BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đi tìm ghe chiếu Cà Mau 

Cập nhật ngày: 17/03/2023 - 10:37

BTNO - Năm 1954, hãng Hồng Hoa (Sài Gòn) phát hành đĩa hát “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu, góp phần đưa chàng trai Nguyễn Thành Út, quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long lên ngôi “Vua vọng cổ”. Bây giờ, cả soạn giả kỳ tài với 2.000 bản vọng cổ lẫn “Vua vọng cổ” đều đã qua đời, bờ kinh Ngã Bảy (Hậu Giang) cũng không còn thấy ghe chiếu Cà Mau cắm sào, làng chiếu năm xưa bao phen thăng trầm theo thời đô thị hoá, nhưng nhiều người tin rằng nó vẫn là một địa danh tự hào của người dân Đất Mũi.

Làng chiếu Tân Thành giờ hiếm hoi những nụ cười tươi như thế này

CÔNG TÔI CỰC LẮM… 

Ở Cà Mau có rất nhiều nơi dệt chiếu, nhưng gọi là làng nghề thì ngày nay có lẽ chỉ còn tập trung ba nơi: xã Tân Thành thuộc nội ô thành phố Cà Mau; xã Tân Duyệt thuộc huyện Đầm Dơi và xã Tân Lộc ở huyện Thới Bình. Tuy nhiên, theo người dân địa phương nơi làm ra chiếc chiếu bông nổi tiếng ở vùng đất cuối trời cho đến bây giờ chính là làng Cái Nhúc xưa, xã Tân Thành nay, cách trung tâm thành phố Cà Mau chừng năm, sáu cây số.

Năm 2008, trong dịp về Hòn Đá Bạc, khi dừng chân ở thành phố Cà Mau, tôi tranh thủ thuê xe gắn máy tạt ngang làng chiếu Tân Thành, nằm cặp hai bên con kênh Phụng Hiệp đổ ra ngã ba đoạn tiếp giáp hai con sông cái Cà Mau và Gành Hào (Bạc Liêu). Người phụ nữ đầu tiên mà tôi gặp là bà Hồ Thị Năm, 81 tuổi, ấp 2, ngồi trước hiên vừa ngước nhìn mái nhà còn treo vài đôi chiếu bông mà cô con gái út chưa kịp mang ra buổi chợ sáng, vừa lấy hơi nói lối theo bài vọng cổ: “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu…”. Chẳng biết hơi đứt giữa chừng, hay trí nhớ bị gián đoạn mà bà ngưng ngang bằng tiếng cười đậm như muối trắng rang vàng quá lửa. Bà bảo mấy năm gần đây, sức khoẻ giảm sút, nên đành rời xa khung dệt, chứ trước kia ngày nào bà cũng “mần hoài không nghỉ à nha!”. Bà vừa bấm tay vừa nhẩm tính: “Từ lúc mẹ tui mắc chiếu dạy tui chùi sợi xuyên qua khung dệt đến khi "nghỉ hưu", thâm niên của tui đạt chuẩn 70 năm tuổi nghề”.

Mai này làng chiếu Tân Thành liệu có còn là niềm vui của trẻ thơ?

Bà Năm lớn lên ở làng chiếu Tân Thành. Năm mười một tuổi, bà chập chững vào nghề dệt chiếu bằng công việc ôm lác đã chẻ ra sân phơi nắng. Sau đó được giao cho công việc nhóm lửa nấu nước cây vang để nhuộm màu cho lác. Theo bà, vang là loại cây giống như cây tràm gió, người ta mua về vạt nhỏ như vạt thuốc Bắc, đem phơi khô sau đó bỏ vào nồi đun sôi cho ra màu. Lác đã phơi khô được cột thành bó và cuộn tròn thả vào nồi chờ lác ngấm màu đều rồi vớt ra phơi khô. Nói thì dễ, nhưng nếu không tinh ý thiếu kinh nghiệm, thì màu vang sẽ nhợt nhạt hoặc đỏ bầm. Muốn chiếu có màu tươi thắm, người ta thường chọn những khúc cây vang gốc, thân nổi u nổi nần để nấu thành màu. “Bây giờ thì dễ rồi, màu có sẵn, chỉ cần quệt một cục, quăng vào nồi là xong”- bà Năm nói.

