BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đời công nhân- Còn lắm khó khăn 

Cập nhật ngày: 13/05/2019 - 14:01

BTN - Mức thu nhập thấp, giá cả sinh hoạt lại leo thang, họ lẩn quẩn trong vòng quay đi làm, tăng ca, ngủ, thức dậy rồi đi làm, mà không có điều kiện vui chơi giải trí, hay nâng cao trình độ.

Công nhân nữ làm việc tại một công ty.

Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều công nhân lao động đời sống kinh tế rất khó khăn.Mức thu nhập thấp, giá cả sinh hoạt lại leo thang, họ lẩn quẩn trong vòng quay đi làm, tăng ca, ngủ, thức dậy rồi đi làm, mà không có điều kiện vui chơi giải trí, hay nâng cao trình độ.

Khó trăm bề

Hơn 8 giờ tối, chị Nguyễn Kim Loan (công nhân Khu công nghiệp Phước Đông) mới tan ca trở về phòng trọ. Mệt mỏi, chị Loan nằm luôn trên nền nhà nghỉ mệt. Chị Loan từ Long An sang Tây Ninh làm công nhân cũng được 2 năm, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không đủ sống. Mỗi tháng, chị Loan phải cố tiết kiệm chi tiêu để có tiền gửi về quê nuôi cha mẹ già và đứa con nhỏ.

Chị Loan than phiền, hằng tháng, chị phải chi khoảng 900.000 đồng để trả tiền thuê phòng trọ. Nhưng tháng này, chủ nhà trọ thông báo tăng giá phòng, giá điện. Không chỉ vậy, chị còn phải đóng thêm các khoản phí khác như tiền nước, tiền rác. Thành ra, tháng này chị phải đóng tiền trọ lên đến 1.050.000 đồng. Theo chị Loan, dù số tiền tăng lên không nhiều nhưng với công nhân lao động như chị là một nỗi lo.

Những tuần qua, thời tiết nóng bức, những dãy nhà trọ chật hẹp, ngột ngạt, mái lợp tôn, thiếu ánh sáng, thiếu gió khiến những căn phòng càng thêm nóng. Sau một đêm làm việc vất vả, trở về phòng trọ nóng bức, anh Nguyễn Văn Sáng (công nhân Khu công nghiệp Phước Đông) vẫn không thể chợp mắt. Anh nói, mấy ngày qua trời nóng không chịu nổi.

Giữa trưa, càng nóng hơn, ở trong phòng mà cứ như lò lửa. Dãy trọ này cũng không có sân, hay cây cối, anh chỉ biết ở trong phòng chịu trận. Do không có giấc ngủ ngon, anh thường đi làm trong trạng thái mệt mỏi, thiếu sức sống. Anh Sáng cho biết, tháng này do nắng nóng phải bắt máy quạt liên tục nên số ký điện tăng nhiều hơn các tháng khác. Đã vậy, chủ trọ còn thông báo tăng giá tiền điện từ 2.000 đồng lên 2.500 đồng/kW. Do đó, anh phải chi thêm một khoản không nhỏ cho việc đóng tiền điện.

Em Lê Thị Lan, một công nhân trẻ Khu công nghiệp Chà Là tâm sự: “Em đã 5 năm đi làm công nhân. Hằng ngày, em từ nhà trọ đến công ty làm rồi ngược lại, không đi chơi đâu hết. Đi làm về mệt, em phải ngủ sớm mai có sức đi làm. Với lại, em cũng không biết đi chơi ở đâu, giải trí của em là chơi game điện thoại. Còn vào những ngày được nghỉ lễ, em thường trở về nhà thăm gia đình và tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức trở lại lao động”.

Không chỉ riêng chị Loan, anh Sáng hay Lan, nhiều công nhân có thu nhập thấp nên không dám nghĩ đến việc chăm lo đời sống tinh thần hiện tại, nói chi đến tương lai.

Anh Nguyễn Hoài Nam, công nhân Khu công nghiệp Trảng Bàng cho biết: “Đi làm công nhân bây giờ rất nhiều áp lực, phải làm việc liên tục, nặng nhọc, mắc phải lỗi nhỏ cũng bị lập biên bản, trừ tiền hoặc buộc nghỉ việc”. Đó là một trong những nguyên do khiến anh Nam “nhảy việc” thường xuyên. Ở cái tuổi 35, anh Nam đã làm ở 5 công ty khác nhau. Anh Nam cho rằng, không thể làm công nhân mãi được vì không có tương lai. Hiện nay, việc sa thải công nhân độ tuổi 35-40 tuổi ở các khu công nghiệp xảy ra rất nhiều, khiến anh rất lo lắng.

