BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đến với thơ hay

Đong đầy cảm xúc

Cập nhật ngày: 06/05/2018 - 11:51

BTN - Không ít văn nghệ sĩ- nhất là các nhà thơ đều mong muốn một lần đặt chân lên đảo, tìm hiểu cuộc sống của ngư dân và người chiến sĩ Trường Sa. Tuy nhiên, dù đã được đặt chân lên Trường Sa hay chỉ là những cảm xúc tượng hình trong cảm nghĩ, thì những bài thơ hay dành cho quần đảo thân yêu này vẫn còn rất hiếm.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, quần đảo Trường Sa, từ nhiều năm qua đã trở thành địa danh thiêng liêng trong mỗi người Việt Nam. Không ít văn nghệ sĩ- nhất là các nhà thơ đều mong muốn một lần đặt chân lên đảo, tìm hiểu cuộc sống của ngư dân và người chiến sĩ Trường Sa.

Tuy nhiên, dù đã được đặt chân lên Trường Sa hay chỉ là những cảm xúc tượng hình trong cảm nghĩ, thì những bài thơ hay dành cho quần đảo thân yêu này vẫn còn rất hiếm. Nhà thơ Ðỗ Xuân Thu đã thật khéo chọn cho mình cách giản dị để sáng tác, viết ngay những gì đang diễn ra trong lòng mình khi đến với Trường Sa:

 

“Ðã đi hết nửa đời người/ Lâng lâng say với bao lời tán dương/ Bon chen ở chốn quan trường/ Ra đây bỗng thấy tầm thường- lạ chưa ?”.

Quả là một cảm xúc quá thật đối với một người đã từng trải, toan tính về sự nghiệp công danh trong cả nửa đời người, bỗng chốc hoá thành nhỏ bé tầm thường khi so với những gì nhà thơ nhận thấy trên đảo: “Ở đây không tính toan chi/ Chỉ căn nước ngọt chi li từng ngày/ Vẫn xanh rau ở trong khay/ Vẫn thơm hoa cúc, vẫn cay ớt gừng”.

Thế là câu chuyện về bộ đội Trường Sa tiết kiệm nước ngọt như sách báo đã từng đề cập nhiều trong những năm qua được phát triển vào mạch thơ. Nhiều người đã biết nước ngọt, chủ yếu được đưa từ đất liền ra hoặc từ nước mưa tích trữ được ở các bể chứa, việc trồng trọt, sản xuất tại chỗ để cải thiện cho bữa ăn hằng ngày của bộ đội và người dân trên đảo có ý nghĩa hết sức đặc biệt.

Hãy thử tưởng tượng ở một vùng đảo xa, trong điều kiện đất trồng không có, nước ngọt rất kham hiếm nhưng ở đây “Vẫn xanh rau ở trong khay/ Vẫn thơm hoa cúc, vẫn cay ớt gừng” để biết ý chí kiên cường, vượt qua biết bao thử thách của người lính đảo là như thế nào.

Họ đã trở thành một biểu tượng của đức tính quả cảm hy sinh trong chiến đấu và lao động được nhà thơ khắc hoạ rõ nét trong những câu thơ: “Những ngày nắng cháy khát mưa/ Những đêm bão tố gọi bờ…mù xa/ Thương nhau coi đảo là nhà/ Chắc tay lính biển, phong ba sá gì”.

Và chỉ với một góc nhìn, một cảm nhận nhỏ ấy thôi rồi bày tỏ những gì đã tác động vào lòng mình, nhà thơ đã có được những câu thơ kết thật chân thành xúc động: “Bao nhiêu gian khó đã từng/ Ra đây bỗng thấy quá chừng nhỏ nhoi/ Thương yêu lắm ! Lính đảo ơi!/ Tôi xin ôm cả biển trời Trường Sa…”.

Nhà thơ Ðỗ Xuân Thu quê ở tỉnh Phú Thọ, hiện là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Bài thơ “Ra đây bỗng thấy” được ông sáng tác vào tháng 6.2015, khi cùng đoàn cán bộ tỉnh Phú Thọ đi thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Bài thơ sau đó được in trong tuyển tập thơ “Tổ quốc ở Trường Sa” do Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ, xuất bản vào tháng 7.2015.

VĂN TÀI