Lần này quay lại gặp chị Cao Thị Mỹ Em, con gái út của bà Năm, cũng sắp bước qua tuổi 60. Mỹ Em nối nghiệp bà Năm từ lúc lên mười. Gần 50 năm cùng chồng chẻ lác, se bố, mắc chiếu, chùi sợi, dập khuôn… chị cũng là người hiểu được giá trị của một đôi chiếu bông ở quê mình. Bởi, “muốn có được một đôi chiếu “lẫy” chữ, “lẫy” bông ngoài chuyện cẩn thận trong khâu pha phẩm, nhuộm màu, người dệt chiếu còn phải kỳ công trong việc chọn lác. Lác đủ chuẩn làm nguyên liệu cho đôi chiếu đẹp phải có kích thước và độ dài đều nhau. Chưa dừng lại ở đó, người thợ dệt còn phải dẻo tay se cho được những cọng trân từ vỏ cây bố sao cho thật mịn. Một đôi chiếu thành phẩm kích thước 1,6m x 2m đạt chuẩn phải có trọng lượng tối thiểu mỗi chiếc 7 ký. “Nhẹ quá chiếu thưa, nặng quá chiếu thô”- chị chậm rãi nói. Tôi nghĩ, nghề chiếu, không làm cho vợ chồng chị thật giàu, và mỗi ngày, riêng 5 đứa con chị xơi hết 3 ký gạo, nhưng tiền bán chiếu thời gian qua đủ để chẳng đứa nào phải bỏ học giữa chừng là đã quá quý rồi. Chính vì thế, dù mấy năm gần đây, theo phong trào, chồng chị bận chuyện đào ao nuôi cá chình, cá bống tượng lợi nhuận cao hơn hẳn so với nghề dệt chiếu truyền thống nhưng “quen tay quen chân, quen cái mùi vị ngây ngây, mặn mặn của mùi chiếu quê mình nên ngày ngày tôi vẫn cứ phải chẻ lác, phơi khô, nhuộm màu rồi thuê người về nhà dệt chiếu để có cái mà đội ra chợ… đỡ buồn”.

Nhuộm màu là khâu quan trọng để giữ tiếng thơm cho làng chiếu Tân Thành

CHIẾU NÀY KHÔNG ĐỦ BÁN ĐÂU…

12 giờ trưa, nắng đứng. Chiếc vỏ lãi dài tong teo lạch xạch cặp bờ kinh trước căn nhà 246, ấp 3, xã Tân Thành. Đó là căn nhà mái tôn, chái lá của vợ chồng chị Lý Thị Bé, 66 tuổi, nghệ nhân truyền đời ở cái làng nhìn đâu cũng thấy lác phơi xanh đỏ tím vàng. Tiếng một cụ bà dưới ghe í ới vọng lên đặt mua một đôi chiếu cưới lẫy đôi bông hồng, lẫy thêm bốn chữ “hạnh phúc trăm năm”. Giá một đôi chiếu cưới hai bên thoả thuận là 700 ngàn, không cần lấy cọc. Chiếc vỏ lãi trở mũi lạch xạch chạy ra hướng sông cái. Chị Bé than: “Giá cả bây giờ cái gì cũng lên. Tối qua, giá gạo lại lên rần rần”. Rồi chị lẩm nhẩm thanh minh cho giá chiếu đội lên cao so với lúc bình thường: “Một đôi chiếu tốt, phải tốn ít nhất một chục bó lác. Trước kia tiền lác chưa đến một trăm ngàn, bây giờ không còn giá cũ. Còn công dệt, một đôi chiếu thường bán chợ, hai người dệt xong một ngày. Riêng chiếu đặt, vừa dệt bông vừa dệt chữ, công cán gấp ba, gấp năm. Tính ra dệt xong một đôi chiếu cưới mất cả tuần, mà lời cũng không hơn gì dệt chiếu thường”. Theo chị Bé, giá một đôi chiếu chị dệt luôn cao hơn chiếu của những bạn dệt xung quanh vài chục ngàn. Nhưng mức lời thì cũng ngang nhau. Bởi: “Chiếu tôi dệt, ngoài tiêu chuẩn đẹp, còn xài được ít nhất cũng trên mười năm!”.

Ông Lượm, chồng chị Bé, mấy năm nay không còn chèo ghe ra tận vàm kinh Ngã Bảy (Hậu Giang) để tìm lác mua về giúp vợ. Gần sáu mươi năm trước, từ ngày ông đưa chị Bé “về chốn loan phòng có đôi chiếu bông trải sẵn” ở làng chiếu Tân Thành, ông thường xuyên chèo ghe đi mua lác khắp các miệt Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… Sau lần tai biến, ông không còn đủ sức đi xa, mà chỉ ngồi nhà se bố, căng trân, mắc cửi giúp vợ. Ông bảo, cái nghề dệt chiếu mưa nắng dãi dầu, lời lóm chẳng đáng bao nhiêu vậy mà bỏ không được. Ông kể: “Hơn hai mươi năm trước, sau khi đạt giải nhất hội thi dệt chiếu ở Cần Thơ, người ta mới kỳ thanh lẫn kỳ hình một sản phẩm thật, một con người thật. Bạn hàng đông lên, khách du lịch tìm đến, làng chiếu Tân Thành như sống lại. Rồi chính quyền mời họp để bàn cách phát triển làng nghề, hứa cung cấp máy móc, hình thành hợp tác xã… rầm rầm rộ rộ rồi lại im lìm. Người ta quý chiếc chiếu dệt tay, chứ dệt bằng máy móc còn nói làm gì”.

