BAOTAYNINH.VN trên Google News

Di vật của dòng họ 

Cập nhật ngày: 24/01/2018 - 08:23

BTN - Đấy là một cái thùng đựng mật mía, có từ khi ấp Thanh Trung còn là vùng đất trồng mía theo tập quán của tộc họ Trương thời đi mở đất.


Chiếc thùng đựng mật mía.

Ngày cúng miếu họ Trương tại Trương tông đường ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, do người đông, bàn ghế kê san sát nên còn chưa biết; hôm sau trở lại mới được thấy một trong những di vật của các cụ họ Trương- Thanh Điền để lại. Đấy là một cái thùng đựng mật mía, có từ khi ấp Thanh Trung còn là vùng đất trồng mía theo tập quán của tộc họ Trương thời đi mở đất.

 

Gọi là thùng e chưa chính xác nên cần mô tả lại: một phần của nguyên một cây gỗ đường kính hơn 1 mét; người ta cưa lấy đoạn dài hơn 2 mét, rồi vạt đi một phần dọc thân cây làm miệng thùng. Cây gỗ được đục bỏ phần bên trong chỉ để lại lớp vỏ dày gần một tấc. Hai đầu được đóng bịt lại bằng hai mâm gỗ tròn.

Cái thùng này phải đựng được khoảng 1 tấn mật mía- nguyên liệu để chế biến ra các loại đường đem bán ở chợ. Các cụ ngày nay như Trương Văn Thới và Trương Văn Niệm kể rằng, cái thùng ấy có từ thời rất xa xưa, do ông bà sơ, cố để lại.

Nay di vật này được đặt trang trọng ở hành lang bên phải của Trương tộc miếu, cho con cháu xem mà nhớ lại một thời gian nan, khai phá rừng hoang, vỡ đất, dựng làng, lập xóm của ông bà.

Thanh Điền từng là vùng đất mía từ rất lâu đời. Cho đến nay, ông Niệm vẫn còn nhớ chuyện ông bà kể: xưa có một bà cô đi đưa cơm cho thợ làm mía ăn, bị cọp vồ ngay tại ấp Thanh Trung, mé gần rạch Tây Ninh. Tới những năm 30 của thế kỷ trước, Thanh Điền từng có những đồn điền mía và cả nhà máy đường.

Sách “30 năm làm nên sự nghiệp anh hùng” của xã Thanh Điền, được viết năm 1985 có đoạn: “Những năm 1930-1937, tên Mancois lại bán đất cho một tên Trung Quốc là “Sám Siêu”, gốc Trung Quốc, quốc tịch Tây. Cha Sám Siêu là Quách Đàm… Quách có cơ ngơi rất lớn ở Chợ Lớn. Sau khi Sám Siêu mua hãng đường Kérand… một chi nhánh của hãng đường Hiệp Hoà, một nhà máy lớn ở Đông Dương thời bấy giờ…”.

Ít ai ngờ được ông chủ người Hoa nổi tiếng giàu có, người đã từng làm chủ ngôi chợ Bình Tây lớn nhất vùng Chợ Lớn ngày xưa đã vươn cánh tay tới tận Thanh Điền. Còn thực dân Pháp, chúng không thể ngờ rằng những người phu cao su đến các đồn điền ở Bến Củi, Hiệp Thạnh những năm 1920 cùng những người nông dân Thanh Điền đã trở thành lực lượng tiền phong của đội ngũ những người làm nên cuộc cách mạng tháng Tám ở Tây Ninh chỉ khoảng hơn 10 năm sau đó (1945). Sách đã dẫn có nêu: “Có hãng đường, nông dân Thanh Điền thất nghiệp ra làm, từ đó có một số thợ cơ khí, kỹ thuật trong tỉnh…”.

Sáng ngày 25.8, họ đã kết thành đội ngũ trong đoàn quân do ông Trần Văn Mạnh- chỉ huy Việt Minh tổng Giai Hoá kéo về thị xã Tây Ninh, góp sức mình vào sự thành công của cuộc cách mạng đầu tiên tỉnh nhà.

Tại Thanh Điền ngày nay, vẫn còn giữ được nhiều khu mộ của từng dòng họ. Như gia tộc họ Lâm, vẫn nguyên vẹn ngôi mộ cổ lớn xây đá xanh, không hề suy suyển suốt trăm năm. Họ Trương ở ấp Thanh Trung cũng có riêng một nghĩa trang dòng họ.

