BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dịp tết, cần đề phòng dịch bệnh thuỷ đậu 

Cập nhật ngày: 22/01/2018 - 06:20

BTN - Bệnh thuỷ đậu là loại bệnh dễ lây nhiễm, vì thế, để bảo vệ sức khoẻ cho người thân và cộng đồng, người nhà bệnh nhân nên rửa tay sạch sẽ sau khi chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Người bệnh cũng cần được cách ly tốt để tránh lây lan bệnh cho mọi người xung quanh.

Bệnh thuỷ đậu thường gặp nhiều nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 - 7 tuổi (Ảnh minh hoạ).

Báo cáo tổng hợp của Trung tâm Y tế dự phòng Tây Ninh cho thấy, trong 173 ca mắc bệnh thuỷ đậu (có nhập viện điều trị tại các trung tâm y tế) trong năm 2017, số ca tăng đột biến vào thời điểm 6 tháng đầu năm, đặc biệt trong tháng 2, 3, 4 và 5.

Điều đó cho thấy, bệnh thuỷ đậu xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất vào mùa Đông Xuân (khoảng cuối năm dương lịch đến sau tết cổ truyền). Đây là thời điểm thời tiết giao mùa, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, lây lan, đặc biệt là bệnh thuỷ đậu.

Bệnh thuỷ đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ, do virus Varicella zoster (VZV) gây ra. Chúng có thể lan nhanh trong không khí khi người ta ho, hắt hơi hay nói chuyện. Ngay trong thời kỳ ủ bệnh, tức là ở giai đoạn trước khi có hồng ban xuất hiện, mầm bệnh đã có thể lây từ người này sang người khác.

Hoặc khi những mụn nước đã vỡ ra, đóng vảy rồi thì bệnh vẫn có thể lây nhiễm qua tiếp xúc gần gũi. Tỷ lệ mắc bệnh cao thường ở các khu vực đô thị, nơi đông người như khu dân cư, khu công nghiệp, trường học... Đó thường là nơi bệnh dễ lây lan thành dịch.

Vì vậy khi phát hiện có người bệnh, cần cách ly họ ít nhất 10 ngày để tránh tạo thành ổ dịch. Bệnh thuỷ đậu có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên, độ tuổi mắc nhiều nhất là từ 2 đến 7 tuổi, phần lớn là trẻ chưa được tiêm phòng thuỷ đậu, ít khi gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Bệnh thuỷ đậu thường có thời gian ủ bệnh trung bình từ 14 - 15 ngày mới phát bệnh. Dấu hiệu nhận biết bệnh thuỷ đậu dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh cảm cúm thông thường như sốt nhẹ, biếng ăn, đau mỏi các khớp… Với trẻ nhỏ, nhiều trường hợp trẻ nhiễm bệnh vẫn ăn uống, vui chơi bình thường, làm cho người lớn không để ý, chỉ khi các nốt ban đỏ, mụn nước mọc lên thì mới biết.

Các nốt đậu mọc rất nhanh và mọc làm nhiều đợt cách nhau 2 đến 3 ngày, do đó, ở cùng một vùng da có thể gặp đủ loại nốt đậu khác nhau. Nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, nốt đậu sẽ làm mủ, sưng to và rất ngứa, làm trẻ gãi trầy da, để lại sẹo sâu, có khi gây rổ mặt. 

Bác sĩ Huỳnh Văn Đệ- Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, bệnh thuỷ đậu là một trong những loại dịch bệnh nguy hiểm và phát triển mạnh vào dịp cuối năm. Bệnh nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như bội nhiễm vùng da, viêm phổi, biến chứng về thần kinh,…

Đặc biệt là phụ nữ mang thai, khi mắc phải bệnh trong thời gian thai kỳ, sẽ khiến thai nhi bị dị dạng hoặc dị tật. Một biến chứng muộn thường gặp của bệnh thuỷ đậu là bệnh Zona (dân gian gọi là “giời leo”). Đây là một dạng tái phát muộn sau nhiều năm của bệnh trái rạ. Bệnh Zona cũng có những biến chứng nguy hiểm như đau thần kinh, loét giác mạc, mù mắt…

Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu bệnh, cần nhanh chóng bôi thuốc trên các mụn nước chưa vỡ hay đã vỡ bằng dung dịch sát khuẩn, hồ tetracyclin. Thông thường, người bệnh sẽ được bác sĩ kê toa thuốc hạ sốt, dùng thêm vitamin B1, các thuốc an thần khi cần thiết. Bệnh nhân cần được vệ sinh da sạch sẽ để chống bội nhiễm vùng da và nâng cao thể trạng bằng cách ăn nhiều sữa, nhiều chất đạm, uống nhiều nước và bổ sung vitamin C bằng các loại quả như cam, chanh, xoài...

Bác sĩ Đệ cho biết thêm, bệnh thuỷ đậu có thể phòng tránh được bằng cách tiêm ngừa vắc-xin. Người dân có thể đến các bệnh viện sản nhi, trung tâm y tế dự phòng thành phố, quận, huyện để được các bác sĩ chuyên môn tư vấn, tiêm ngừa bệnh thuỷ đậu.

Ngày nay, với sự phát triển của ngành Y tế và các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân đã nhận biết được dấu hiệu của bệnh và thường đến các trung tâm y tế để điều trị khi có dấu hiệu phát bệnh. Nhờ vậy, trong thời gian gần đây, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa có ca mắc bệnh thuỷ đậu nào bị bội nhiễm vùng da do chữa trị bằng phương pháp dân gian như tắm thuốc đông y, kiêng gió, tránh tiếp xúc với nước.

Bệnh thuỷ đậu là loại bệnh dễ lây nhiễm, vì thế, để bảo vệ sức khoẻ cho người thân và cộng đồng, người nhà bệnh nhân nên rửa tay sạch sẽ sau khi chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Người bệnh cũng cần được cách ly tốt để tránh lây lan bệnh cho mọi người xung quanh.

Ngọc Bích

Từ khóa
Ngọc Bích