Chị Phan Thị Nga, công nhân Khu công nghiệp Phước Đông than thở: “Phụ nữ đi làm công nhân đã vất vả, phụ nữ mang thai đi làm càng cực khổ nhiều hơn”. Chị Nga đang mang thai ở tháng thứ 5, nhưng thời gian làm việc không khác những người bình thường. Do tính chất công việc chị đang làm khá nặng nhọc, không có việc nhẹ nhàng ưu tiên cho phụ nữ khi mang thai. Chị Nga vẫn làm 12 tiếng, phải làm cả ca đêm, đứng suốt từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng. Vì thế, chị thường xuyên bị ngất xỉu. Mặc dù vậy, chị Nga vẫn phải làm tốt công việc bởi không làm sẽ bị mất việc, không được hưởng đủ các chế độ khi sinh con.

Cần biết tự bảo vệ

Một trong những mối lo hàng đầu của công nhân lao động hiện nay là vấn đề chế độ, chính sách việc làm, bị mất việc làm hay bất ngờ bị sa thải. Thế nhưng, phần lớn công nhân lao động còn thiếu hiểu biết về pháp luật, chưa chủ động bảo vệ quyền lợi của bản thân nên chịu nhiều thiệt thòi.

Vừa qua, chị N.T.H đã tìm đến Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn Lao động tỉnh) để được tư vấn. Chị H cho biết, trong thời gian chị xin nghỉ phép, chị đã bị công ty cho thôi việc luôn mà không thông báo trước. Chị không biết việc công ty làm như thế là đúng hay sai quy định của pháp luật nên đã tìm đến văn phòng để được tư vấn. Sau khi nghe chị H trình bày, ông Nguyễn Văn Nho- Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã trao đổi, thu thập các thông tin để có thể tư vấn chính xác cho chị H. Thông qua buổi tư vấn này, chị H mới biết công ty đã chấm dứt hợp đồng với chị sai quy định.

Ông Nguyễn Văn Nho cho biết, chị H là một trong hàng trăm trường hợp công nhân lao động tìm đến văn phòng để được tư vấn pháp luật miễn phí. Và cũng như chị H, đa số công nhân đều ít hiểu biết về Luật Lao động. Do tính chất công việc, công nhân lao động ít có thời gian tìm hiểu về pháp luật, nên nhận thức, am hiểu về pháp luật còn hạn chế. Nhiều công nhân cũng chưa thật sự quan tâm, chủ động tìm hiểu luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Do vậy, khi có mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tranh chấp lao động kéo dài, quyền lợi chính đáng của công nhân lao động chưa được bảo đảm.

Thời gian qua, công nhân lao động thường tìm đến Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh để được tư vấn các nội dung về chế độ việc làm, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, tiền lương, trợ cấp thôi việc, tai nạn lao động… Ngoài tư vấn pháp luật cho công nhân lao động, Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh còn tham gia giải quyết tranh chấp lao động, giúp công nhân lao động khiếu nại, khởi kiện.

Theo ông Nho, thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, nhận thức của công nhân lao động về pháp luật dần được nâng cao. Nhiều công nhân lao động chủ động tìm hiểu, cập nhật những vấn đề liên quan đến pháp luật lao động để bảo vệ quyền lợi của mình. Họ tìm đến văn phòng để được tư vấn, hỗ trợ về pháp luật. Nhờ đó, nhiều vụ giải quyết tranh chấp lao động xảy ra được giải quyết kịp thời, quyền lợi của người lao động được bảo đảm.

Công nhân làm việc tại một công ty .

Năm 2018, văn phòng tư vấn trực tiếp 163 vụ, 189 người lao động và 8 tập thể; tư vấn bằng văn bản 15 trường hợp và 508 cuộc tư vấn qua điện thoại với các nội dung về pháp luật lao động và Công đoàn, các luật có liên quan đến người lao động. Qua tư vấn, giúp người lao động làm 73 đơn khiếu nại đến chủ doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; giúp 16 công nhân lao động khởi kiện chủ doanh nghiệp tại Toà án.

Kết quả, đã có 3 người lao động được nhận trở lại làm việc; 92 người lao động được chi trả trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tai nạn lao động, tiền thưởng, thai sản, phụ cấp độc hại với số tiền trên 269 triệu đồng; hỗ trợ, đại diện 12 người lao động khởi kiện tại Toà án (1 người lao động bị tai nạn lao động, 9 người bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động 2 người bị kỷ luật lao động sa thải). Qua xem xét, Toà án hoà giải thành 5 vụ, đưa ra xét xử 7 vụ. Kết quả, Toà án chấp nhận yêu cầu của 12 người lao động, buộc các công ty chi trả chế độ và bồi thường với số tiền 610 triệu đồng.

Trang bị các kiến thức về pháp luật lao động, đặc biệt những vấn đề liên quan đến việc làm, lao động, BHXH, chế độ tiền lương, chế độ thai sản… giúp ích cho người lao động rất nhiều trong cuộc sống và công việc. Do đó, hơn ai hết, người lao động cần phải biết nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng sống để có thể chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

THẾ ANH