BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đi tìm lá chiêu liêu 

Cập nhật ngày: 13/12/2018 - 10:03

BTN - Báo Tây Ninh số ra thứ bảy, ngày 6.10.2018 có in lại một bài ký của cố nhà báo Phương Hùng viết trong thời kháng chiến chống Mỹ có tựa đề “Khóm lá Chiêu liêu”. Phương Hùng viết về những chiến sĩ của ngành Y tế huyện Gò Dầu trong kháng chiến.

Bài in trên báo Giải phóng (tên của Báo Tây Ninh lúc ấy), số 466 ra ngày 31.10.1973. Ðến nay là vừa đúng 45 năm. Vậy mà đọc lên, vẫn gợi lại vẹn nguyên một không khí chiến trường sôi nổi, lạc quan của vùng Căn cứ lõm.

Chùa Chiêu Liêu (Giác Thanh) xã Thạnh Đức, Gò Dầu.

Những nhân vật mà nhà báo đã gặp và kể lại, nhiều người hôm nay vẫn còn. Ðấy là anh Út Dân, năm ấy chỉ mới là một y sĩ của ngành Y tế cách mạng huyện Gò Dầu. Nhà anh nay ở xã Phước Ðông, gần suối Bà Tươi. Hay anh Sáu Quang, trưởng một bệnh xá giữa vùng Căn cứ lõm, nay sống ở xã Phước Thạnh. Chỉ có y tá Mộng đã mất lâu rồi. Tôi lần theo từng dòng viết của bài báo để tìm lá chiêu liêu. Thì đây, nó ở đoạn gần cuối bài báo: “Và bất ngờ, trong khóm cây cháy nám mình lại phát hiện cây chiêu liêu. Chiêu liêu, một cái tên đọc lên có vẻ gì thương nhớ, một cái gì xa xa như hương khói cũ. Lại một loại cây thuốc nữa. Nó đã chịu đựng qua bao nhiêu thử thách, và bây giờ hiện ra như biểu tượng của chiến thắng, một sự thách thức đối với quân thù…”.

Chỉ có một đoạn này thôi, trên bài báo khoảng 3.000 từ. Nhưng khóm lá chiêu liêu đã thành tên bài viết. Lý do chắc ai cũng rõ: - Khóm lá ấy đã hiện ra như biểu tượng của chiến thắng. Nói rộng hơn, nó cũng biểu tượng cho sức sống bất diệt, tinh thần lạc quan cách mạng của cán bộ chiến sĩ ngành Y tế Gò Dầu, trong những năm vang rền câu khẩu hiệu: “Quyết tử giữ Gò Dầu”.

Hãy đọc lại đoạn đầu để hình dung rõ rệt vùng Căn cứ lõm Gò Dầu những năm ấy ra sao. Ðấy là: “Rừng ruộng tan hoang đầy hố bom, hố pháo… Nhà cháy, rừng cháy, cháy đến lớp cỏ tranh, nền nhà cháy sâu xuống ba tấc đất… Chung quanh trống cả rồi, Út D. đem thương binh giấu dưới suối, đêm đêm lẻn đi tìm đồng bào…”. Còn y tá Mộng: “Trên vùng đất tưởng như hoang vu, buổi sáng sớm, M ra bờ tre bụi trúc nâng niu mấy trái khổ qua, trái bí, buổi trưa nâng niu mấy trái lựu đạn gài, buổi chiều trước khi vào xóm, hái mấy dây lưới, dây hà thủ ô, sản xuất hoa màu để ăn, làm vũ khí tự tạo đánh giặc để tồn tại và tìm thuốc để phục vụ đồng bào…”. Trong bối cảnh ấy thì khóm lá chiêu liêu- một cái tên có vẻ gì thương nhớ, như hương xưa khói cũ… mới bừng lên tươi sáng làm sao!

Nhiều người Tây Ninh đến nay đã không còn biết đến cây chiêu liêu, dù nó đã từng góp sức với cán bộ, chiến sĩ y tế trong mấy đợt quyết tử giữ Gò Dầu. Ngay ông Út Dân hôm nay cũng bảo, lâu nay đã không còn gặp cây chiêu liêu nữa. Nhưng ông kể, trên rừng di tích căn cứ Trung ương Cục vẫn còn. Anh đã gặp lại “cố nhân” trong một lần về nguồn thăm di tích. Vậy mà ở Hà Nội người ta lại có. Bằng chứng đây, Báo Nhân dân cuối tuần, ngày 30.9.2018 có bài: “Triết lý nào cho những hàng cây Hà Nội”. Tác giả sau khi đã kể một loạt các loại cây trồng trên phố phường Thủ đô như hoa ban, chà là, sao đen, muỗng hoàng yến và cả phong lá đỏ… thì cho biết: “Cây chiêu liêu, cọ dầu được bổ sung vào danh mục cây đô thị trồng trên nhiều tuyến phố…”. Vậy là có địa chỉ để có thể tìm lại chiêu liêu, không còn lo như hồi có người Tây Ninh đã cố công đi tìm lại cây bạch mai từng có trên núi Bà Ðen mà không tìm được.

