Kinh tế   Nông thôn mới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

10 NĂM XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:

Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc

Cập nhật ngày: 28/08/2019 - 13:08

BTN - Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XD NTM), diện mạo nông thôn huyện Trảng Bàng ngày càng khởi sắc. Tính đến nay, bình quân các xã trên địa bàn huyện đạt 15,8/19 tiêu chí, tăng 11,3 tiêu chí so với năm 2010. Trong đó có 5 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm 50% số xã của huyện.

Cánh đồng trồng dứa ở Trảng Bàng.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo XDNTM huyện luôn coi trọng công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị và sâu rộng trong nhân dân. Người dân rất tích cực đóng công, góp sức, hiến đất, phá bỏ cây trái, vật kiến trúc để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện thực hiện nhiều việc làm thiết thực, chung sức cùng xã, ấp thực hiện XDNTM. Từ năm 2010-2019, đã huy động được 835,998 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ trên 14 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 29 tỷ đồng, vốn tín dụng 430,28 tỷ đồng, còn lại vốn ngân sách Nhà nước.

10 năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ sửa chữa 92 căn nhà và xây mới 308 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc các cấp sửa chữa và xây mới 1.307 căn nhà đại đoàn kết cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, từ Quỹ “Vì người nghèo”, với số tiền trên 56 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn nhà tạm bợ dột nát, 10/10 xã đạt tiêu chí về nhà ở.

Phong trào làm đường giao thông nông thôn ở một số nơi như An Tịnh, An Hoà, Lộc Hưng, Gia Bình, Gia Lộc... hay làm cầu ở xã Phước Chỉ, Phước Lưu, Bình Thạnh phát triển mạnh. Nhà nước đầu tư tráng nhựa, bê tông và sỏi đỏ 79 tuyến đường. UBND các xã vận động các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp, rải đá 0-4, sỏi đỏ, giặm vá, khai quang lập nền hạ 600 công trình đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 468 km, xây mới 31 cây cầu, 27 công trình “chiếu sáng đường quê”... với tổng số tiền huy động trên 43 tỷ đồng.

Trảng Bàng là huyện nông nghiệp, thuỷ lợi được coi là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất,  huyện tập trung nguồn lực đầu tư bê tông hoá 32 công trình. Đến nay, tất cả các xã đều đạt tiêu chí thuỷ lợi, bảo đảm nước tưới, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp.

Huyện đang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là đầu tư và phát triển các cây trồng vật nuôi chủ lực và có lợi thế của huyện, như: lúa, bắp, rau các loại, gia cầm, heo, bò sữa. Về trồng trọt từng bước chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây trồng đặc sản, như dưa lưới trong nhà màng, chuối xuất khẩu, hoa lan, rau rừng... với tổng diện tích gần 900 ha.

Diện tích cây trồng hằng năm của huyện từ hơn 46.500 ha đến gần 50.000 ha, luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Năng suất, chất lượng các loại cây trồng từng bước được nâng cao. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 130,5 triệu đồng/ha/năm (tăng 24,28% so với năm 2015). UBND huyện đã làm việc và thoả thuận với nhà máy chế biến xây dựng vùng nguyên liệu trồng cây ăn trái và rau rừng... đến năm 2021, với diện tích 980 ha.

Ngành chăn nuôi có bước chuyển biến mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại. Đáng chú ý, nhiều năm qua, Trảng Bàng vẫn luôn được duy trì và phát triển đàn bò sữa. Toàn huyện có hơn 4.700 con bò sữa, tăng 14,6% so với năm 2015. Nhờ nuôi bò sữa, nhiều hộ dân có thu nhập cao. Đến nay, có 5/10 xã đạt tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người.

Nhiều chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm cũng được triển khai đồng bộ, cải thiện đời sống hộ nghèo. Hiện toàn huyện chỉ còn 0,81% hộ nghèo và 0,96% hộ cận nghèo; 10/10 đạt tiêu chí về hộ nghèo.

Huyện tiếp tục duy trì, giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở. 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 88,5%. Các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng được quan tâm. Các điểm đen về môi trường, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được kiểm tra và xử lý kịp thời. Hiện tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,2%; tỷ lệ hộ dân nông thôn có 3 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, chiếm 82,73%...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số hạn chế, đáng lưu ý như tiêu chí tăng thêm hằng năm còn chậm; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động tại các xã, có nơi chưa thực hiện tốt. Một số tiêu chí chưa ổn định. Một số địa phương tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phát triển văn hoá, cải thiện môi trường...

Từ những kết quả đạt được, huyện phấn đấu đến năm 2020 duy trì và nâng cao chất lượng theo quy định 5 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (An Tịnh, An Hoà, Lộc Hưng, Gia Lộc, Bình Thạnh); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt 55 triệu đồng/người/năm; bình quân tiêu chí đạt được trên toàn huyện 17,5 tiêu chí/xã; phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 1 xã biên giới)... Thời gian tới, phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

TẤN ĐẠT