BAOTAYNINH.VN trên Google News

Động lực mới cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Cập nhật ngày: 14/02/2017 - 08:26

Từ ngày 15-2-2017 đến hết năm 2020, tất cả 240 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện có sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) theo tinh thần Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định mới nêu trên có những điểm đột phá quan trọng: Nhà nước thu hẹp số doanh nghiệp (DN) nắm giữ 100% vốn điều lệ (chỉ còn ở 103 DN trong 11 lĩnh vực: xổ số, ngân hàng, truyền tải, điều độ hệ thống điện, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, quản lý không lưu, in tiền…) và linh hoạt các tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ (với 4 DN trên 65%; 27 DN từ trên 50% đến dưới 65% và 106 DN dưới 50%) trong các DN thuộc lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, cách thức CPH cũng sẽ đổi mới với việc bãi bỏ các hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và không yêu cầu bán hết ngay theo kế hoạch, mà sau khi CPH vẫn còn vốn nhà nước thì DN tiếp tục niêm yết trên sàn để tự bán. DNNN thực hiện CPH phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng…

Việc ban hành danh mục CPH DNNN chi tiết sẽ giúp các nhà đầu tư có thông tin cụ thể để chủ động và an tâm trong chuẩn bị và ra quyết định đầu tư. Đặc biệt, việc nêu rõ danh mục từng DN với các mức tỷ lệ nắm vốn và trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, tập đoàn và địa phương trong xác định lộ trình và thời hạn hoàn tất các công việc đã tạo cơ sở và áp lực pháp lý thống nhất chấm dứt chuyện chậm trễ CPH DNNN do các bên liên quan trì hoãn thực hiện hoặc viện cớ lạm dụng mục tiêu công ích để xin điều chỉnh tỷ lệ vốn cổ phần vì lợi ích nhóm, cục bộ, địa phương…

Thực tế cho thấy, quá trình CPH DNNN thời gian qua khá chậm trễ và chưa thật sự đạt mục tiêu về tăng cường huy động vốn xã hội và bổ sung các nguồn lực mới khác cho phát triển và nâng cao hiệu quả DN… Ngoài lý do khách quan, tình trạng trên còn có nguyên nhân lấn cấn về nhận thức, né tránh và e ngại cạnh tranh thị trường, hụt hẫng và “tâm tư” về lợi ích…

Việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới và CPH DNNN thời gian tới cần gắn với yêu cầu đột phá hơn nữa về cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực; xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh phù hợp cho từng DN; xác định đúng và đầy đủ giá trị thương hiệu và đất đai vào giá trị doanh nghiệp khi CPH, tránh thất thoát tài sản công; kiện toàn và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là người đại diện phần vốn nhà nước tại DN; tăng cường năng lực, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm soát viên và kiểm toán nội bộ; tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản trị và kiểm soát DN bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật về các nguồn đầu tư, tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập và tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn, đãi ngộ lãnh đạo DN và người lao động gắn với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đặc biệt, cần sớm nhận diện, xử lý kịp thời và nghiêm khắc cả về tài chính, hành chính và hình sự các lãnh đạo, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện các phương án sắp xếp, đổi mới DNNN và đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Thực tế cho thấy, quá trình sắp xếp, đổi mới và CPH DNNN chỉ được đẩy nhanh, đúng hướng và đạt hiệu quả cao nhất khi và chỉ khi có đột phá cơ chế phù hợp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường và xử lý hài hòa lợi ích, trong đó thật sự coi trọng mục tiêu phát triển bền vững quốc gia…

Nguồn Báo Nhân dân