Ngôi mộ cụ tổ Trương Thành Lang và con trai cụ là Trương Văn Túc vừa mới được tôn tạo khang trang năm 2016. Một vuông nền gạch đỏ đỡ nâng một thềm vĩnh cửu đá hoa cương. Cũng đá ấy xây nên hai ngôi mộ và tường bia trước mộ. Nổi bật những cột tròn sơn hai sắc đỏ, vàng, đỡ một mái ngói cũng tươi màu đỏ.

Nghĩa trang ở liền với khu đất có ngôi nhà thờ họ Trương Tông, rất tiện cho con cháu viếng mỗi kỳ giỗ tổ. Mặt sau bia, còn khắc hai bài thơ thất ngôn bát cú và hai đôi câu đối. Một bên: “…Sanh thành ân đức cao như núi/ Dưỡng dục cù lao tựa đất dày/ Ngọn rau tất đất luôn còn nhớ/ Cây cội nước nguồn hiếu chẳng phai…”, một bên lại: “Khai cơ dựng nghiệp tài vô lượng/ Truyền tử lưu tôn đức rạng ngần/ Tiết tháo tiền nhân gương chí thánh/ Trung kiên hậu thế bảng vi thần…”.

Nghĩa trang có mấy trăm ngôi mộ không ai nhớ cả. Nhưng tính từ năm 1850 đến nay thì cũng đã qua hơn 6 đời người. Nhiều ngôi mộ xưa bằng đá ong hay đá xanh đã lún vào trong cỏ. Những ngôi mới xây gần đây mái ngói đỏ, tường sơn hoặc ốp lát đá, men màu. Sau lưng nhiều ngôi có đề thơ thể hiện tình cảm với người đã khuất.

Nhiều đầu đề mang tên Hoài niệm mẫu thân, Hoài niệm hiền thê, hay Nhớ mẹ hiền… Lại có bài như dành cho chiến sĩ: “Lúc còn trẻ cũng một thời oanh liệt/ Nơi đạn bom khói lửa vẫn kiên cường/ Quyết xông pha trên khắp mọi chiến trường/ Giờ yên nghỉ bình yên trong lòng đất…”.

Sẽ là thiếu sót nếu chưa kể đến một khu mộ khác cũng của họ Trương ở ấp Thanh Trung. Khu mộ này ở phía sau ngôi nhà kiểu cổ mới xây của cụ Trương Văn Ràng, nằm bên phía Đông đường 786. Đấy là mộ của hai bà mà ông Tám Niệm- người coi giữ Trương tông đường, tuổi đã 70 gọi là bà cố thứ tám.

Một bia mộ ghi: Trương Thị Tứ, không rõ năm sinh, từ trần ngày 20.7 âm lịch, được thân tộc trùng tu năm 2004. Chuyện lưu truyền rằng, bà Tứ là con thứ 8 của cụ tổ Trương Thành Lang. Đấy là vào những năm giặc Pháp đã cai trị Tây Ninh. Bà Tứ năm ấy xinh đẹp nhất vùng nên một tên quan Tây làm ở kho bạc Tây Ninh đòi cưới về làm vợ.

Trong tình thế  bị ép gả, vào ngày rước dâu bằng ghe trên rạch Tây Ninh, bà cùng người chị dâu (đưa em đi) đã tự nhận chìm ghe tại đoạn rạch phía trước đình Thanh Đông. Nơi ấy còn có tên là Gò Sỏi. Bà chị dâu tên Nguyễn Thị Hưng cũng được lập mộ nơi đây, cùng với người em chồng quyết thà chết chứ không chịu sống chung với giặc. Theo lời truyền tụng, sau khi mất, hai bà rất linh thiêng.

Cứ như thế, các di vật, các câu chuyện lưu truyền vẫn tiếp tục sống cùng các thế hệ sau của dòng họ. Giống như các tấm bài vị sơn son thếp vàng vẫn lung linh sáng rỡ trên bàn thờ ở các tông đường. Những di vật và huyền thoại ấy ở Thanh Điền đã góp vào cho trang sử vàng của vùng đất quê hương thêm sắc màu lấp lánh.

TRẦN VŨ


Liên kết hữu ích