News

Để “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” không cô đơn... 

Cập nhật ngày: 18/07/2017 - 15:22

Dũng Phan - tác giả cuốn sách Sử Việt - 12 khúc tráng ca cho rằng, vấn đề của việc học sử là câu chuyện về các bậc tiền nhân, chứ không phải học thuộc lòng.

Lịch sử bị ...“từ chối”

Trước khi chắp bút cho cuốn sách, tác giả là người đồng sáng lập trang fanpage dành cho cộng đồng người yêu sử trên mạng xã hội: “The X File Of History” với hơn 120.000 lượt theo dõi.

Trên fanpage, nhiều bài viết chia sẻ góc nhìn mới về lịch sử của Dũng Phan, tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi. Chính Dũng Phan cũng khẳng định, tình yêu lịch sử của các thành viên cộng đồng “The X File Of History” là động lực lớn nhất, khiến anh hoàn thành cuốn sách đầu tay này.

Chia sẻ về thực trạng học môn Lịch sử trong những năm gần đây, Dũng Phan không muốn phủ nhận tất cả. Anh dẫn chứng diễn đàn “The X File Of History” có nhiều bạn trẻ yêu sử, tìm tòi những cuốn sách kể chuyện lịch sử. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh không thích môn này chiếm phần đông trong nhà trường là có thật.

“Hẳn mọi người không quên kỳ thi THPT năm 2015, ở cụm thi Bạc Liêu, cả hội đồng thi chỉ phục vụ cho một thí sinh thi Sử. Dưới góc nhìn một người trẻ, tôi gọi đó là thực trạng đáng buồn nhưng không phải là không có tia sáng”, Dũng Phan chia sẻ.

Nói về nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ thờ ơ, hời hợt, thậm chí “từ chối” môn Lịch sử, theo tác giả có hai lý do chính. Thứ nhất, chúng ta không trả lịch sử về đúng vai trò của nó trong một quốc gia.

“Lịch sử là bài học của tiền nhân, là sứ giả của quá khứ, đến hiện tại và dặn dò tương lai. Thế hệ trẻ, với vai trò là người xây nước nhà sau này, càng phải biết về lịch sử nhiều hơn. Nhưng chúng ta lại không coi trọng môn Lịch sử. Khi ra thực tế, môn Sử lại dùng nhiều hơn Toán, Lý, Hóa”, Dũng Phan nhấn mạnh.

Thứ hai, tác giả của cuốn sách cũng cho rằng, chương trình giáo dục môn Lịch sử đang bắt học sinh học thuộc, kể diễn biến nhiều quá trong khi vấn đề của lịch sử là câu chuyện về các bậc tiền nhân, chứ không phải học thuộc lòng.


Tác giả Dũng Phan.

Dũng Phan tên thật là Phan Trần Việt Dũng, sinh năm 1988, tại Quảng Bình, là kỹ sư xây dựng. Cuốn sách “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” của anh đã trở thành một hiện tượng với 5.000 bản in được đặt trước, khi chưa chính thức phát hành. 12 nhân vật trong sách đã được chọn lọc kỹ và đều là những người tiêu biểu như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hồ Quý Ly…

Để sử “thấm” vào cộng đồng

Dũng Phan khẳng định, khi thay đổi cách học sử sẽ không vấp phải trở ngại như nhiều lo lắng bấy lâu nay, bởi bất cứ sự thay đổi nào cũng cần sự dũng cảm. Lý giải điều này, anh cho rằng, học sinh đang bội thực với các con số, đang trong tình trạng “thầy đọc, trò chép”, quá tải với chương trình giáo dục phổ thông.

Để giúp các bạn trẻ yêu sử, nhìn nhận đúng giá trị và tầm quan trọng của bộ môn này, Dũng Phan phân tích: “Chuyển các em sang kể chuyện lịch sử, dạy các em tư duy, hứng khởi, yêu thích, hẳn các em sẽ không quay lưng lại với môn học.

Khi ta kể cho các em nghe thiên tài chiến thuật của vua Quang Trung, về án tích Lệ Chi Viên, đương nhiên các em sẽ đón nhận. Nếu đang được nghe thầy, cô giáo kể chuyện sử mỗi ngày với sự say mê, bỗng chốc bị ép phải nhớ các con số, số liệu, thống kê, đó mới là gây khó khăn cho các em”.

Khi nói về kinh nghiệm học ở nước ngoài, Dũng Phan đã cho một ví dụ nhỏ về đề thi sử ở Anh cách đây hơn chục năm: “Nếu bạn là Napoleon, bạn sẽ làm gì để không thua trận Waterloo?”. Còn chúng ta thường dạy học sinh chiến dịch này giết bao nhiêu tên địch, bắn rơi bao nhiêu máy bay? Nguyên nhân, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch đó?”, tác giả chia sẻ.

Cuốn “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” không hư cấu, Dũng Phan chỉ trích lược các nghiên cứu sử học và đưa ra bình luận để gợi mở vấn đề, đồng thời để lại khoảng trống cho độc giả tự suy ngẫm, đánh giá. Tác giả khẳng định, lịch sử không có đúng sai mà chỉ có sự thật. Vì thế, người đọc hãy biết học hỏi từ lịch sử chứ không nên phán xét dựa trên cái tên hay con số.

Chia sẻ về lý do chọn cách tiếp cận lịch sử của riêng mình, tác giả cho rằng, trước tiên phải hiểu rõ nhu cầu của độc giả trẻ. Anh quan niệm, viết chính sử hay dã sử không quan trọng, miễn là có thể giúp độc giả thực sự quan tâm tới lịch sử của nước nhà.

Dũng Phan nhắn nhủ: “Để cuốn sách này không cô đơn, tôi nghĩ còn cần nhiều yếu tố khác nữa. Đó là thay đổi cách đánh giá môn Lịch sử. Thông qua điện ảnh, âm nhạc, để đưa sử thấm vào cộng đồng. Với nhiều yếu tố kết hợp, tự khắc học sinh sẽ thích sử thôi”.

Nói về vai trò của lịch sử đối với giới trẻ trong bối cảnh xã hội hiện nay, tác giả phân tích, lịch sử không phải là những biên niên sử khô khan hay những con số thống kê. Mỗi người hãy đọc lịch sử bằng trái tim hướng thiện và khối óc biết tư duy.

Dũng Phan cho biết anh không phải là người trẻ duy nhất viết sử mà còn có rất nhiều bạn trẻ khác. Những câu chuyện sử vui có, hàn lâm có cùng các câu hỏi rất trí tuệ được chia sẻ hàng ngày trên mạng xã hội.

Dù vậy, tác giả còn trăn trở: “Vai trò của người lớn là phải “bắc cầu”, xây lại con đường đến với sử Việt và văn hóa Việt cho học sinh. Còn đam mê và tình yêu Tổ quốc đã ở sẵn trong lòng các em rồi”.

GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam):

Ở góc độ nào đó, thái độ không thích học sử của học sinh mang tính tích cực nhất định. Nó đòi hỏi chúng ta phải có sự thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt liên quan đến dạy – học môn này.

Muốn vậy, cần đổi mới căn bản và toàn diện cả hệ thống giáo dục môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông. Trong đó, đổi mới từ nhận thức, vị thế, yêu cầu giáo dục đến việc xây dựng lại chương trình, sách giáo khoa và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thay đổi cả cách dạy, cách học và cách thi.

Nguồn baoquocte