Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

VIẾT CHO KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ thông QUỐC GIA NĂM 2019:

Điều quan trọng nhất là phản ánh trung thực kết quả bài làm

Cập nhật ngày: 19/05/2019 - 18:44

BTN - Còn khoảng 45 ngày nữa, hàng trăm ngàn học sinh cuối cấp THPT sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia, giai đoạn sau cùng của bậc học phổ thông. Vào thời điểm này, một vấn đề- hay nói giản dị hơn, câu chuyện được phụ huynh, học sinh và những người làm trong ngành Giáo dục quan tâm là tính công bằng, khách quan của kỳ thi. Ðiều đó bắt nguồn từ vụ gian lận điểm thi tại một số địa phương gây rúng động dư luận xã hội. Cho đến thời điểm này, vụ gian lận điểm thi này đã xảy ra gần 1 năm nhưng chưa được xử lý xong. Hiện tại, đã có 17 người bị bắt giam, phần lớn trong số đó là cán bộ quản lý ngành Giáo dục, giáo viên. Vụ gian lận điểm thi tuy xảy ra ở một số địa phương nhưng lại làm ảnh hưởng đến thí sinh trong cả nước, vì đây là kỳ thi chung do Bộ GD-ÐT tổ chức. Càng đến gần ngày thi THPT quốc gia 2019, cán bộ, giáo viên trong ngành càng băn khoăn, liệu kỳ thi năm nay có xảy ra những điều tương tự như kỳ thi năm trước hay không?

“Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận xét là phân quyền quản lý trong kỳ thi hiện nay không hợp lý. Tôi thấy cách thi này chứa đựng rất nhiều rủi ro. Bộ thì lo các sở làm thế nào, tôi làm giám đốc sở thì tôi lại lo không biết các điểm thi trên địa bàn mình làm thế nào. Tiềm ẩn rủi ro rất cao. Bộ thì lo những điểm thi ở cách xa trung tâm, ở Tây Bắc, Tây Nguyên...

Tôi thì lo những điểm thi cách sở 50 - 70km, không biết đêm hôm thế nào, từ bảo quản đề, bảo quản bài như thế nào..., mỗi lần như thế lại... “lên một cơn đau tim” vì nó quá nhiều nguy hiểm. Tiềm ẩn rủi ro kinh khủng. Mỗi lần Bộ cải tiến để làm kỳ thi tốt hơn thì dưới sở GD-ÐT như tôi lại cứ phải lo rất nhiều việc khác kèm theo.

Phân quyền không hợp lý ở chỗ áp lực dồn về địa phương quá nặng. Tôi cũng nói luôn là những kiểu như Hoà Bình, Sơn La... có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi đã từng khẳng định với lãnh đạo tỉnh là tôi kiên quyết không làm chứ không phải tôi không làm được. Hiện nay, chúng tôi đang được giao làm thay quá nhiều. Những nơi mà người ta cố tình lợi dụng kẽ hở thì người ta coi đây là sự may mắn”- phát biểu nêu trên là của ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ÐT Hà Tĩnh được Báo Thanh Niên dẫn lại hôm 24.4.

Từ khi vụ tiêu cực thi cử bị lôi ra ánh sáng, có vô số ý kiến phát biểu, bày tỏ quan điểm về vấn đề thi cử, nhưng phát biểu của ông giám đốc sở nêu trên có thể là ý kiến thật nhất, chính xác nhất, lột tả được rủi ro của kỳ thi THPT. Trong phát biểu nêu trên có một điều rất quan trọng, “tôi kiên quyết không làm (tiêu cực - PV) chứ không phải không làm được”. 

Ðây là một sự thừa nhận thẳng thắn nhất, chứng minh rằng, khi kỳ thi được tổ chức tại địa phương, chính quyền sở tại hoàn toàn có thể tác động, thậm chí “lũng đoạn” nếu họ muốn làm. Không phải bây giờ, cách nay phải hơn 10 năm, nếu chúng tôi nhớ không nhầm thì năm 2007, một tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nước đã ra sức hô hào, kêu gọi gộp hai kỳ thi làm một.

Tại thời điểm đó, nhiều người nói rằng, kỳ thi hai trong một có thể gây thảm hoạ về độ tin cậy. Sau nhiều lần cân nhắc, năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia (kết hợp thi tốt nghiệp THPT với xét tuyển đại học) được Bộ GD-ÐT triển khai thực hiện. Ðến hôm nay, không còn nghi ngờ gì nữa, lo ngại của những người thật sự am hiểu nội tình của ngành Giáo dục đã thành sự thật.

“Bộ GD-ÐT đã sửa đổi, bổ sung nhiều giải pháp kỹ thuật để bịt lỗ hổng nhưng tôi cho rằng, điều đó chỉ mang tính cơ học. Kỳ thi có khách quan, công bằng hay không là do nhân tố con người chứ không phải quyết định bởi công cụ”- hiệu trưởng một trường THPT ở Tây Ninh nói. Theo vị hiệu trưởng, các giải pháp kỹ thuật như lắp máy ghi hình, mã hoá bài thi trắc nghiệm, giao trường đại học chấm thi bài thi trắc nghiệm… đều chỉ là vấn đề của kỹ thuật. Con người hoàn toàn có thể can thiệp để làm sai lệch kết quả, vấn đề là họ có làm hay không.

