BAOTAYNINH.VN trên Google News

Doanh nghiệp kiếm được 100 đồng, chi 10 đồng phí bôi trơn 

Cập nhật ngày: 17/05/2017 - 12:02

Doanh nghiệp phản ánh muốn được việc khi làm các thủ tục hành chính, họ vẫn phải trả chi phí không chính thức.

Sửa 4.500 thủ tục sau một năm Thủ tướng gặp doanh nghiệp / Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh việc thanh tra doanh nghiệp 6-7 lần một năm

Bản báo cáo dài hơn 40 trang đánh giá về một năm thực hiện Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ vừa được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn thiện một ngày trước thềm Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp lần thứ hai.

Dù phần lớn kiến nghị của doanh nghiệp được các Bộ, ngành ghi nhận, tháo gỡ, song thực tế môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều nút thắt, là nỗi ám ảnh với doanh nghiệp. Một trong số đó là chi phí không chính thức doanh nghiệp phải trả rất lớn.

Dẫn lại kết quả nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, báo cáo của VCCI cho hay, trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận phải trả loại phí bôi trơn khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện. 

"Có 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm 2014-2016 cho biết, các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước", báo cáo nêu.

Dù môi trường kinh doanh được cải thiện nhưng vẫn còn những nút thắt thể chế cần tháo gỡ, tạo lực cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh hoạ

Ngoài chuyện phải trả thêm tiền để được việc, doanh nghiệp Việt cũng đang phải chịu nhiều khoản chi phí khác khiến họ kiệt quệ nguồn lực kinh doanh. Đơn cử, chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Ví dụ phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp ba lần so với phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra còn có những phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển.

Chính những nút thắt trên khiến lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể chiếm khoảng một nửa trong số thành lập mới (năm 2016 có 11.000 doanh nghiệp lập mới). Thực chất, VCCI đánh giá, quy mô doanh nghiệp không có nhiều cải thiện, số lao động trung bình trên một doanh nghiệp dao động khoảng 30 người, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chí doanh nghiệp nhỏ (dưới 50 lao động).

"3 năm liền (2014 - 2016) doanh nghiệp trong nước liên tục bị lép vế so với khối ngoại và xuống dốc trên cả phương diện, là nhập siêu, tỷ trọng kim ngạch xuất teo tóp dần và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước thấp hơn mức tăng chung", bản báo cáo gửi Chính phủ nêu thực tế.

Kể từ Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, đã có nhiều chính sách tháo gỡ về thể chế, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp được đưa ra trong một năm qua. Cụ thể trên 1.098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước và đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77,4%. 

Các kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết chủ yếu là các kiến nghị chung về môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi pháp luật, cơ chế chính sách đang được các bộ ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.

Báo cáo của VCCI cũng cho hay, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Sự yếu kém về quản trị cũng làm cho doanh nghiệp Việt Nam “chậm lớn”, đông về số lượng, nhưng yếu kém về chất lượng.

Việc Việt Nam mới có khoảng 700 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán và với việc áp dụng các thực tiễn tốt về quản trị công ty ở mức rất hạn chế so với ASEAN 4 đang là một thách thức lớn để các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được niềm tin đối với các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh của mình và phát triển thương hiệu.

Nguyên nhân của những hạn chế trong phát triển doanh nghiệp như đã nêu trên, theo VCCI, có thể xuất phát từ sự yếu kém trong phát triển của các thị trường: thị trường các yếu tố (đất đai, lao động, công nghệ, tài chính) và thị trường hàng hóa (hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa công nghiệp).

Tập hợp của VCCI cũng cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra một lần một năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Có doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí trên 10 đoàn chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.

Bên cạnh việc nhiều bộ ngành, địa phương triển khai sớm, hiệu quả, quyết liệt, vẫn còn một số bộ ngành, địa phương chậm triển khai thực hiện Nghị quyết 35, hoặc triển khai nghị quyết mang tính chất hình thức.

“Điều này dẫn tới tình trạng “nóng trên” nhưng “lạnh dưới” làm giảm hiệu quả và tác động của nghị quyết tới môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp một cách kịp thời”, VCCI nhận xét.

Điển hình như, trên thực tế vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có trình độ, năng lực còn hạn chế; tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu còn diễn ra, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Nghị quyết 35/2016 khi vừa ra đời đã được coi là một trong những công cụ hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia và hoạt động trên các thị trường này một cách hiệu quả. Tuy nhiên với thời gian một năm thực hiện, vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra kết luận chính xác về tác động của nó tới kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cuộc gặp gỡ Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ hai được tổ chức vào ngày 17/5, cộng đồng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng những nút thắt về thể chế, môi trường kinh doanh... sẽ được lãnh đạo Chính phủ cởi trói hơn để chỉ đạo sẽ "không là lời nói suông mà là hành động thực tế".

Nguồn VNExpress