KHU DU LỊCH QUỐC GIA núi Bà Đen TỪ NAY ĐẾN NĂM 2035:

“Điểm nhấn” của trăm năm trăn trở

Nửa cuối năm 2018, đã là dấu mốc giữa nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh 2015-2020. Nhìn lại khoảng thời gian không dài ấy, người quan tâm đến thời cuộc không thể nào không công nhận rằng, quê hương Tây Ninh không chỉ bình yên, ổn định mà còn có những tín hiệu rất lạc quan của sự phát triển, mà “điểm nhấn” thu hút sự chú ý mạnh mẽ nhất là sự kiện lãnh đạo tỉnh công bố “Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia (KDLQG) núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035” vào ngày 8.10, chỉ sau hơn một tháng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1099/QĐ-TTg ngày 5.9.2018.

 

“Điểm nhấn” của trăm năm trăn trở

Gọi sự kiện công bố đồ án này là “điểm nhấn của trăm năm trăn trở” kể cũng không quá lời. Bởi lẽ ngọn núi thiêng cao gần 1.000m, cao nhất miền Nam, từ hàng trăm năm trước đã thu hút sự kính ngưỡng của người dân toàn cõi “Lục tỉnh Nam kỳ” vào mỗi dịp tết đến xuân về, kéo dài đến sau ngày Rằm tháng Giêng thành một lễ hội dân gian hằng năm.

Nhưng cho dù mỗi mùa Hội xuân Núi Bà Đen có đến hàng triệu “khách thập phương” đi trẩy hội, số khách lưu trú qua đêm tại Tây Ninh vẫn hầu như không đáng kể, trăm người chưa được một. Thực trạng này làm đau đầu nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền tỉnh, ít ra cũng từ năm 1983 cho đến nay.

Và có lẽ cũng phải nói, niềm trăn trở về ngọn núi quê hương càng day dứt hơn vào dịp tỉnh tổ chức sự kiện “180 năm - Tây Ninh hình thành và phát triển” ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ này (1836-2016).

Nhiều người còn nhớ, mùa lễ hội xuân đầu tiên trong thời bình 35 năm trước, tỉnh đã huy động tất cả các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể lên núi trước cả tháng để xây dựng các “gian hàng” phục vụ khách du xuân. Ngay cả Ban vận động thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cũng có một Quán Thơ để sẵn sàng sáng tác thơ (chủ yếu là thơ Đường luật, thể thơ “ăn khách” nhất miền Nam thời bấy giờ) tặng cho người yêu thơ.

Từ Quán Thơ vượt qua một số gộp đá to, khách hướng đến động Kim Quang, một động đá lớn từng là nơi trú đóng của Huyện uỷ Toà Thánh, tức huyện Hoà Thành cũ gồm các xã bao quanh các ngọn núi Bà, núi Phụng, núi Đất (dân gian thường gọi là núi Heo) từ phía Nam vòng qua phía Tây lên phía Bắc quần thể núi, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Từ cuộc họp mặt đầu tiên Rằm tháng Giêng âm lịch năm 1983, cho đến nay, hoạt động Họp mặt truyền thống động Kim Quang đã trở thành một lễ hội tiêu biểu không chỉ riêng của Đảng bộ huyện Toà Thánh năm xưa, huyện Hoà Thành và một phần thành phố Tây Ninh hôm nay.

Rồi từ mùa xuân ấy, lễ hội mùa xuân núi Bà Đen được duy trì liên tục suốt 35 năm qua, việc tổ chức lễ hội ngày càng bài bản hơn, với sự tham gia của các hộ kinh doanh dịch vụ, ẩm thực; đồng thời, tỉnh đã đầu tư xây dựng tuyến cáp treo đầu tiên trong cả nước đi từ chân núi đến gần chùa Bà.

Lúc bấy giờ, Công ty Du lịch tỉnh đã tổ chức hẳn một cuộc hội thảo về phát triển du lịch quy mô toàn quốc để “trao đổi kinh nghiệm”, mặc dù các công ty tỉnh bạn lúc bấy giờ cũng chưa mạnh mẽ lắm nên chỉ có thể “trao đổi” kinh nghiệm quảng bá cho nhau. Cứ như thế, dần dà, ngành du lịch tỉnh ta được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” chờ đợi được đánh thức!

“Điểm nhấn” của trăm năm trăn trở

Hồ núi đá trong khu vực Ma Thiên Lãnh.

