BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mô hình tổ tự quản khu nhà trọ công nhân:

Điểm tựa cho người lao động 

Cập nhật ngày: 20/01/2018 - 05:52

BTN - Nhiều năm qua, các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút hơn 110 nghìn công nhân lao động từ khắp nơi đến sinh sống và làm việc, trong đó có không ít người phải thuê nhà trọ để ở. Đông người nên các khu nhà trọ thường tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh, trật tự. Để góp phần giúp công nhân an tâm sinh sống, mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân được thành lập.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao tặng ti vi do Thủ tướng Chính phủ gửi tặng cho Tổ tự quản công nhân khu nhà trọ.

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG TINH THẦN 

Năm 2011, theo sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Ban Thường vụ LĐLĐ huyện Trảng Bàng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức ra mắt mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân (gọi tắt Tổ tự quản) tại một số nhà trọ. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 19 tổ tự quản theo mô hình này.

Một cán bộ Ban Tuyên giáo thuộc LĐLĐ tỉnh cho biết, hằng năm, thông qua các Tổ tự quản, LĐLĐ các cấp thường tổ chức tuyên truyền, hội thi, các hoạt động cộng đồng cho công nhân tham gia. Từ đó, các Tổ tự quản từng bước đi vào nề nếp, nhận thức của công nhân ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động ở những khu nhà trọ cũng được chính quyền địa phương và chủ nhà trọ đặc biệt quan tâm.

Theo một số công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Trảng Bàng, trước đây, tình hình an ninh tại khu vực nhà trọ khá phức tạp, thường phát sinh mâu thuẫn giữa các công nhân, và cũng hay xảy ra tình trạng trộm cắp. Từ khi một số nhà trọ thành lập mô hình Tổ công nhân tự quản, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, mọi người có ý thức hơn trong việc chấp hành luật pháp và gìn giữ vệ sinh môi trường.

Thông qua việc hình thành Tổ tự quản, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng Công an, các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là tập trung phổ biến các chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến công nhân lao động như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn… Đồng thời, tăng cường việc giáo dục, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình.

Trong năm 2017, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thi tìm hiểu Bộ luật Lao động và Công đoàn dành cho công nhân tại các doanh nghiệp nước ngoài và các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, trong đó có lồng ghép các nội dung về phòng, chống tội phạm ma tuý và mua bán người; tổ chức 15 hội thi về xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, hơn 1.500 lượt công nhân tham gia. Qua đó, công nhân ý thức hơn về việc chấp hành các quy định, đồng thời cũng hiểu hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình để có cách ứng xử phù hợp.

Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, các tổ tự quản cũng tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần. Các thành viên trong tổ tự quản đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Thông qua tổ tự quản, các tổ chức Công đoàn, người sử dụng lao động và chính quyền địa phương cũng đã kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, những bức xúc của công nhân, kiến nghị với cơ quan chức năng tìm biện pháp giải quyết hiệu quả.

Theo anh Nguyễn Quốc Cường- chủ nhà trọ Ngọc Lợi, huyện Châu Thành, từ khi nhà trọ thành lập Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, tình hình an ninh khu vực ngày càng cải thiện, công nhân ở trọ thấy an tâm, tin tưởng vào chính quyền địa phương và nhà trọ hơn. Trước đây, LĐLĐ các cấp đã trang bị cho tổ 1 ti vi và tủ sách pháp luật, bố trí tại hành lang nhà trọ, nhằm khuyến khích mọi người xem tin tức, thời sự hay các chương trình giải trí bổ ích, tạo sự cởi mở, giữa công nhân lao động. Thời gian tới, anh Cường sẽ tiếp tục duy trì mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân.

VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Tuy nhiên, hiện hoạt động mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân vẫn còn nhiều hạn chế. Thành viên của Ban điều hành Tổ tự quản thường xuyên bị thay đổi khiến cho việc quản lý không thực sự thuận lợi.

Ngoài ra, cũng còn một số chủ nhà trọ chưa nhận thức đầy đủ về mô hình này, chưa có sự quan tâm đến đời sống của công nhân, nên thường né tránh hoặc chưa đồng ý thành lập mô hình. Cụ thể như huyện Châu Thành, hiện tại chỉ có 1 Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân (nhà trọ Ngọc Lợi, xã Thanh Điền) còn tiếp tục hoạt động. Đây cũng là khu nhà trọ được huyện chọn thí điểm để thực hiện mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, nhưng vẫn chưa nhân rộng được.

Cái khó là Ban điều hành các Tổ tự quản khu nhà trọ đa phần là công nhân, trình độ và năng lực có phần hạn chế; hầu hết công nhân đi làm liên tục, rất bận rộn, không có thời gian tham gia các hội thi hay hoạt động tập thể tại nhà trọ… Do vậy, việc tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh cùng Công đoàn các huyện, thành phố tiếp tục duy trì mô hình;  tổ chức thành lập và nhân rộng mô hình khu nhà trọ có tổ tự quản trên toàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Trước mắt, vào dịp Tết Nguyên đán năm 2018, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp cùng các ngành tổ chức chăm lo tết cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có công nhân ở các khu nhà trọ, như thực hiện chương trình tết sum vầy cho công nhân không có điều kiện về quê ăn tết, hỗ trợ vé xe cho các công nhân lao động về quê đón tết.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI


Liên kết hữu ích