BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dịch vụ chăm sóc mai:

Đôi bên cùng được lợi 

Cập nhật ngày: 03/01/2017 - 15:50

BTN - Có chậu mai nở đẹp trong mấy ngày tết ở nhà thì ai cũng thích, nhưng để ở nhà quanh năm thì thật bất tiện, nhất là những nhà ở đô thị không có không gian rộng rãi và chủ nhà bận bịu việc mưu sinh không có thời gian, điều kiện chăm sóc. Thế là xã hội phát sinh dịch vụ chăm sóc mai để người làm nghề này vừa có thu nhập, vừa giúp cho những người thích yêu hoa mai có chỗ gửi chăm sóc mai. Thật là đôi bên cùng có lợi.

Ông Huỳnh Văn Thông (bên phải) trao đổi với khách hàng về cách chăm sóc mai.

Thường trong ba ngày tết cổ truyền, ai cũng muốn có một vài chậu mai vàng khoe sắc đặt trong nhà, để vừa trang trí tạo vẻ mỹ quan, vừa cầu mong quanh năm được may mắn. Có chậu mai nở đẹp trong mấy ngày tết ở nhà thì ai cũng thích, nhưng để ở nhà quanh năm thì thật bất tiện, nhất là những nhà ở đô thị không có không gian rộng rãi và chủ nhà bận bịu việc mưu sinh không có thời gian, điều kiện chăm sóc. Thế là xã hội phát sinh dịch vụ chăm sóc mai để người làm nghề này vừa có thu nhập, vừa giúp cho những người thích yêu hoa mai có chỗ gửi chăm sóc mai. Thật là đôi bên cùng có lợi.

Thầy giáo Nguyễn Duy Khang, ở thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu) cho biết, đã từ lâu rồi thầy rất thích chơi mai. Nhất là trong ba ngày tết có được một cặp mai vàng đang nở rộ đặt trong nhà thì ăn tết cảm thấy vui vẻ, đầm ấm và sung túc hơn. Nhưng nhà thầy ở mặt tiền trung tâm Thị trấn, không gian hẹp, không có chỗ đặt mấy chậu mai. Vả lại, thầy cũng ít có thời gian rảnh để chăm sóc.

Từ đó đã nhiều năm qua, thầy Khang mua một cặp mai gửi cho cơ sở dịch vụ chăm sóc. Hằng năm, cứ vào khoảng 27-28 tết thầy cho chở cặp mai về nhà. Khi qua tết, thầy lại cho chở mai đến điểm dịch vụ chăm sóc. Giá cả chăm sóc cũng phù hợp túi tiền. Tuỳ loại, cây nhỏ thì 300.000 đồng/năm, cây lớn 500.000 đồng/năm. Đến cuối năm khi nhận mai về nhà thầy Khang mới trả thù lao cho người chăm sóc.

Ông Lâm Thanh Phước (sinh năm 1967), nhà ở khu phố Thanh Bình B, thị trấn Gò Dầu cho biết, ông có 4 chậu mai, nhưng khuôn viên nhà hẹp, quanh năm lại bận công việc mua bán, nên từ lâu ông đã gửi 4 chậu mai cho dịch vụ chăm sóc, với giá 500.000 đồng/cây/năm. Cứ tết đến là ông cho chở mai về nhà, qua tết chở đến điểm dịch vụ chăm sóc. Nhờ có dịch vụ chăm sóc mai mà ông không phải lo tìm chỗ gửi mai, cũng không mất công chăm sóc; không phải đi tìm mua mai về chưng trong nhà mỗi khi tết đến.

Không chỉ có thầy Khang, ông Phước nêu trên, mà còn nhiều hộ dân khác ở thị trấn Gò Dầu không phải chăm sóc mai, hoặc mỗi năm khi tết đến phải chạy tìm mua mai, mà vẫn có mai đặt trong nhà ba ngày tết, nhờ có dịch vụ chăm sóc mai.

Cơ sở chăm sóc mai ở thị trấn Gò Dầu là hộ ông Huỳnh Văn Thông (Tư Thông- sinh năm 1953), ngụ ô 1, khu phố Thanh Hà. Ông Thông rất thích mai. Trước kia, gia đình ông có trồng 5 chậu mai. Thấy ông chăm sóc mai tươi tốt, nở rộ đúng vào dịp tết, nhà ông lại còn khoảng đất trống xung quanh nhà, nên lúc đầu có một vài người thân quen gửi ông vài chậu mai chăm sóc giúp. Từ đó nhiều người biết và đem mai đến gửi chăm sóc, thế là nhà ông thành điểm dịch vụ chăm sóc mai.

Hiện nay, ông Tư Thông nhận chăm sóc khoảng 300 chậu mai của hơn 50 khách hàng là cư dân thị trấn Gò Dầu. Tuỳ theo cây lớn nhỏ mà ông nhận giá chăm sóc khác nhau. Thấp nhất là 200.000 đồng, còn cao nhất là 700.000 đồng/cây/năm. Đến ngày cận tết, khi giao mai cho khách hàng đem về nhà ông mới nhận tiền công chăm sóc. Nếu mai sống, nở hoa thì nhận tiền, mai bị chết ông không phải đền, nhưng mai bị mất là ông phải đền cho khách hàng.

Với giá chăm sóc như trên, nếu trừ tiền phân bón, thuốc phun xịt, điện nước, tiền thuê người lặt lá mai cho mai mở hoa đúng vào mấy ngày tết, tiền công còn lại của ông trên mỗi cây mai cũng không nhiều. Nhưng được lợi là ông nhận chăm sóc nhiều cây mai. Hằng năm cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Ông Tư Thông cho biết thêm, khó khăn của người trồng và chăm sóc mai là cây mai thường bị bệnh nấm hồng và bọ trĩ. Vì vậy, người chăm sóc mai phải thường xuyên chăm sóc, quan sát cây mai, nếu có biểu hiện bệnh nấm hồng là phải kịp thời phun xịt thuốc.

Cây mai trồng ngoài trời, chịu tác động thời tiết rất lớn. Năm nào thời tiết thuận lợi, mai trổ đều, đúng vào mấy ngày tết, sau khi giao hết cho khách hàng, ông thu được đủ tiền công nhận chăm sóc mai. Còn năm nào thời tiết bất lợi, một số cây mai trổ bông quá sớm, hoặc quá muộn sau tết, không giao trả lại cho khách hàng được thì ông bị thất thu.

N.H