BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đi qua những tháng ngày gian khó 

Cập nhật ngày: 23/09/2017 - 06:20

BTN - Đi qua những ngày gian khó, bằng ý chí và nghị lực, chị Thơ từng bước ổn định cuộc sống gia đình. Dù tương lai còn nhiều chông gai thử thách nhưng chị Thơ vẫn vững tin vào đôi tay của mình. Cuộc đời này chị chỉ sống vì con, được thấy con cái khôn lớn nên người là ước mơ lớn nhất của chị.

Chị Thơ và mẹ chồng gói bánh.

Từ trước đến nay, những tấm gương về người phụ nữ vượt khó luôn để lại cho tôi nhiều ấn tượng, suy nghĩ lẫn cảm xúc. Đó là những người phụ nữ chân yếu tay mềm như bao người phụ nữ khác, nhưng vì cuộc sống khó khăn, vì chồng con, họ sẵn sàng hy sinh cả tuổi xuân để lao vào guồng xoay công việc.

Để rồi khi được một phút ngơi nghỉ, họ nhìn lại mình trong gương và cảm thấy mình già nua hơn bạn cùng trang lứa. Công việc tất bật khiến họ không có thời gian để chăm chút bản thân hoặc nếu có làm ra tiền họ cũng không dám sắm cho mình vài bộ quần áo mới mà chắt chiu, dành dụm vì tương lai của các con.

Qua một người bạn, tôi có dịp làm quen với chị Nguyễn Thị Thơ (sinh năm 1981), ngụ khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng (huyện Trảng Bàng). Tuổi đời còn trẻ nhưng chị Thơ đã chịu nhiều mất mát.

Chồng mất 7 năm cũng là khoảng thời gian chị thay chồng gánh vác gia đình, nuôi dạy con cái nên người. Nhiều lúc ngẫm nghĩ lại quãng thời gian qua, chị cảm thấy có lúc cuộc sống thật bạc bẽo, nhưng bù lại nó trui rèn cho chị một nghị lực phi thường mà khó ai có được.

Chị Thơ lập gia đình năm 19 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tuy còn nhiều khó khăn nhưng hai vợ chồng cùng nhau phấn đấu vẫn đủ ăn đủ mặc.

Rồi ba đứa con lần lượt ra đời khiến gia đình nhỏ càng thêm trọn vẹn. Đứa con gái lớn của chị tên Cao Thị Kim Thoa (sinh năm 2001), đứa con trai tên Cao Tấn Lộc (sinh năm 2003) và con gái út Cao Nguyễn Anh Thư (sinh năm 2008).

Trớ trêu thay, đứa con trai duy nhất của chị bị mắc bệnh viêm não lúc mới hơn 2 tuổi. Dù được tích cực chạy chữa, song căn bệnh vẫn để lại di chứng nặng nề khiến trí não Lộc chậm phát triển, chân tay khoèo không đi được.

Hiện tại, dù đã 14 tuổi nhưng em vẫn như trẻ lên ba, không biết gì và cũng không thể tự chăm sóc mình. Mọi sinh hoạt cá nhân của Lộc đều do người thân thay nhau làm.

Nhìn đứa con sinh ra lành lặn rồi lại chịu khổ vì bệnh tật, chị Thơ không khỏi chạnh lòng, chỉ biết hy vọng mình có đủ sức khoẻ để chăm sóc cho con hết cuộc đời này.

Bất hạnh chưa dừng lại ở đó, năm 2010, chồng chị mất trong một vụ tai nạn giao thông. Khi ấy chị mới 29 tuổi còn đứa con gái út mới 16 tháng. Chồng chị lại là con một trong gia đình.

Ngẫm lại khoảng thời gian ấy, chị vẫn còn sợ. Chị sợ nỗi cô đơn, sợ không đủ sức gánh vác gia đình vừa người già, trẻ nhỏ. Vượt qua nỗi đau thương, mất mát ấy, chị Thơ quyết không đầu hàng số phận. Các con đã thiệt thòi vì không có cha, do đó chị phải cố gắng để lo cho các con cuộc sống đủ đầy nhất có thể.

Cũng may, chị và mẹ chồng có nghề gói bánh ú lá tre để bám víu. Công việc này hai mẹ con đã làm nhiều năm nay nên rất thạo việc. Tính đến nay, chị Thơ đã gắn bó với nghề làm bánh ú được hơn chục năm.

