Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đổi mới giáo dục phổ thông phải đồng bộ về chương trình, giáo viên và quản lý 

Cập nhật ngày: 21/09/2017 - 12:59

Đổi mới giáo dục phổ thông với những vấn đề đặt ra như: đổi mới bắt đầu từ đâu, cần chú trọng những vấn đề gì đang là yêu cầu cấp thiết không chỉ của ngành giáo dục. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (Ủy ban) Phan Thanh Bình xung quanh vấn đề đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

Học sinh tiểu học trong ngày khai giảng (Ảnh: DUY LINH).

Phóng viên: Giáo dục phổ thông hiện nay đang có quá nhiều vấn đề cần đổi mới. Tuy nhiên, nếu đưa ra tất cả mọi việc để thực hiện đổi mới sẽ dẫn đến dàn trải, rối, gây hoang mang cho xã hội. Theo ông cần có những trọng tâm, trọng điểm nào cho đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay?

Ông Phan Thanh Bình: Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã nêu ra nhiều vấn đề đổi mới trong giáo dục. Theo chúng tôi có ba vấn đề cần đặt ra đó là: Chương trình, đội ngũ và công tác quản lý.

Thứ nhất về chương trình giáo dục phổ thông đặt ra vấn đề chúng ta muốn cái gì. Hiện nay, chúng ta xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, lấy lý tưởng là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là mục tiêu cuối cùng, nhưng khi đi vào đối với học sinh cần cụ thể là cái gì thì phải nhìn lại để đổi mới cho phù hợp.

Thứ hai, về đội ngũ giáo viên trong đổi mới xác định về yêu cầu về tố chất, chuyên môn, chế độ chính sách,...đối với người thầy ra sao; hệ thống các trường sư phạm ra sao.

Thứ ba, là quản lý giáo dục cần triển khai như thế nào cho hiệu quả.

Thực sự mà nói giáo dục là khoa học về con người, con người là tổng hòa các mối quan hệ, do đó, giáo dục cũng thể hiện tất cả các mối quan hệ và thực trạng xã hội vào trong giáo dục, nó không thể tách ra cơ học cái này trước, cái kia trước mà phải làm đồng bộ một số việc.

Chúng tôi đánh giá cần làm đồng bộ vấn đề về chương trình, đội ngũ thầy cô và vấn đề quản lý.

Phóng viên: Một trong ba vấn đề được ông nêu lên là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đang được triển khai. Vậy, theo ông cần quan tâm đến những vấn đề gì khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông?

Ông Phan Thanh Bình: Có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ở đây cần nói về cái chung, đặt ra vấn đề là chúng ta muốn đào tạo ra cái gì.

Dạy và học tổ hợp tích hợp thì như thế nào? Rồi vấn đề cụ thể và tổng thể, vấn đề cứng và mềm, cứng là yêu cầu của nhà nước, và mềm là anh bổ sung thêm cái gì cho phù hợp với địa phương.

Đây là những nội dung cần đặt ra để cùng trao đổi với nhau. Từ đó, chúng ta mới đặt ra vấn đề nữa là cơ sở vật chất, điều kiện để thực hiện như thế nào. Hiện nay, tôi lấy ví dụ, trong chương trình mới là hướng tới dạy hai buổi/ngày thì có mâu thuẫn là nơi có điều kiện thì không đủ lớp mà nơi không có điều kiện thì không có học trò.

Ở vùng cao không thiếu lớp nhưng không đủ học trò, tại thành phố thì mở lớp hằng năm mà vẫn không đủ. Hay ví dụ một nội dung phù hợp giáo dục vùng cao thì gắn với những nội dung giáo dục toàn quốc ra sao?

Phóng viên: Trong đổi mới giáo dục phổ thông, đội ngũ giáo viên được coi là một trong những yếu tố quyết định. Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về đội ngũ giáo viên. Có ý kiến cho rằng năng lực đội ngũ hiện nay còn hạn chế; lại có ý kiến cho rằng cơ chế, chính sách liên quan đến giáo viên hiện chưa tốt, tạo quá nhiều áp lực lên giáo viên. Theo ông, cần xây dựng đội ngũ nhà giáo sao cho đáp ứng yêu cầu đổi mới?

