Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Doanh nhân trẻ khởi nghiệp bằng thực phẩm sạch 

Cập nhật ngày: 27/01/2020 - 16:56

BTN - Trước khi khởi nghiệp, anh Đặng Khánh Duy (sinh năm 1988) chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Tân Nhiên (xã Trường Đông, huyện Hoà Thành) trăn trở rất nhiều.

Bắt đầu từ sự trăn trở

Bánh tráng là đặc sản của Tây Ninh, nhưng phải làm sao để sản xuất với quy trình khép kín, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có sự khác biệt với những chiếc bánh tráng truyền thống, khắc phục được nhược điểm giòn, khi ăn phải nhúng nước. Anh tìm hiểu, học hỏi từ nhiều người và mạng internet với mong muốn góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu của bánh tráng Tây Ninh.

Trăn trở trước sức khoẻ người tiêu dùng, nhiều doanh nhân trẻ chọn việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch để khởi nghiệp. Họ mang “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đối đầu với những rủi ro, thất bại, và bước đầu gặt hái thành công…

Năm 2018, ý tưởng khởi nghiệp với bánh tráng sạch được anh Duy hiện thực hoá. Nguyên liệu mà anh Duy lựa chọn để sản xuất bánh tráng là bột mì rấm, muối và không sử dụng chất bảo quản. Bằng công nghệ sản xuất hiện đại, khép kín từ khâu nấu bột, tráng bánh đến sấy bánh bằng lò hồng ngoại, anh Duy đã cho ra đời những chiếc bánh tráng với ưu điểm vừa mềm, vừa mỏng và không phải nhúng nước trước khi ăn.

Công nhân đóng gói bánh tráng tại cơ sở sản xuất bánh tráng Tân Nhiên.

Mặc dù vậy, bánh tráng của anh Duy lại bị thương lái và người tiêu dùng chê vì bánh có màu đục, không đẹp mắt. Anh thử nhiều cách, có khi phải huỷ cả lô bánh tráng. Không nản lòng, dần dần anh cũng tìm ra được công thức riêng để làm ra những chiếc bánh tráng vừa đẹp mắt, vừa an toàn. Sau khoảng 3 tháng, người tiêu dùng bắt đầu tin tưởng bánh tráng anh làm ra, sản lượng tăng dần, anh bắt đầu mở rộng mạng lưới kinh doanh, phân phối bánh tráng thông qua các mối quen biết, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.

Trung bình mỗi tháng anh cung cấp ra thị trường khoảng 50 tấn sản phẩm. Bánh tráng của anh có mặt hầu hết ở các tỉnh trên cả nước. Với những nỗ lực không mệt mỏi, Đặng Khánh Duy là một trong hai doanh nhân trẻ tiêu biểu của tỉnh Tây Ninh được đề cử nhận danh hiệu doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2019, do Trung ương hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng.

Anh Nguyễn Văn Nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thực phẩm cho mọi nhà kiểm tra vườn dưa lưới.

Kỹ sư quy hoạch giao thông làm “thực phẩm cho mọi nhà”

Là kỹ sư quy hoạch hạ tầng giao thông, có việc làm khá ổn định tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng với trăn trở mang nông sản sạch đến cho mọi nhà, anh Nguyễn Văn Nghiệp (sinh năm 1989) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã “Thực phẩm cho mọi nhà” quyết định nghỉ việc, khởi nghiệp với một ngành nghề hoàn toàn “ngược tay”.

Năm 2016, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Nghiệp trở về Tây Ninh kinh doanh thực phẩm, gồm các loại rau, củ, quả, cá, thịt heo, thịt bò, gà... Điều đầu tiên anh Nghiệp hướng tới là việc đem những sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng. Không ngại khó, ngại khổ, anh Nghiệp đã tìm đến những thành viên trong Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Long Mỹ để liên kết sản xuất, bao tiêu những sản phẩm rau an toàn, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết với người dân trong chăn nuôi, cung cấp sản phẩm thịt heo, cá, thịt bò theo hướng an toàn sinh học để cung cấp cho thị trường.

Khi mới chuyển hướng sang kinh doanh, anh Nghiệp gặp khá nhiều khó khăn, nhưng anh luôn tự nhủ, dù có thế nào cũng phải đứng dậy sau những thất bại để tìm đến con đường thành công.

Nhân viên tại Hợp tác xã Thực phẩm cho mọi nhà kiểm tra hàng hoá trước khi giao cho khách hàng.

Anh Nghiệp chia sẻ: “Mình cũng từng thử kinh doanh rất nhiều thứ. Tuy nhiên, khi kinh doanh thực phẩm thì nó như một cái duyên, và thấy nó có tiềm năng vì đó chính là nhu cầu hằng ngày của mọi người. Thực tế, nhu cầu thực phẩm sạch của người dân vô cùng lớn, thị trường còn rộng, quan trọng là bạn có đủ quyết tâm để làm hay không? Và khi kinh doanh thực phẩm sạch, cần nhất là cái tâm”.

Theo anh Nghiệp, để có được nguồn thực phẩm tươi ngon, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, hợp tác xã sẽ nhận hàng hoá từ các xã viên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm phải có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực phẩm sau khi nhập về sẽ được sơ chế, lưu mẫu tại kho, đóng gói và vận chuyển đến các trường theo thực đơn hằng ngày. 

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Nghiệp cười tươi cho biết, anh và các cộng sự đặt mục tiêu sẽ cung cấp thực phẩm sạch ngày càng rộng khắp hơn cho các bếp ăn tập thể, các hộ gia đình và mở các cửa hàng nhượng quyền không thu phí nhượng quyền để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thực phẩm sạch, và nông dân cũng tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Hợp tác xã “Thực phẩm cho mọi nhà” là nhà phân phối thực phẩm chính cho hơn 70 trường học và các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh.

Vũ Nguyệt