Cho đến những năm gần đây, khi Khu du lịch núi Bà Đen trở thành khu du lịch quốc gia, tỉnh ta một lần nữa tổ chức hội thảo để mong được học tập kinh nghiệm làm du lịch của các tỉnh, thành bạn. Lúc này, có những vị khách nhiều năm trước đã từng đến Tây Ninh dự hội thảo du lịch đã phải thốt lên: “Hai lần tôi đến Tây Ninh đều thấy… y vậy, không có gì khác!” Nhận xét này rõ ràng không khác nhận định của các chuyên gia kinh tế trong, ngoài nước từng “xát muối” vào lòng cán bộ tỉnh Tây Ninh với nhận xét: ước mơ của người dân Tây Ninh là… trúng vé số (?!).

Đó là chuyện của năm đầu nhiệm kỳ X, khi mà lãnh đạo tỉnh hết sức cầu thị, không ngại mời các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong, ngoài nước đến khảo sát và…“chỉ giáo” đường đi nước bước để khơi dậy tiềm năng, tăng tốc phát triển kinh tế xã hội, trong đó có ngành “công nghiệp không khói”.

Thực ra, cũng rất may, trong khi ngành du lịch tỉnh nhà gần như chỉ loay hoay với việc “trau chuốt” khu du lịch ở đoạn đầu đường lên chùa Bà, thì chính quyền và người dân địa phương đã thầm lặng xoá dần những vết lở lói trắng phếch dưới chân núi, quanh sườn núi cao dần lên đỉnh núi bằng việc phủ xanh dần những vệt trắng nhức nhối của bom đạn chiến tranh bao nhiêu năm và cả một thời đặt cốt mìn phá đá để khai thác tài nguyên của núi.

Họ là những người dân ở vùng Toà Thánh - Long Hoa ngày trước, tức huyện Hoà Thành rồi thị xã - thành phố Tây Ninh, sau ngày giải phóng 30.4.1975, những người dân nghèo ở các xã Ninh Thạnh, Ninh Sơn phía Bắc Toà Thánh, các xã Long Thành Bắc, Trường Hoà phía Nam Toà Thánh bắt đầu lên vùng sơn cước phía Tây núi để trồng chuối sứ lấy trái và lấy cả những tàu lá xanh mướt mang về bán ở chợ Long Hoa.

Sau đó, những người dân cũng ở các xã phía Nam Toà Thánh được vận động đi xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Suối Vàng Cạn, về sau được tách ra thành hai xã Thạnh Tân, Tân Bình. Họ mày mò trồng cây mãng cầu (na), loại cây cho quả thơm ngon đặc biệt ở vùng chân núi từ rất xa xưa nhưng mỗi năm chỉ có một vụ cho trái thuận mùa.

Dần dần, họ biết cách ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để cây mãng cầu cho trái nghịch mùa, chất lượng cao, nay đã có thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Mãng cầu Bà Đen”, “Na Bà Đen” với những vườn cây trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao mở rộng khắp chung quanh núi Bà Đen, từ thành phố Tây Ninh sang huyện Dương Minh Châu.

Trong khi đó, ở những nơi gọi là “mỏ đá” ngày trước, từ khi tỉnh có chủ trương “đóng cửa mỏ”, “triệt xoá” những “nhà máy xay đá” ở nhiều nơi chung quanh núi thì những hố khai thác dần trở thành những hồ nước sát chân núi, tạo nên phong cảnh hữu tình của màu xanh vườn cây ăn trái xen lẫn rừng cây được bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

Cảnh quan núi Bà Đen lại nên thơ và thu hút ngày càng đông khách thích đi “du lịch phượt”… Tuy nhiên, đối với đại đa số du khách đến Khu DLQG núi Bà Đen vẫn là du lịch tâm linh theo mùa vụ - đi núi cúng Bà rồi về ngay trong ngày, vì ở đây vẫn chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách.

Cuối năm 2018, sau khi UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu DLQG núi Bà Đen, có rất nhiều cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương đưa tin về sự kiện này. Qua đó, người dân Tây Ninh cũng như cả nước được biết đến quan điểm phát triển du lịch bền vững của tỉnh; cũng như vị thế của khu du lịch cấp quốc gia ở Tây Ninh trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước, xứng đáng là biểu tượng của tỉnh Tây Ninh.

Đặc biệt, các báo điện tử chính thống của Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Cổng thông tin Bộ Xây dựng… đều có đưa tin này: Người viết xin trích dẫn bản tin từ Báo điện tử của Đảng để chia sẻ cùng bạn đọc niềm vui trong mùa xuân mới:

17:38 - 9.10.2018:

“Tây Ninh quy hoạch Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen hơn 2.900 ha

(ĐCSVN) - Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức công bố công khai đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh đến năm 2035.

