BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đi tìm gà chín cựa 

Cập nhật ngày: 30/01/2017 - 15:02

BTNO - Voi chín ngà, ngựa chín hồng mao thì đến giờ hình như vẫn chưa ai nhìn thấy, nhưng riêng về gà chín cựa thì ở Tây Ninh đã có một người nuôi và nhân giống thành công.

Ông Đẹp giới thiệu chú gà chín cựa nuôi làm giống.

Người đó là ông Nguyễn Tấn Đẹp, năm nay 70 tuổi, hiện ngụ ấp An Lợi, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng. Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà ông Đẹp để tham quan trại gà của ông. Nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, mát rượi bởi tầm vông che phủ hai bên. Xung quanh ngôi nhà cũng rợp bóng cây xanh. Bên hông nhà là ba dãy chuồng gà khá kiên cố. Các dãy chuồng được xây bằng tường gạch từ mặt đất cao lên gần một mét. Trên nữa là lưới B40 cũng cao tầm một mét. Chuồng lợp lá dừa nước cho khỏi nóng. Mỗi dãy chuồng, ông Đẹp ngăn ra thành nhiều chuồng nhỏ, mỗi chuồng có diện tích khoảng 24 mét vuông. Trên nền chuồng là một lớp đệm sinh học để xử lý phân gà. Trong mỗi chuồng, có khoảng 5 con gà trống và 20 con gà mái. Ông Đẹp cho biết: “Hiện tôi đang cho tu sửa chuồng trại nên mới nuôi dồn nhiều con vào một chuồng như vậy, chứ bình thường, mỗi chuồng chỉ nuôi một con gà trống với bốn con gà mái”.

Theo lời kể của ông Đẹp, từ hồi còn nhỏ, đọc truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh, ông đã từng thắc mắc: Không biết các con vật lạ lùng mà vua Hùng “thách cưới” hai chàng trai kia có thật trong đời hay không? Và ông đã mơ, lớn lên sẽ tự đi tìm hiểu về những con vật kỳ dị ấy. Nhưng rồi cuộc sống của người nông dân chân lấm tay bùn, suốt tháng quanh năm dính chặt với đồng ruộng đã không cho phép ông nghĩ đến ý định ấp ủ ngày còn thơ bé.

Cơ duyên đến với ông Đẹp một cách tình cờ. Đó là khi ruộng vườn của gia đình ông lọt vào vùng quy hoạch khu công nghiệp. Ông cũng như nhiều người khác sau khi nhận tiền đền bù đã di dời đi nơi khác làm ăn sinh sống. Không còn ruộng nương cày cấy mà tuổi tác cũng đã cao, ông Đẹp bèn nghĩ đến chuyện đầu tư mở trang trại nuôi gà. Giấc mơ thời niên thiếu chợt ùa về. Thay vì nuôi gà công nghiệp hay gà thả vườn bán thịt như nhiều người đã làm, ông quyết tâm tìm kiếm giống gà chín cựa về nuôi.  

Chân dung một chú gà chín cựa.

Qua tìm hiểu thông tin trên mạng intrenet, lão nông xứ Trảng biết được có một ngôi làng ở tận tỉnh Phú Thọ là quê hương của gà chín cựa. Năm 2002, ông Đẹp khăn gói lặn lội ra tận nơi để tìm mua giống gà quý hiếm này. Đến nơi, ông mới biết, gà chín cựa là có thật nhưng rất hiếm và rất khó tìm so với gà sáu, bảy cựa. Ông Đẹp dành ra cả tuần lễ làm quen với những người am hiểu về gà ở một số tỉnh miền Bắc, được sự trợ giúp, chỉ dẫn của họ, cuối cùng ông cũng mua được một cặp gà nhiều cựa, một trống một mái đem về Tây Ninh. Sau hai năm, cặp gà quý đã sinh sản ra nhiều lứa gà con, chúng đều có nhiều cựa.

Ông Đẹp giải thích: “Khi trưởng thành, hầu hết những con gà trống đều có số cựa chẵn, như sáu, tám hoặc mười cựa. Sở dĩ có con gà chín cựa là do nó bị… gãy mất một cựa trong lúc đá lộn với mấy con gà khác để khẳng định vị trí trong bầy đàn, vì vậy mới trở nên quý hiếm”.

Dẫn chúng tôi ra trại gà, ông Đẹp vào chuồng bắt một chú gà trống đưa cặp chân nó cho chúng tôi xem. Trên cái chân rắn chắc của chú gà này có một chiếc cựa chính dài, nhọn, cong vút, ngoài ra còn có nhiều cựa khác trông như những ngón chân có móng dài, mọc thành một chùm, gần cựa chính. Trên mồng, trên đầu chú gà này có nhiều dấu vết tổn thương. Ông Đẹp cho biết: “Mấy ngày nay, phải dồn chúng lại để sửa chữa chuồng trại, vì vậy chúng thường hay đá nhau nên con nào cũng đầy thương tích”. Người chủ trang trại còn chỉ cho chúng tôi xem trong số gà của ông đang nuôi có một cặp gà toàn màu trắng. Ông chia sẻ: “Đây là một màu rất hiếm. Cả ngàn con mới có được một vài con như vậy. Vừa rồi có người tìm tới mua cặp gà này với giá cao nhưng tôi không bán”.

Một trong những đàn gà chín cựa của ông Đẹp.

Ngoài gà chín cựa, hiện nay, trang trại của ông Đẹp còn nuôi nhiều giống gà quý hiếm khác, như gà Hồ, Đông Tảo, lông xù, gà Malaysia… Từ trang trại này, ông cung cấp gà giống cho những người thích nuôi gà trong và ngoài tỉnh, bán ra cả miền Trung và miền Bắc. Tính đến nay, có lẽ ông Đẹp là người duy nhất ở Tây Ninh sở hữu nhiều giống gà quý hiếm, góp phần bảo tồn, phát triển những loại gia cầm đặc biệt này.

Trường Sơn