BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình:

Dự Lễ đặt bia kỷ niệm nơi ra đời Báo Giải Phóng 

Cập nhật ngày: 26/06/2017 - 06:22

BTNO - Ngày 25.6, tại Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Ban liên lạc Báo Giải Phóng và Báo Đại Đoàn Kết phối hợp với tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ đặt bia kỷ niệm nơi ra đời Báo Giải Phóng - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự Lễ đặt bia kỷ niệm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ-Ảnh Đ.D

Tham dự buổi lễ còn có ông Nguyễn Văn Nên- Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng; ông Võ Văn Phuông- Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Bé- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Hồng Thanh Quang- Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết; ông Trần Lưu Quang- Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh, lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Biên; nguyên cán bộ, nhân viên và thân nhân những người đã từng công tác tại Báo Giải Phóng trước đây.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng học bổng cho các em học sinh huyện Tân Biên.

Bia kỷ niệm nơi ra đời báo Giải phóng được chế tác từ một khối đá màu xanh được lấy từ  vùng đất Đông Nam bộ, phía trước của bia được cách điệu bản đồ Việt Nam hình chữ S với phần tóm tắt từ ngày ra đời đến khi phát hành số báo cuối cùng cũng như địa điểm đặt tòa soạn, nhà in, tên Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo, số lượng cán bộ, nhân viên, số kỳ báo đã phát hành của tờ báo… Mặt sau tấm bia được khắc tên cụ thể của các cán bộ, phóng viên, nhân viên đã từng công tác tại Báo Giải Phóng.

Bia được đặt trên một bệ đá hoa cương trong khuôn viên diện tích 42m2 đất tại ấp Tân Nam, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh (thuộc rừng Quốc gia Lò Gò – Xa Mát).

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng- Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông cùng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trao xe đạp cho học sinh Tân Biên.

Phát biểu ôn lại truyền thống và sự ra đời của Báo Giải Phóng, nhà báo Hồng Thanh Quang – TBT Báo Đại Đoàn Kết cho biết, trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Giải Phóng là một tờ báo đặc biệt, có đóng góp rất lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Đầu năm 1964, từ Hà Nội, MTTQVN quyết định cử một đoàn cán bộ Báo Cứu quốc vào miền Nam làm nòng cốt để thành lập Báo Giải Phóng – Cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Những nhà báo đầu tiên Tống Đức Thắng (tức Trần Tâm Trí) và Thái Duy (tức Trần Đình Vân) của Báo Cứu quốc vượt Trường Sơn bằng đường bộ vào Nam, riêng nhà báo Kỳ Phương (TBT Báo Cứu quốc, sau này là TBT Báo Giải Phóng) được đưa nhanh vào chiến trường trên một con tàu không số chở vũ khí vào Bến Tre.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trực tiếp chỉ đạo việc ra báo. Cùng với lực lượng tại chỗ và cán bộ Báo Cứu quốc tăng cường vào, ngày 22.12.1964, Báo “Giải Phóng” với 4 trang khổ lớn, in 2 màu đã xuất hiện trong vùng giải phóng miền Nam, vùng ven, nội đô, sang tận Campuchia và ra cả miền Bắc.

Tờ báo ra đời đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước, tin tưởng vào sức mạnh cách mạng của nhân dân miền Nam, đồng thời cổ vũ đồng bào miền Bắc đóng góp sức người, sức của vào công cuộc kháng chiến ở miền Nam. Báo Giải Phóng cũng góp phần mang thông tin đến với bạn bè quốc tế, giúp họ hiểu rõ và hiểu đúng cuộc kháng chiến chính nghĩa của chúng ta.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng phu nhân và các đồng chí lãnh đạo bên tấm bia kỷ niệm nơi ra đời của tờ Báo Giải Phóng.

