BAOTAYNINH.VN trên Google News

Để xuất khẩu nông sản hiệu quả bền vững

Cập nhật ngày: 20/01/2017 - 21:27

Năm 2016 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, với các rào cản thương mại, cộng sự cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu, khiến cho một số mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của nước ta giảm cả về giá trị và sản lượng. Trong đó có gạo, chỉ xuất khẩu được hơn 4,8 triệu tấn, đạt 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015...

Tuy nhiên, bù lại thiếu hụt này là sự tăng cao so của nhiều mặt hàng khác, như cà-phê xuất khẩu được 1,79 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD, tăng 25,5%; hạt điều chế biến xuất khẩu đạt 300 nghìn tấn hạt chế biến, cho giá trị xuất khẩu đạt mức kỷ lục 2,7 tỷ USD, tăng 18,3%; hạt tiêu tăng gần 13% và thủy sản tăng 6,3%,... Đáng chú ý, mặt hàng rau quả đã đạt kim ngạch hơn 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015.

Thực tế trên buộc chúng ta phải nhìn nhận lại quan điểm và chiến lược phát triển mặt hàng nông sản trong thời gian tới, nhất là mặt hàng gạo. Có nhất thiết phải chạy theo số lượng mà bỏ quên chất lượng, giá trị gia tăng của hạt gạo và quan trọng hơn là lợi ích thiết thực của người trồng lúa hay không? Hơn nữa, có nên kiên quyết tập trung phát triển trồng lúa phục vụ mục tiêu xuất khẩu hay cần tính toán để chuyển đổi cây trồng hợp lý nhằm tăng thu nhập cho nông dân và giảm áp lực xuất khẩu gạo?

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang ngày càng phải đối diện trực tiếp với thiên tai liên tiếp và kéo dài ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, thậm chí nhiều địa phương phải hứng chịu những đợt thiên tai kép, rất khốc liệt, cộng với sức ép của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tái cơ cấu lại nền nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, tập trung vào các cây, con chủ lực, thuận lợi về môi trường và thị trường là hết sức cần thiết.

Theo đó, phải cân đối lại sản phẩm, tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, là những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, đồng thời phải tính đến mục tiêu cuối cùng của sản xuất là lợi nhuận cho nông dân.

Do đó, công tác chỉ đạo sản xuất phải tập trung vào rà soát quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Kiên quyết chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới, hoặc ngập mặn sang các cây trồng khác, hoặc nuôi trồng thủy sản; mở rộng diện tích xuân muộn, mùa sớm và vụ đông ở đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía bắc; giảm diện tích lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện rải vụ cây ăn quả, tạo tán vườn cây, ghép cải tạo, và tăng cường thâm canh, tái canh vườn cà-phê, tiêu, điều; cũng như khuyến khích sản xuất, phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở giữ quy hoạch đất nông nghiệp, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu nông sản ổn định và bền vững.

Nguồn Báo Nhân dân


Liên kết hữu ích