BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngư cụ bị cấm trong khai thác thuỷ sản:

Dớn… tận diệt nguồn thuỷ sản từng ngày 

Cập nhật ngày: 18/08/2018 - 07:41

BTN - Tình hình khai thác thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng ngày càng diễn biến phức tạp. Trong số các ngư cụ bị cấm khai thác, lưới dớn (dớn) được xem như nỗi ám ảnh đối với những người điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ. Dớn còn là nguyên nhân chính tận diệt nguồn thuỷ sản...

Dớn được đặt tại một ngọn suối thuộc tổ 5, ấp Tân Thuận, xã Tân Thành.

Dớn là một loại ngư cụ dễ làm, rẻ tiền (khoảng 200 nghàn đồng/cái), nhưng bắt cá rất hiệu quả, kể cả cá con. Tuỳ theo thuỷ hình, dớn có thể dài khoảng 10m hoặc hơn. Cửa dớn hình tam giác, được thiết kế theo kiểu vào dễ ra khó.

Ðuôi dớn hình ống, là đoạn lưới “giam” cá sau khi đã mắc bẫy, phần cuối được treo lên khỏi mặt nước để cá hô hấp. Cách đặt dớn, phần cạnh dưới cắm sát đáy, cạnh trên nhô lên khỏi mặt nước khoảng 10cm. Muốn bắt được nhiều cá bằng dớn, tận thu cá nhỏ, phải đoán được đường cá di cư và sinh sản.

“Mùa cá rồ (mùa cá sinh sản) hằng năm, nhiều loại cá có tập tính bơi ngược dòng từ lòng hồ Dầu Tiếng lên hướng thượng nguồn để sinh sản.Cá thường tập trung tại các nhánh sông Sài Gòn, các con suối Bà Chiêm, Ðồng Kèn, Tha La, Suối Dây…

Thế nhưng, khoảng 4 năm trở lại đây, hiện tượng tự nhiên cá rồ không còn nữa. Nguyên nhân chính là tình trạng đặt lưới dớn dày đặc, bít đường cá chạy, triệt môi trường sinh sản của cá. Các ngư cụ khác như ủ chà, vó, kéo lưới điện, lưới vây, lưới rê, ghe cào, ghe nhũi, xuyệt điện cũng góp phần tận diệt nguồn thuỷ sản”, ông Ð, một hộ dân ngụ tổ 5, ấp Tân Thuận, xã Tân Thành, huyện Tân Châu cho biết.

Khảo sát thực tế một số địa điểm mà ông Ð vừa nêu, dớn được giăng dày đặc tại nhiều thuỷ điểm như Mật Cật (ấp 6, Suối Dây), Trại Bò (ấp Tân Thuận, xã Tân Thành), bến Cửu Long (ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà). Riêng các ngọn suối tại Ðồng Kèn (xã Tân Thành), người vi phạm chủ yếu sử dụng ngư cụ 12 cửa ngục.

Ðáng lo ngại, nhiều chủ dớn chọn cách đặt âm ngư cụ xuống mặt nước khoảng từ 10cm đến 20cm, nhằm tránh bị phát hiện ngay cả khi đến gần. Việc này rất nguy hiểm đối với các phương tiện giao thông đường thuỷ, thường xuyên xảy ra tình trạng lưới dớn bị cuốn vào chân vịt của ghe, xuồng, vỏ lãi.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, việc khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh diễn ra chủ yếu tại ba thuỷ vực: hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Ðông và khu vực nội đồng. Có nhiều loại ngư cụ đang được sử dụng để khai thác thuỷ sản, đáng lưu ý là dớn.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều ngư cụ khác hoạt động mang tính chất huỷ diệt, tận thu cá nhỏ, làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên. Căn cứ Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, phát hiện và xử lý các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng và triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra việc sử dụng ngư cụ cấm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị có liên quan như Phòng NN&PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dương Minh Châu, Ðồn Công an hồ nước Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà thanh, kiểm tra việc sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng.

Kết quả, năm 2017, thực hiện 7 lượt kiểm tra, phát hiện 15 trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản, đã tiêu huỷ 2.050m lưới dớn, 2 lưới khai thác, phạt hành chính 1 trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản với số tiền 3 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 2 đợt kiểm tra, phát hiện 1 trường hợp sử dụng ngư cụ cấm là lưới dớn để khai thác nhưng vắng chủ, đoàn kiểm tra tạm giữ 200m dớn vi phạm chờ xử lý.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, công tác xử lý việc sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản còn khó khăn về: nguồn nhân lực, kinh phí, trang thiết bị. Sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan chưa được đồng bộ, thường xuyên. Ngoài ra, phần lớn trường hợp vi phạm cố ý không hợp tác bằng cách bỏ đi khi bị phát hiện.

Thực tế, không ít khúc sông, ngọn suối có đoạn bị cạn, nhiều gốc cây nên ghe của đoàn công tác khó tiếp cận hết địa bàn. Nếu tiếp cận bằng đường bộ, phải lội qua vùng đất bán ngập khá rộng, địa hình lầy lội. Trong khi đó, những thuỷ vực lại là nơi diễn ra nhiều hoạt động của ngư cụ cấm.

Theo người dân địa phương, hằng năm vào thời điểm này, cá thường chọn những môi trường nước tại khu vực trên để sinh sản. Thế nên, để bảo vệ nguồn thuỷ sản tự nhiên, cơ quan chức năng cần “mạnh tay” xử lý các ngư cụ cấm một cách triệt để.

QUỐC SƠN

Ðiều 14, Nghị định số 103/2013/NÐ-CP ngày 12.9.2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động thuỷ sản quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi:… sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định của pháp luật để khai thác thuỷ sản. Ngoài ra, còn phải chịu hình thức phạt bổ sung, tịch thu bộ phận lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định đối với hành vi quy định tại Ðiểm b Khoản 2 của điều này.