Mà cũng chẳng phải mất công ra tận Hà Nội! Ngay Gò Dầu quê ông vẫn còn cây chiêu liêu, thưa ông Út Dân. Tại ông ít đi chùa nên không biết đấy thôi. Rằng ở ấp Trà Võ, xã Thạnh Ðức vẫn còn cả một ngôi chùa mang tên chiêu liêu nữa đấy. Dù tên chữ của chùa là Giác Thanh tự, nhưng dân trong xóm ấp vẫn gọi bằng cái tên nôm na xưa cũ: chùa Chiêu Liêu.

Chiêu Liêu chùa cũ vẫn còn đây, sau một cung đường vòng vo trong xóm ấp chạy từ quốc lộ 22B vào khoảng 2 cây số. Cách nay 10 năm, chùa vẫn đang bộn bề vôi cát xây sửa lại. Trụ trì chùa năm ấy là sư Thích Minh Giáp cũng xắn tay phụ việc thợ hồ. Nay thì chùa đã óng ả tường xây, tam quan ngói đỏ. Sân vườn chùa cũng được sang sửa, phần cho các ngôi miếu nhỏ và tháp mộ; phần cho cây trái vườn chùa; còn lại láng nền vữa xi măng sạch sẽ, bố trí thêm vài cụm kiểng bông…

Vẫn còn đó cụm cây chiêu liêu ngày trước ở về bên phải trước chùa. Nơi này trước chỉ có xập xệ một ngôi miếu Bà Linh Sơn lợp tôn ở ngay sau cụm cây. Nay ngôi miếu đã được xây khang trang hơn về phía trước, nhưng các bà sãi ở chùa cũng không nỡ phá bỏ đi ngôi miếu cũ, nghe nói có từ trước cả khi sư thầy Thích Minh Thiện đến lập chùa vào năm 1959. Và có lẽ cũng nhờ thế mà cụm cây chiêu liêu vẫn kiêu hãnh vươn lên tới tầm cao chừng 15 mét, cao hơn cả những ngọn dừa xanh cũng đang háo hức nhoai lên ở phía sau chùa. Cụm cây này có hai thân thẳng tắp, nuột nà, lên tới 7-8 mét mới xoè ra những lá cành xanh biếc.

Còn chưa rõ hai thân này có cùng một gốc hay là hai cây tựa vào nhau mà cùng lớn lên. Chỉ thấy lớp vỏ cây như một lớp đăng-ten trắng bao bọc lấy thân cây có màu nâu sáng. Ðăng-ten trắng, lại bố cục dọc theo chiều cao nên cây càng trở nên thanh thoát, yêu kiều. Nếu loài cây có giới tính thì chiêu liêu tràn đầy nữ tính. Còn vòm lá trên cao, thoạt nhìn giống như một bụi đinh lăng khổng lồ, nhưng nhìn kỹ thì thấy lá giống lá mai vàng. Lá chỉ có hai màu: xanh đậm hoặc xanh non màu lá me non.

Người năm xưa cũng đã đi rồi. Sư Minh Giáp đã nằm dưới ngôi mộ ở bên trái cổng vào chùa. Trên mộ có nhà bia lục giác, cột đá mài ngói đỏ.  Nhưng dấu vết bàn tay của thầy vẫn như còn kia, trên cổng tam quan chùa cao rộng, trên mái ngôi chính điện xòe ra bốn góc đầu đao, trên cả đỉnh mái dáng hình chim phượng (chứ không phải hình rồng như nhiều ngôi chùa khác). Góc sân bên kia là tháp mộ của sư thầy Minh Thiện, người xây chùa vào năm 1959 chỉ với mục đích ban đầu là giúp cho thanh niên cơ hội trốn lính trong khi chính quyền Ngô Ðình Diệm hô hào Bắc tiến. Di vật của sư thầy là những pho tượng tự tay đắp, đến nay vẫn còn ngự trong ngôi chính điện.

Ðấy là pho tượng Phật Thích Ca ở bàn thờ phụ bên trái ban thờ chính cùng với pho tượng Di Lặc ở bàn thờ bên phải. Toàn tượng lớn, cao hơn một mét và không cần tuân thủ những tỷ lệ tạo hình gì cho lắm. Nhưng chỉ với phần thân tượng, gương mặt Phật đã tràn đầy năng lượng tinh thần của một sức sống dân gian truyền thống. Như ngài Thích Ca là một gương mặt đầy đặn tràn trề phúc hậu của người phương Nam. Còn gương mặt ngài Di Lặc, cùng với cái bụng phanh trần kia lại giống hệt một ông Ðịa rất giản dị, chân tình mà cởi mở của tâm hồn người Nam bộ.

Cây chiêu liêu.

Cụm cây chiêu liêu ở vườn chùa chắc có duyên nợ gì với các vị đây! Vì tất cả đều biểu lộ một vẻ đẹp dung dị, thanh cao mà không kém phần lộng lẫy. Tất cả đều bền bỉ, thanh xuân như sẽ còn mãi mãi với thời gian.

TRẦN VŨ