Theo đó, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen phía Đông Bắc giáp xã Tân Hưng, huyện Tân Châu và xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, giới hạn bởi đường Khedol - Suối Đá; phía Tây Bắc giáp xã Tân Bình, giới hạn bởi đường tỉnh ĐT 785; phía Tây Nam giáp phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, giới hạn bởi đường tỉnh ĐT 784; phía Đông Nam giáp phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh và xã Phan, huyện Dương Minh Châu, giới hạn bởi đường tỉnh ĐT 790. Quy mô lập quy hoạch Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là 2.903,79 ha.

Dự báo quy mô khách đến năm 2025 khoảng 5 triệu lượt khách, đến năm 2035 là khoảng 8 triệu lượt. Trong đó, quy mô lao động đến năm 2035 khoảng 4.000 người, quy mô dân cư trong khu vực quy hoạch khoảng 4.000 dân. Đến năm 2035, quy mô đất xây dựng các khu chức năng đạt khoảng 1.000 ha.

Định hướng hình thành các không gian chức năng của khu du lịch với yêu cầu quản lý về tầng cao không quá 3 tầng, bảo đảm yêu cầu phát triển và bảo tồn của Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, phù hợp và tôn trọng điều kiện địa hình, tự nhiên của khu vực.

Các khu chức năng phục vụ du lịch gồm, khu tâm linh, di tích với quy mô khoảng 29,57 ha; khu tham quan chuyên đề, lưu trú, nghỉ dưỡng, thương mại và dịch vụ du lịch trên đỉnh núi với quy mô khoảng 88,9 ha; khu lưu trú, nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Phụng và núi Đất, quy mô khoảng 48,15 ha; các khu chức năng du lịch sinh thái quanh chân núi với quy mô 685,55 ha.

Khu vực ven chân núi phía Nam bố trí các chức năng thương mại, dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch tâm linh quần thể chùa Bà hiện hữu và là đầu mối kết nối khu tâm linh, di tích, tôn giáo với khu tham quan chuyên đề trên đỉnh núi thông qua hệ thống cáp treo hiện đại, bảo đảm lưu thông theo các hướng tuyến trong khu du lịch.

“Điểm nhấn” của trăm năm trăn trở

Quy mô toàn khu khoảng 77,05 ha, trong đó diện tích xây dựng cơ sở lưu trú chiếm khoảng 30%; mật độ xây dựng tối đa 40%; tầng cao tối đa 3 tầng. Khu vực ven chân núi phía Đông, tiếp giáp đường Khedol - Suối Đá có quy mô khoảng 389,64 ha, hình thành các công viên sinh thái theo chủ đề, như công viên các loài bướm, các loài chim; vườn thú Safari; vườn thực vật; các khu nghiên cứu môi trường và các khu thương mại, dịch vụ du lịch phục vụ các hoạt động du lịch dã ngoại. Diện tích xây dựng các hạng mục công trình phục vụ du lịch chiếm khoảng 5%.

Khu vực quanh sườn núi phía Tây Nam, quy mô 218,86 ha, bao gồm: khu nghỉ dưỡng, lưu trú trên sườn núi Phụng và núi Đất; khu làng văn hoá, vườn thảo dược và công viên sinh thái ven hồ; khu công viên chuyên đề dọc tuyến đường bộ lên đỉnh núi Bà. Bên cạnh đó còn có khu thể dục thể thao, sân golf và các dịch vụ phụ trợ kết hợp lưu trú tại khu vực Ma Thiên Lãnh với quy mô khoảng 325,25 ha…

Theo quy hoạch, việc đầu tư xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1, từ năm 2019 đến năm 2025 sẽ tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch tại các khu chức năng có không gian đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, tạo động lực phát triển đồng bộ toàn khu du lịch.

Tiếp đó, giai đoạn 2, từ sau năm 2025 đến năm 2035 sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng các khu chức năng và quản lý phát triển theo quy hoạch xây dựng được duyệt.

Được biết, trước đó Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1099/QĐ-TTg ngày 5.9.2018, phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh cho biết, việc công bố đồ án quy hoạch chung của Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là cơ sở để triển khai lập quy hoạch chi tiết cho từng khu, nhằm triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Đây là điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào Khu du lịch núi Bà Đen, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Tây Ninh.

Với vị trí cao nhất khu vực Đông Nam bộ, có lợi thế cảnh đẹp thiên nhiên của vùng phụ cận xung quanh, nơi đây có thể hình thành tuyến cáp treo mới kết nối núi Bà Đen với hồ Dầu Tiếng, trở thành những điểm nhấn độc đáo không chỉ cho Tây Ninh mà cả khu vực Đông Nam bộ. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đang khảo sát và có ý định đầu tư vào ngành du lịch Tây Ninh, trong đó có Tập đoàn Sun Group. K.V”.

N.T.H