BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thị trường Nông sản sạch:

Doanh nghiệp và người dân chưa “đồng điệu” 

Cập nhật ngày: 07/01/2019 - 06:09

BTN - Saigon Co.op đã từng tư vấn, với mong muốn giúp người sản xuất có được sản phẩm cung ứng cho nhà bán lẻ này với số lượng lớn nhưng người dân vẫn không mấy mặn mà. Chính vì vậy, hiệu quả của việc liên kết với Saigon Co.op chưa đạt như mong muốn.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Co.opMart Tân Châu.

Thời gian gần đây, thị trường sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông sản sạch xuất hiện những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn khá nhiều vấn đề tồn tại ở khâu sản xuất lẫn tiêu thụ. Nông sản vào kênh Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) ít ỏi về sản lượng và chủng loại. Saigon Co.op đã từng tư vấn, với mong muốn giúp người sản xuất có được sản phẩm cung ứng cho nhà bán lẻ này với số lượng lớn nhưng người dân vẫn không mấy mặn mà.

Chính vì vậy, hiệu quả của việc liên kết với Saigon Co.op chưa đạt như mong muốn. Hiện nay, các đơn vị cung cấp sản phẩm nông nghiệp còn nhỏ lẻ, “nhỏ giọt” và không ổn định. Có những lúc, doanh nghiệp có nhu cầu, người cung cấp lại không có sản phẩm để cung ứng.

Quá ít sản phẩm nông nghiệp vào siêu thị

Tại kỳ họp, Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Sở đã ký kết thoả thuận hợp tác trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau, quả, thịt bò, thịt heo, trứng… với Saigon Co.op.

Theo lời ông Trong, dù đã có thoả thuận hợp tác, nhưng thời gian qua, các đơn vị sản xuất chưa bảo đảm về lượng lẫn chất, nên sản phẩm vào siêu thị còn ít ỏi. Cụ thể, chỉ có một phần sản phẩm cây ăn trái, thịt heo và trứng được vào Saigon Co.op, còn lại chưa liên kết được, vì muốn vào siêu thị, các sản phẩm bắt buộc phải có chứng nhận VietGAP.

Ông Võ Đức Trong cho biết thêm, năm 2018, ngành Nông nghiệp đã chứng nhận VietGAP trên cây rau và cây ăn trái gần 400 ha. Riêng chăn nuôi có 120 trại, trong đó có 40 trại được chứng nhận VietGAHP.

Bà Nguyễn Thị Đặng Hạnh- Giám đốc siêu thị Co.opMart Tân Châu cho biết, các sản phẩm nông nghiệp bày bán tại siêu thị đa phần đến từ các tỉnh, thành khác. Còn sản phẩm địa phương tại siêu thị rất hạn chế, khoảng 3 tấn thịt heo/tháng, 365kg thịt bò/tháng và một ít mật ong. Huyện đang phát triển cây bưởi da xanh, đây cũng là mặt hàng cây ăn trái đầu tiên được vào siêu thị, nhưng với số lượng không đáng kể- chỉ 200kg/tháng, và do Co.opMart Tân Châu tự đứng ra thu mua với mong muốn tạo điều kiện quảng bá sản phẩm của địa phương.

Vấn đề là ở chỗ, sức mua bưởi da xanh ở siêu thị khá hạn chế, vì người tiêu dùng quen mua ở tận vườn, tươi ngon hơn so với siêu thị. Hơn nữa, giá cả đầu vào mà nhà vườn cung ứng cao hơn hoặc bằng giá nhà vườn bán lẻ, nên tại siêu thị, bưởi được bán ra với giá khoảng 66.000 đồng/kg, càng không hấp dẫn người tiêu dùng.

Bà Hạnh cho rằng, Saigon Co.op luôn có chủ trương tạo điều kiện cho sản phẩm địa phương vào siêu thị. Co.opMart Tân Châu đã nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng huyện để tuyên truyền, vận động các đơn vị sản xuất trên địa bàn áp dụng phương pháp sản xuất sạch, tạo ra sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị sản xuất vẫn không đáp ứng được yêu cầu của hệ thống Saigon Co.op về chứng từ, giấy tờ pháp lý.

Theo HTX sản xuất rau an toàn Long Mỹ (xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành), trước đây, nông sản của HTX vào siêu thị Co.opMart Tây Ninh, các thành viên trong HTX sản xuất ổn định và thuận lợi hơn. Khoảng cách từ HTX đến siêu thị không xa nên rau, củ quả tươi, được khách hàng tin dùng. Hằng ngày, siêu thị đặt hàng các thành viên thu hoạch và nhập theo quy trình.

Tuy nhiên, nông sản do HTX sản xuất đưa được vào siêu thị chỉ khoảng 40-60kg/ngày, như: rau dền, rau muống, rau cải, cà chua, dưa leo, khổ qua, bí đao, mướp... Số lượng lớn nông sản còn lại, HTX vẫn phải đưa ra chợ bán.