“Tôi cho rằng, vụ tiêu cực điểm thi được xử lý quá chậm, kỳ thi năm 2019 đã cận kề nhưng đến giờ vẫn chưa xử lý xong kỳ thi năm 2018. Giáo viên, học sinh cuối cấp ở trường chúng tôi cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo âu về tính trung thực, công bằng của kỳ thi. Tôi chỉ biết nói với học sinh rằng, nhiệm vụ của các em là gắng học cho tốt”- một vị hiệu trưởng khác phát biểu. Cũng như người đồng nhiệm, vị hiệu trưởng bày tỏ quan điểm, với những gì đang có, sự trung thực, khách quan của kỳ thi hoàn toàn phụ thuộc vào con người chứ không phải giải pháp kỹ thuật, vì “những rào chắn đó do những người có chức trách dựng nên và dù tinh vi đến đâu cũng vẫn còn kẽ hở”- người này nói.

Liên quan đến việc buộc các thí sinh được nâng điểm phải thôi học dù sau khi trừ đi số điểm thi được “cho, tặng, biếu” vẫn đủ điểm học đại học, các nhà quản lý giáo dục đề nghị sửa đổi, bổ sung quy chế thi THPT quốc gia năm 2019. Theo nhóm ý kiến này, nếu để nguyên quy chế như hiện tại, các trường đại học không thể đuổi học những thí sinh nhờ gian lận điểm thi mà trúng tuyển.

Thực ra, nếu đọc kỹ quy chế thi sẽ thấy, quy định kỷ luật thí sinh vi phạm quy chế đã có nhưng không hiểu vì lý do gì, Bộ GD-ÐT, các trường đại học không áp dụng để buộc thôi học số thí sinh gian lận. Quy định tại khoản D, mục 1 Ðiều 48 về xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi ghi rõ phải “buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có các hành vi sai phạm như sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm”.

Mục 5, Ðiều 49 về xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi cũng quy định: “Huỷ bỏ kết quả thi đối với những thí sinh để người khác thi thay hoặc sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài”. Như vậy, hoàn toàn có đủ cơ sở để đuổi học những thí sinh được nâng điểm.

Dẫn ra những điều như trên để thấy rằng, các giải pháp kỹ thuật, quy chế thi không phải là nguồn gốc gây ra tiêu cực, cũng không phải là giải pháp để giải quyết các tiêu cực đó. Bản chất của câu chuyện nằm ở chỗ, kỳ thi THPT quốc gia thiếu cơ sở khoa học, thiếu thực tế, dù mục đích của kỳ thi là tốt.

Trước năm học 2015-2016, việc thi đại học chưa bao giờ được tổ chức tại địa phương. Việc đưa kỳ thi THPT quốc gia về thi tại địa phương… rõ ràng là một quyết định liều lĩnh. Bộ GD-ÐT, trên danh nghĩa là đơn vị đứng ra tổ chức kỳ thi này, nhưng thực tế lại hoàn toàn phân cấp phân quyền cho từng tỉnh, thành phố thực hiện. Bộ không hề giám sát được kỳ thi do chính mình tổ chức. Các thông tin, dữ liệu ngày một lộ ra cho thấy, kỳ thi này đã bị nhiều địa phương can thiệp, làm sai lệch kết quả nhiều năm chứ không chỉ mới đây, song Bộ GD-ÐT không hề biết.

Thậm chí, sau kỳ thi 2018, dư luận lại được nghe điệp khúc “kỳ thi diễn ra an toàn, nhẹ nhàng, nghiêm túc, đúng quy chế”. Nhiều tờ báo còn nhanh nhảu cử phóng viên lên tận những nơi thâm sơn cùng cốc để viết bài về những thí sinh đạt danh hiệu thủ khoa nhờ gian lận! Bản chất của vụ việc nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo làm rõ.

Tuy nhiên, vụ việc ấy lại được phát hiện bởi một nhóm giáo viên ở Hà Nội, khi thấy điểm thi một số địa phương cao bất thường. Nhóm giáo viên này đã phân tích và chỉ ra vô số những điều “không tin được dù đó là sự thật” của kỳ thi THPT 2018. Phi vụ gian lận điểm thi “bể hụi” kể từ đó.

Không một hình thức, phương thức tổ chức thi nào có ưu điểm hoàn toàn tuyệt đối. Kỳ thi THPT được tổ chức tại các địa phương cũng có nhiều ưu điểm (đã đề cập nhiều lần, xin không nhắc lại). Nhưng điều quan trọng nhất của kỳ thi là khách quan, công bằng, bảo đảm phản ánh trung thực kết quả bài làm của thí sinh thì kỳ thi chưa đạt được. Chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra. Ðiều mà xã hội, đặc biệt là hàng triệu thí sinh mong chờ là sự công bằng của kỳ thi, đừng để tái diễn câu chuyện “ai cũng công bằng nhưng có một nhóm công bằng hơn”.

VIỆT ÐÔNG

Từ khóa
Hoà BìnhSơn La