BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH đơn vị Tây Ninh: Lấy ý kiến đối với dự án Luật du lịch sửa đổi 

Cập nhật ngày: 20/04/2017 - 10:30

BTNO - Chiều 19.4, đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật du lịch (sửa đổi).

Ông Nguyễn Hoàng Nam- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 3 về khái niệm đi du lịch cho cụ thể hơn. Ông Nam cũng đề nghị, bổ sung Điều 52 về các loại cơ sở lưu trú đối với khách du lịch.

Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị.

Bà Phùng Thị Dâu- Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp cho rằng không nên quy định thế nào là đô thị du lịch như trong dự án luật, vì Luật Xây dựng không có điều khoản nào đề cập khái niệm đô thị du lịch.

Về quy định nếu hướng dẫn viên du lịch vi phạm trong quá trình thực hiện hướng dẫn du khách thì sẽ công bố công khai, bà Dâu đề nghị cần quy định rõ, công khai thì công khai ở đâu, ai công khai, nếu không cẩn thận thì sẽ dẫn đến việc áp dụng luật một cách tùy tiện.

Đối với vấn đề bảo vệ môi trường, có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các công ty du lịch trong việc thu gom rác, bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Ông Lê Anh Tuấn- Trưởng ban Kinh tế  Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, cần hiểu du lịch là một hoạt động kinh tế chứ không phải một hoạt động văn hóa thuần túy. Theo ông Tuấn, trong dự án luật sửa đổi còn nhiều nội dung chung chung, mơ hồ, ví dụ Điều 5 – chính sách phát triển du lịch thiếu cụ thể; dự án luật sửa đổi còn nặng tính hành chính.

Liên quan hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận điểm du lịch (Điều 23), ông Tuấn cho rằng việc này để cho hiệp hội du lịch làm, sau đó Nhà nước xem xét công nhận.

Theo đại diện Sở GT-VT, từ Điều 48 đến Điều 51 của dự án Luật (liên quan đến lĩnh vực giao thông- vận tải) đang có sự trùng lặp, chồng chéo với một số quy định hiện hành, cần xem xét lại.

Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh trao đổi lại với đại biểu về một số vấn đề được nêu ra tại buổi góp ý cho dự án Luật. Trong đó, quy định cấm các hành vi lợi dụng du lịch ra nước ngoài để làm chuyện “sai trái” đang có những bất cập, khó thực hiện do luật pháp ở từng quốc gia không giống nhau. Ví dụ, du khách nữ ra nước ngoài du lịch nhưng lại lợi dụng để bán dâm trong thời gian đi du lịch. Trong khi đó, một số quốc gia khu vực Đông Nam Á không cấm phụ nữ bán dâm ở khu “đèn đỏ”.

Đ.V.T