Người trồng chưa thấy tầm quan trọng của nông sản sạch

Theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 22 trang trại trồng rau trong nhà màng với tổng diện tích trên 60.000m2, chủ yếu là dưa lưới, dưa lê, rau cải các loại, dưa leo… Có 17 cơ sở rau an toàn được chứng nhận VietGAP, với diện tích trên 69 ha; có 7 điểm được hỗ trợ chứng nhận VietGAP (Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Hoà Thành và TP. Tây Ninh); đang triển khai thực hiện chứng nhận 12 vùng với diện tích 155 ha. Đối với cây ăn trái, tỉnh đang tập trung thực hiện chương trình hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 10 vùng sản xuất với tổng diện tích là 330 ha.

Hiện nay, tỉnh đã hình thành 13 mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng, gắn với ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, nông nghiệp sạch được chú trọng đầu tư phát triển, sản phẩm nông nghiệp ngày càng đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.op Tây Ninh cho biết, từ trước đến nay, tại siêu thị vẫn có những sản phẩm của tỉnh như: nước tương, bún, mãng cầu, thịt heo, đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Co.opMart Tây Ninh chưa tiếp nhận thêm những sản phẩm nào mới, đặc biệt là nông sản. Theo ông Bảo, sở dĩ những mặt hàng nông sản không vào siêu thị, có lý do là người sản xuất ngại tiếp xúc cơ quan chức năng để hoàn thành các thủ tục liên quan chứng nhận rau an toàn, hay cao hơn là VietGAP.

“Đối với người nông dân, sản xuất ra sản phẩm miễn có người mua là được, mặc kệ giá cả và đầu ra như thế nào, hơn nữa, họ chưa thấy được tầm quan trọng của việc sản xuất rau an toàn, hay VietGAP”, ông Bảo nhận xét. Theo ông Bảo, có rất nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh đến Co.opMart Tây Ninh đặt vấn đề cung cấp sản phẩm; siêu thị cũng đã tư vấn rất cụ thể và rõ ràng theo chủ trương của Saigon Co.op rằng, các đơn vị sản xuất phải đáp ứng yêu cầu đầu vào như: sản phẩm có chứng nhận an toàn, bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất hoá học; hay cao hơn phải có chứng nhận VietGAP, và phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục liên quan. Thế nhưng, sau khi được tư vấn, họ ra về và “biến mất”.

Ông Bảo đề nghị, các đơn vị sản xuất phải liên kết lại với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã để có người đứng đầu hướng dẫn nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường và quy trình thấp nhất là an toàn, cao cấp hơn là VietGAP, GobalGAP… có như vậy, sản phẩm mới cung ứng cho người tiêu dùng với số lượng lớn khi đưa vào siêu thị.

Bà Trần Thị Sửa- chủ vườn bưởi da xanh rộng 8 ha, với 2.000 gốc bưởi đều được chứng nhận VietGAP tại thị trấn huyện Tân Châu cho biết, ai hiểu được tầm quan trọng của việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mới mong muốn có chứng nhận để bảo đảm cho sản phẩm của mình có thị trường ổn định. Ngoài việc cung ứng cho siêu thị Co.opMart Tân Châu, sản phẩm bưởi da xanh của gia đình bà còn cung ứng cho một số doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh với giá cả ổn định, khoảng 50.000 đồng/kg.

Theo bà Sửa, việc sản xuất độc lập không liên kết cũng là một hạn chế lớn. Sản phẩm bưởi da xanh của gia đình đã được chào hàng tại trung tâm thương mại Vincom Tây Ninh và đạt chuẩn cung ứng cho người tiêu dùng, nhưng do sản xuất nhỏ lẻ nên gia đình không có đủ số lượng cung ứng cho đơn vị này khoảng 20 -30 tấn/tháng.

Bà Nguyễn Thị Đặng Hạnh nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 6 siêu thị Co.opMart, nhưng sản phẩm của tỉnh vào hệ thống siêu thị này có số lượng không đáng kể, dù Saigon Co.op luôn chỉ đạo giám đốc các siêu thị hoạt động trên địa bàn tỉnh phải ưu tiên và mở rộng cửa cho các sản phẩm tại địa phương. Theo bà Đặng Hạnh, địa phương cần phải đẩy mạnh việc vận động, tuyên truyền lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp sạch, đạt chuẩn VietGAP, có đủ hồ sơ pháp lý để nông sản có hướng đi bền vững hơn.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát các sản phẩm nông sản trên địa bàn. Sau đó, Sở phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp tổ chức sản xuất và áp dụng kỹ thuật sản xuất theo các tiêu chuẩn, cấp giấy chứng nhận để đưa nông sản vào siêu thị.

Thanh Nhi


 
Liên kết hữu ích