Thời gian đầu chưa có nhiều mối, hai mẹ con chỉ làm chừng 4 - 5kg nếp mỗi ngày, đến giờ đã tăng lên 10kg nếp/ngày. Để có thêm nhiều mối lấy, chị Thơ chủ động đi giới thiệu sản phẩm của mình tại các hàng quán và cả Khu công nghiệp Trảng Bàng ở tận xã An Tịnh cách đó nhiều cây số.

Công việc gói bánh ú nhiều công đoạn rất vất vả mà thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Mỗi ngày hai mẹ con gói 600 - 700 cái bánh, trừ tiền vốn chỉ được khoảng 200 ngàn đồng tiền lãi.

Mà số tiền thu được cũng chỉ là tiền ảo vì bánh bỏ cho mối hôm trước đến hôm sau mới thu tiền. Nhiều người bán không được xin khất cũng phải chịu.

Một ngày của chị bắt đầu với nhiều công việc không tên từ sáng sớm. Sau khi lo cho các con đi học, chị chạy ra chợ, quán bỏ mối bánh rồi về chuẩn bị cơm trưa, chuẩn bị các nguyên liệu gói bánh tiếp tục.

Khoảng 3 giờ chiều, chị đã bắt đầu nấu bánh đến 7, 8 giờ tối mới xong. Mẻ bánh đầu vừa xong chị lại đi giao cho các đầu mối để người bán kịp giờ tan làm của công nhân. Số bánh còn lại sáng sớm chị mới đi giao. Tính chất công việc khiến chị không bao giờ ở yên trong nhà được lâu. Chị và chiếc xe máy cũ cứ bon bon trên đường, hết đi giao hàng, đi chợ, đưa rước con đi học rồi lại đi thu tiền bánh...

Với dáng người thanh mảnh, chân tay linh hoạt, chị Thơ làm việc gì cũng nhanh nhẹn, chắc chắn và cẩn thận. Ai cũng mong muốn có được người con dâu giỏi dang, chịu khó quán xuyến gia đình như chị.

Ngoài làm bánh ú, chị Thơ còn chăn nuôi bò để có thêm thu nhập. Hiện tại, nhà chị có 2 bò mẹ và 2 bò con. Công việc nuôi bò có từ hồi chị mới về làm dâu và được chị duy trì cho đến bây giờ.

Chị bảo, nhờ chăn nuôi bò thêm mà chị mới có tiền lo cho con cái đi học. Chị chỉ bán bò con còn bò mẹ giữ lại tiếp tục nuôi sinh sản. Con gái lớn của chị nay đã học lớp 11, chẳng còn bao lâu nữa là vào đại học. Chị thường tâm sự, động viên con học cho tốt, còn về chi phí đi học cứ để chị lo.

Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng chị Thơ chưa từng có suy nghĩ cho con nghỉ học để phụ giúp gia đình. Chị bảo, cuộc đời chị đã quá khốn khổ rồi, chị mong con cái được ăn học đến nơi đến chốn để sau này có cái nghề ổn định cuộc sống, không phải bươn chải ngược xuôi như chị bây giờ.

Người luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ chị vượt qua khó khăn trong thời gian qua chính là mẹ chồng chị. Nếu chị đi giao bánh thì mẹ chồng ở nhà chuẩn bị nguyên liệu nấu bánh rồi phụ chị gói bánh.

Nghề gói bánh ú lá tre cũng chính do mẹ chồng chị truyền nghề cho. Từ lúc chị không biết gì về gói bánh, được sự chỉ vẽ tận tình của mẹ đến giờ chị đã là một tay gói bánh chuyên nghiệp mà ai được xem qua phải trầm trồ tán thưởng.

Đi qua những ngày gian khó, bằng ý chí và nghị lực, chị Thơ từng bước ổn định cuộc sống gia đình. Dù tương lai còn nhiều chông gai thử thách nhưng chị Thơ vẫn vững tin vào đôi tay của mình. Cuộc đời này chị chỉ sống vì con, được thấy con cái khôn lớn nên người là ước mơ lớn nhất của chị.

Thuỳ Dương

Từ khóa
Thuỳ Dương