BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dệt may: Cải cách để tự cứu mình, đừng đổ lỗi cho thị trường 

Cập nhật ngày: 20/06/2017 - 14:33

Cổ phần hóa, cải cách hành chính, đầu tư hiệu quả, phát triển thị trường, tránh tình trạng lãnh đạo lương cao công nhân lương thấp là những mục tiêu Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dệt may phải thực hiện.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng đề nghị ngành dệt may phải đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu nội bộ - Ảnh: N.An

Các yêu cầu trên được Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đưa ra tại buổi làm việc của Tổ công tác Thủ tướng với Tập đoàn dệt may Vinatex sáng ngày 20-6 tại Hà Nội.

Cải cách để tự cứu mình

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, ông Dũng nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng là phải hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.

Một nhiệm vụ khác được ông Dũng đặt ra cho Vinatex là cần phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hiệu quả.

Hiện tại, Vinatex đang đầu tư 41 dự án, nhưng chỉ làm tốt ở hai khâu là sợi và cắt may (tức là hai khâu đầu - cuối), trong khi các khâu phụ trợ, nhuộm lại đang bị nghẽn lại và "phải nhập từ cái kim đến sợi chỉ, khuy áo".

“Thực tế này đặt ra là phải nội địa hoá thế nào? Đề nghị tập đoàn đẩy nhanh đầu tư với tổng mức trên 5.000 tỷ. Thủ tướng yêu cầu không để các dự án đầu tư dở dang, thất thoát vốn”,  Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ thứ ba được ông Dũng đưa ra là Vinatex cần đẩy mạnh cổ phần hoá, tư nhân hoá doanh nghiệp may toàn ngành, coi đây là "vấn đề mấu chốt, nếu không ngành sẽ không thể phát triển".

Ông Dũng lấy ví dụ trong hai chuyến công tác của Thủ tướng vừa qua, phái đoàn Việt Nam ghé vào gian hàng của con gái Tổng thống Mỹ là bà Ivanka Trump ở Mỹ và siêu thị Aeon ở Nhật thì tất cả đều có bán hàng “Made in Vietnam”.

“Nếu không xem tem, mác thì nghĩ là hàng sản xuất ở châu Âu chứ không ai nghĩ sản xuất ở Việt Nam, cả về chất lượng, kiểu mẫu... Dệt may đã có những thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật...” - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, với những thị trường như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và cả ASEAN hàng dệt may vẫn khó vào. Theo ông Dũng, nếu không đổi mới, cổ phần hoá thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Với nhiệm vụ thứ tư, Bộ trưởng Dũng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu ngành dệt may phải có giải pháp tốt để tiếp cận vốn sản xuất, tạo chuỗi giá trị cao hơn thay vì chỉ làm gia công.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiêp 4.0, ông Dũng cho rằng Vinatex cần phải cải tiến và đổi mới công nghệ, theo dõi quản trị cho tất cả các công ty một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Yêu cầu về cải cách hành chính là nhiệm vụ cuối cùng được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đưa ra cho Vinate, "đặc biệt trong nội tại của tập đoàn, các công ty thành viên".

Cùng với đó, ông Dũng yêu cầu Bộ Công thương rà soát để cải cách hành chính trong lĩnh vực dệt may ở các khâu thuế, hải quan, chính sách thuế.

“Nếu ta không tự cứu chúng ta, đổ lỗi cho thị trường, không có cải tiến và cải cách hành chính thì rất khó. Cải cách để tránh tình trạng bộ máy cồng kềnh, lương quản lý thì cao lương công nhân thì thấp”, ông Dũng nhấn mạnh.

Dệt may ngày càng mất lợi thế

Dệt may là ngành chiếm khoảng 16% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp trên 10% giá trị sản xuất công nghiệp nhưng đang gặp các khó khăn trong nửa đầu năm nay.

Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc điều hành Vinatex, cho biết có đến 65% doanh nghiệp trong ngành chỉ gia công và sản xuất cho thị trường nội địa, và còn phụ thuộc nhiều vào vải nhập khẩu.

“Ngành dệt may hiện đang bộc lộ sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất, mạnh về khâu gia công xuất khẩu nhưng lại yếu và thiếu tập trung ở khâu dệt nhuộm, vì vậy nhập khẩu vải từ các quốc gia khác” - ông Tân nói.  

Đại diện Vinatex đề nghị cần phải có quy hoạch tổng thể cho các ngành thâm dụng lao động, tiếp tục là ngành trọng yếu trong xuất khẩu, gắn với chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Đồng thời, theo ông Tân, cần có chương trình đào tạo người lao động, điều chỉnh giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Nguồn TTO