BAOTAYNINH.VN trên Google News

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI HOA XÃ AN CƠ (CHÂU THÀNH):

Đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế 

Cập nhật ngày: 17/11/2019 - 22:55

BTN - Người Hoa luôn có ý thức gìn giữ mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ. Khi đến vùng đất mới lập nghiệp, người Hoa sinh sống tập trung, bao bọc, giúp đỡ nhau làm ăn và giữ gìn truyền thống văn hoá của dân tộc mình.

Tiệm phụ tùng xe máy của gia đình ông Đỗ Văn Húa.

Cộng đồng người Hoa sống tập trung dọc tỉnh lộ 788, thuộc địa bàn ấp Vịnh, xã An Cơ, huyện Châu Thành hiện có trên 10 hộ với gần 60 nhân khẩu. Với sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó, cộng đồng người Hoa vươn lên làm giàu và ngày càng có nhiều đóng góp trong các hoạt động ở địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, từ Campuchia, cộng đồng người Hoa di cư về ấp Vịnh, xã An Cơ sinh sống. Những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, hầu hết đều rất khó khăn, không có đất sản xuất, không thông thạo tiếng Việt. Các hộ gia đình người Hoa chủ yếu kiếm sống bằng nghề buôn bán, dịch vụ, như: sửa chữa xe đạp, bán củi, gạo, than, hàng tạp hoá ở chợ, thậm chí chở hàng trên xe đạp đi bán rong khắp các huyện lân cận.

Trong quá trình sinh sống, người Hoa học tiếng Việt để giao tiếp và sống hoà đồng với người dân bản địa. Chị Phùng Thị Mum- đại diện một hộ người Hoa ở ấp Vịnh, xã An Cơ cho biết, hơn 40 năm qua, cộng đồng người Hoa luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chí thú làm ăn, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều gia đình tích luỹ vốn qua nhiều năm đã mở được tiệm lớn, mua thêm đất đai xây dựng nhà cửa khang trang và có đất rẫy trồng cao su. Đến nay, người Hoa ở ấp Vịnh không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 70%.

Dọc tỉnh lộ 788 thuộc địa bàn ấp Vịnh, xã An Cơ, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, những tiệm kinh doanh vàng, điện thoại di động, tạp hoá, cơ khí… của người Hoa mọc lên đã làm thay đổi diện mạo khu trung tâm xã. Nổi bật như hộ ông Lương Văn Hên đầu tư cho các con hai tiệm tạp hoá lớn, một tiệm vàng và có trên 20 ha cao su trong thời kỳ lấy mủ.

Ông Đoàn Văn Rện mở một cơ sở vật liệu xây dựng, một cơ sở cơ khí cho các con để sửa chữa máy cày, kéo... phục vụ bà con sản xuất nông nghiệp và có hơn 8 ha cao su trong thời kỳ thu hoạch. Hộ ông Trần Văn Nhàn là hội viên Cựu chiến binh đã thành lập doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng Thanh Nhàn...

Khi đời sống khá giả, cộng đồng người Hoa đóng góp tích cực vào công tác bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương như ủng hộ tiền xây dựng đường giao thông nông thôn, lắp đặt camera, thắp sáng đường quê, hỗ trợ học bổng khuyến học, giúp đỡ hộ nghèo…

Điển hình như gia đình ông Lương Văn Hên đã xây tặng 2 căn nhà đại đoàn kết, giúp đỡ nhiều hộ nghèo vươn lên, ủng hộ hàng chục triệu đồng xây dựng NTM. Gia đình ông Đỗ Văn Húa tặng hàng trăm suất quà cho hộ nghèo và được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2018.

Còn chị Phùng Thị Mum hằng năm trích một phần lợi nhuận từ buôn bán và vận động thêm nhiều người thân, bạn bè trong cộng đồng người Hoa ủng hộ hàng chục triệu đồng để mua sắm quần áo, giày dép, sách vở, quà tặng cho trẻ em nghèo, hộ nghèo cũng như ủng hộ địa phương xây dựng nông thôn mới.

Ông Đỗ Văn Húa cho biết: “Chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn nên rất thấu hiểu và chia sẻ với người nghèo. Khi thấy hoàn cảnh khó khăn, lúc có nhiều tôi cho nhiều, lúc có ít tôi cho ít. Đó cũng là truyền thống của người Hoa, luôn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ người nghèo với phương châm Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, bà con dòng họ và gia đình đóng góp”.

Người Hoa luôn có ý thức gìn giữ mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ. Khi đến vùng đất mới lập nghiệp, người Hoa sinh sống tập trung, bao bọc, giúp đỡ nhau làm ăn và giữ gìn truyền thống văn hoá của dân tộc mình. “Hễ gia đình nào có việc là mọi người trong cộng đồng người Hoa đều xúm tay giúp đỡ đến lúc xong việc. Chung tay xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư, hiện nay, cộng đồng người Hoa không còn tình trạng thách cưới, không tổ chức ăn uống dài ngày, không tảo hôn, việc tang cũng được tổ chức rất gọn nhẹ, văn minh và không có người vi phạm pháp luật”- chị Phùng Thị Mum cho biết.

Phương Thuý