Ông Phan Thanh Bình: Về đội ngũ, cần xác định làm thầy phải có tố chất người thấy chứ không phải ai cũng có thể đứng trên bục giảng, đặc biệt là đối với giáo viên phổ thông.

Họ là những người đưa đò, phải rất yên lặng, bình tĩnh, không bon chen và phải lo cho các cháu. Những tố chất đó là phải có từ trong bản thân mỗi người, và dày dặn hơn trong quá trình được rèn luyện và kinh nghiệm, hạnh phúc của người thầy là sự trưởng thành của học sinh.

Do đó, điều đầu tiên đặt ra là cái tâm của người thày. Thứ hai là về chuyên môn, sáng tạo, rất cần khi đặt ra chương trình mới. Thứ ba là chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên.

Một vấn đề cũng đáng quan tâm, đó là hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều trường đào tạo sư phạm. Ở đây có hai vấn đề là mở rất nhiều sư phạm, dẫn đến cung đang quá nhiều, nên cần nhìn nhận lại mạng lưới các trường sư phạm.

Thứ hai là các trường lớn như Trường đại học Sư phạm Hà Nội chẳng hạn sinh viên phải học tập rất khắc nghiệt trong khi cùng đào tạo sư phạm thì có trường lại nhẹ nhàng hơn. Điều này làm khó cho nơi tuyển dụng. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang có chủ trương sắp xếp lại các trường sư phạm.

Mặt khác, khi đề cập đến xây dựng đội ngũ cũng cần nói đến vấn đề quản lý. Bởi hiện nay, về công tác nhân sự thì ngành nội vụ, tài chính thì ngành tài chính quản lý; phân cấp quản lý các trường cũng đang là vấn đề bất cập khi đổi mới giáo dục phổ thông; nhất là trong tính toán, sắp xếp lại đối với đội ngũ giáo viên.

Mặt khác, các vấn đề trong quản lý mô hình tự chủ, dân chủ trong trường, chính sách, luật pháp quy định về quyền của hiệu trưởng, thày cô đến đâu cần làm rõ...

Phóng viên: Có rất nhiều vấn đề đặt ra cho đổi mới giáo dục phổ thông và hiện nay công cuộc đổi mới vẫn đang gây ra nhiều luồng kiến khác nhau trong dư luận. Theo ông cần làm gì để tạo nên sự đồng thuận xã hội để đổi mới giáo dục phổ thông hiệu quả nhất?

Ông Phan Thanh Bình: Phải nói rằng, đổi mới giáo dục phổ thông của chúng ta trong những năm qua không phải không có kết quả, song so với yêu cầu vẫn còn khoảng cách nhất định. Chính điều này tạo ra sự phân tán của dư luận đối với vấn đề giáo dục.

Đa phần những ý kiến góp ý đều tốt, song mỗi người thường phát biểu từ góc nhìn của mình, thành ra đôi khi chưa chia sẻ với nhau. Vì vậy, trong đổi mới rất cần nhìn một cách tổng thể và không thể vội vàng.

Ngành giáo dục rất cần sự “yên tĩnh” trong thực hiện đổi mới để có một sự cân nhắc rất kỹ khi triển khai chính sách; đồng thời cần lắng nghe và cũng cần sự thông hiểu của xã hội với những đổi mới.

Với trách nhiệm được Quốc hội giao, ngày 22-9 tới, Ủy ban tổ chức hội thảo chủ đề "Về chất lượng giáo dục phổ thông", mục đích là các bên cùng ngồi lại trao đổi để hiểu nhau, từ đó mới đặt ra vấn đề làm chính sách, làm luật cho đúng.

Hội thảo có sự tham dự của các thành phần: Đại biểu quốc hội (những người làm chính sách); các bộ, ngành (những người quản lý); các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp ở cơ sở, những giám đốc sở; những người làm nghiên cứu về quản lý giáo dục...

Mỗi người sẽ có cách nhìn riêng của mình nhưng điều quan trọng là cùng chia sẻ để hiểu hơn, từ đó hy vọng lan tỏa trong xã hội, tạo nền tảng tốt hơn, hỗ trợ mạnh mẽ cho đổi mới giáo dục.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Báo Nhân dân


 
Liên kết hữu ích