Sau khi đất nước thống nhất, đầu năm 1977, Báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Báo Cứu quốc hợp nhất với Báo Giải phóng lấy tên là Đại đoàn kết, tuần báo Đại đoàn kết ra số báo đầu tiên ngày 6.2.1977.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Phuông- Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ, ông xúc động khi được nghe những câu chuyện kể về những người làm báo của tờ Báo Giải Phóng từ ngày thành lập ra số báo đầu tiên, khi mà với những phương tiện hết sức thô sơ, hoạt động trong điều kiện bom rơi lửa đạn nhưng vẫn tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền, kêu gọi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mở rộng mặt trận trong nước, tăng cường sự ủng hộ từ quốc tế.

Các số báo luôn nhận được sự quan tâm của bạn đọc gần xa, đặc biệt là các chiến sĩ, đồng bào vùng giải phóng. Cán bộ, phóng viên, nhân viên là những chiến sĩ thực thụ trên chiến trường ác liệt, nhiều chiến sĩ của Báo Giải Phóng đã anh dũng hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 trên đường phố Sài Gòn, hay tại chính căn cứ này…

Ông Phuông nhấn mạnh: “Việc đặt bia Báo Giải phóng không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn thể hiện truyền thống, đạo lý, nghĩa cử cao đẹp uống nước nhớ nguồn của dân tộc và là sợi dây liên kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, thể hiện tấm lòng, trách nhiệm của người đang sống đối với các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là sự ghi nhận với những đóng góp của tập thể báo Giải Phóng năm xưa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ sau này…”.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng 50 triệu đồng cho Quỹ khuyến học huyện Tân Biên.

Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Trần Lưu Quang cho biết, Tây Ninh rất vinh dự và tự hào khi có Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nơi được xem là ATK trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có những tấm bia được đặt tại đây, nhằm ghi lại truyền thống làm việc, chiến đấu và anh dũng hy sinh của nhiều người con ưu tú của đất nước, vì một nền độc lập toàn vẹn của dân tộc. Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh hứa sẽ cùng đồng bào cả nước giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị cao đẹp những di sản mà các bậc tiền nhân để lại.

Phát biểu tại Lễ đặt bia, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ niềm vui và tự hào về một thời gian khó nhưng vinh quang của những người làm công tác văn hóa, tư tưởng trong đó có những người làm báo trong điều kiện khó khăn, gian khó, trong mưa bom bão đạn, nhưng với ý chí tuyệt vời và lòng trung thành sâu sắc với Đảng với dân tộc, tiếng nói của những người làm báo đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong đội ngũ những người làm Báo Giải Phóng khi xưa có những học sinh, sinh viên tràn đầy sinh lực đến từ các tỉnh/thành miền Bắc, Sài Gòn, Phnom Penh hay những thanh thiếu niên chân đất từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, có người còn chưa biết chữ… nhưng tất cả đều cùng nhau vượt qua đói rét, bệnh tật trong rừng sâu nước độc, vượt lên bom đạn, chất độc hóa học và những trận càn ác liệt nhất của địch để làm nên tờ báo Giải Phóng bằng ý chí và tình cảm cách mạng, bằng trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Bí thư Trung ương Đảng- Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên trao đổi với cựu phóng viên Báo Giải Phóng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói: "Tấm bia này không phải là một tác phẩm nghệ thuật, mà là tấm lòng của tất cả chúng ta đối với những đồng chí, đồng đội trong đó có những người không còn nữa. Xin chúc cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên Báo Giải Phóng trước đây và Báo Đại Đoàn Kết ngày nay luôn giữ ngọn lửa truyền thống của Báo Giải Phóng, cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhân dịp về dự Lễ đặt bia Báo Giải Phóng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao tặng 50 triệu đồng cho Quỹ khuyến học huyện Tân Biên và 50 triệu đồng cho Ban liên lạc Báo Giải phóng; ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng trao tặng 50 triệu đồng cho Ban liên lạc Báo Giải Phóng; Quỹ Bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo Việt Nam (do Báo Công an Nhân dân quản lý) trao tặng học bổng và xe đạp cho các em học sinh nghèo, học sinh con em đồng bào dân tộc của huyện Tân Biên với số tiền 100 triệu đồng... 

Hữu Thiện


 
Liên kết hữu ích