BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đi tiểu thấy màu hơi hồng hồng

Cập nhật ngày: 24/07/2017 - 12:39

BTN - Nam, 17 tuổi, nặng 68kg. Mấy hôm nay tôi tập luyện giảm cân cường độ cao, tự dưng đi tiểu thấy màu hơi hồng hồng, đồng thời bị đau phần thắt lưng; tôi nghĩ đó là do luyện tập, có đúng không? Mong bác sĩ giải đáp.

Trần Minh H. (Trường Hoà, Hoà Thành)

Ðáp: Luyện tập nặng sẽ dễ gây ra đau lưng, nhưng kết hợp nước tiểu màu hồng do tiểu ra máu có thể do các nguyên nhân sau:

1. Ðau lưng: đau lưng là tình trạng bệnh vô cùng phổ biến. Do một số nguyên nhân như ngồi nhiều, ngồi sai tư thế, làm việc nặng nhọc hay chấn thương cột sống… Nhưng đau lưng còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh như:

- Nhiễm khuẩn thận: xảy ra khi vi khuẩn đi vào thận qua đường máu hoặc di chuyển lên từ niệu quản. Các dấu hiệu của bệnh giống như viêm bàng quang, kèm theo sốt và đau thắt lưng.

- Sỏi thận hoặc bàng quang: xác chất khoáng trong nước tiểu có thể lắng cặn, hình thành các tinh thể trên thành thận và bàng quang, dần dần thành các sỏi nhỏ và cứng. Sỏi có thể không đau hoặc gây cơn đau quặn vùng lưng hông kèm theo đái máu đại thể hoặc vi thể.

2. Tiểu gắt ra máu: tiểu ra máu là tình trạng bệnh nhân khi đi tiểu có lẫn màu hồng trong nước tiểu, đôi khi kèm theo tiểu nhiều, tiểu buốt. Ðây là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh như:

- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: xảy ra khi vi khuẩn đi vào cơ thể qua niệu đạo và nhân lên trong bàng quang gây đái buốt, tiểu rắt, nước tiểu nặng mùi…

- Phì đại (tăng sinh) tuyến tiền liệt: khi tuyến tiền liệt phì đại, nó chèn ép vào niệu đạo, cản trở dòng tiểu gây triệu chứng đái khó, đái ngắt quãng… và có thể gây đái máu đại thể hoặc vi thể.

- Ung thư: chảy máu đường tiết niệu nhìn thấy được có thể là biểu hiện của ung thư thận, bàng quang hoặc tuyến tiền liệt.

- Bệnh di truyền: bệnh thiếu máu hồng cầu liềm có thể là nguyên nhân của máu trong nước tiểu mức độ đại thể hoặc vi thể.

Ðể chắc chắn trong việc xác định chính xác nguyên nhân và tình trạng bệnh để có thể đưa ra biện pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất, bạn nên đến bệnh viện, hoặc các phòng khám chuyên khoa thận - đường tiết niệu để được thăm khám một cách chính xác và điều trị kịp thời.

BS LÊ TRUNG NGÂN