Phơi lác cũng là một công đoạn hết sức cẩn trọng để bảo đảm độ tươi thắm bền bỉ của làng chiếu Tân Thành

Theo ông Lượm, từ khi giá đất lên cao do phong trào đào ao nuôi cá chình, cá bống tượng phát triển rầm rộ thì đất trồng lác ngày càng teo tóp. Lác lại phải chờ mua từ mối lái các nơi chuyển về khi có, khi không… tiền công dệt chiếu cũng không được nhiều thì cái làng chiếu này chỉ còn chừng dăm ba chục hộ giữ nghề. Nhiều người cũng đã chán ngán mỗi khi thấy mắc đôi chiếu lên để dệt. Ở cái làng chiếu mẹ truyền con nối như của hồi môn cho con gái trước lúc có chồng, vậy mà hai cô con gái của vợ chồng ông chỉ có một người nối nghiệp mẹ. Còn người kia? “Nó nghe đài, lên Bình Dương lấy chồng và làm công nhân”– ông Lượm chắt lưỡi.

Chị Cao Phương Dung, bàn tay vàng nghề dệt chiếu ở Tân Thành, người từng “lên xuống ti vi mấy lần”, giờ cũng đã rửa tay gác kiếm, thôi nghề dệt chiếu để tập trung phụ chồng nuôi cá đào ao nhưng chị vẫn khẳng định: “Mai sau, dù có thế nào… dù người ta có thể ngủ giường nệm, ngồi ghế sa lông, nhưng đám cưới, đám giỗ vẫn không bao giờ mất đi vị thế đôi chiếu cưới chốn loan phòng, hay chiếc chiếu bông trải trên bộ ván gõ bày dọn tiệc tùng cúng quảy người thân…. Chiếu bông Tân Thành vẫn luôn là thứ không gì thay thế”.

Se bố, mắc chiếu, chùi sợi, căng trân, dập khuôn... một tấm chiếu thường phải có hai người ngồi dệt

Tiếng ghe máy lạch xạch dưới vàm kinh Phụng Hiệp trước nhà, thêm một giọng í ới gọi lên. Tôi nghe loáng thoáng len theo ngọn gió trưa thổi ngược ra ngã ba sông: Một cặp chiếu bông, dệt tay, lẫy tám chữ màu: “Loan phụng hoà minh – Gia đình hạnh phúc” được giao dịch với giá xấp xỉ một triệu đồng. Chị Bé nhìn tôi cười: “Dệt tay cực nhọc lắm, nhưng tình nghĩa không nỡ chối từ!”.

“Thời hưng thịnh, xã Tân Thành có hơn 200 hộ dệt chiếu với trên 1.000 thợ dệt. Khi vào mùa, hàng trăm héc-ta ruộng lác của người dân tại chỗ vẫn không đủ cung cấp nguyên liệu phải đi mua thêm lác ở tận Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang). Nhưng vài năm trở lại đây, làng chiếu dần hụt hơi và hiện chỉ còn vài hộ làm cầm chừng theo đơn đặt hàng. Ðể góp phần duy trì và phát triển nghề dệt chiếu truyền thống, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp với các ngành chức năng đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại để tạo năng suất cao hơn. Tuy nhiên, với nhu cầu thực tế, người tiêu dùng vẫn chuộng chiếu “handmade”, dệt theo phương pháp thủ công. Do đó hướng tới, Hội tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, khuyến khích, động viên các cô, các chị tiếp tục duy trì, truyền nghề truyền thống với mong muốn giúp địa phương giữ được danh tiếng chiếu Tân Thành, đưa nơi đây trở thành một trong những điểm đến để du khách tham quan, trải nghiệm cùng những người thợ thủ công dệt nên những đôi chiếu bông đầy màu sắc, mang đậm giá trị văn hoá”.

Chị Trần Như Thảo- Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành, thành phố Cà Mau

PN. Nguyễn Thiện