BAOTAYNINH.VN trên Google News

Độc đáo nghệ thuật chèo thuyền Bát Nhã 

Cập nhật ngày: 11/05/2017 - 17:10

BTNO - Trong tôn giáo Cao Đài, chèo thuyền Bát Nhã, gọi tắt chèo thuyền là một nghi thức đưa các chơn hồn có đầy đủ công đức vượt qua bể khổ, thoát khỏi luân hồi, đến nơi “thiêng liêng hằng sống” hay còn gọi là cực lạc niết bàn.

Chèo thuyền được các thành viên trong Ban Tổng trạo Toà thánh đảm nhiệm. Một đội gồm: Tổng Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương, Tổng Khậu và 12 bá trạo (đảm nhiệm việc chèo thuyền).

Chèo thuyền diễn ra khi có một vị chức sắc trong đạo quy vị (chèo tại Khách Đình hoặc Báo Ân Từ) hay khi an vị, khánh thành tại thánh thất, điện thờ Phật Mẫu ở các họ đạo. Ngoài ra, mỗi năm vào ngày 16 tháng Giêng còn có buổi chèo thuyền hội tại Khách Đình và Báo Ân Từ cho tất cả chơn linh nương thuyền Bát Nhã về miền cực lạc. Đây vừa là nghi thức trang trọng của đạo vừa là một một nét văn hoá, nghệ thuật độc đáo có sức hấp dẫn mọi người.

Hiện nay, Ban Tổng trạo có khoảng 32 vị Tổng. Trong đó, một vài người đã tuổi cao sức yếu và nhiều người khác đã bước vào tuổi 50, 60. Để đào tạo thế hệ trẻ nối tiếp, tháng 7.2016, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh cho mở khoá đào tạo các vị Tổng. Có 24 học viên đăng ký khoá học này. Sau hai năm tập luyện, nếu các học viên kết hợp hài hoà cả 3 yếu tố: sắc (dáng vóc, sắc diện), thinh (giọng hát, âm nhạc) và bộ (điệu bộ) thì sẽ vượt qua khoa thi, chính thức trở thành “Tổng”.  

Đây là khoá đào tạo thứ 2 từ sau năm 1975 (khoá đầu tiên được mở vào năm 1989).

Bá trạo cũng phải chỉn chu.

Hoá trang chuẩn bị trước giờ hành lễ.

Trang phục phải nghiêm chỉnh.

Một buổi chèo thuyền tại Báo Ân Từ.

Ba anh em Tổng Lái (mặt đen), Tổng Mũi (mặt trắng) và Tổng Thương (mặt đỏ) cùng đội bá trạo làm lễ trước khi chèo thuyền.

Bá trạo là những trẻ em có độ tuổi từ 6-12.

Thế hệ đi trước truyền nghề cho lớp kế thừa.

Ngọc Diêu