BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đừng để “hụt chân” khi chọn nghề 

Cập nhật ngày: 06/04/2018 - 08:54

BTN - Đối với không ít bạn trẻ, để chọn đúng một nghề phù hợp cho bản thân là một điều không đơn giản nếu không có sự chuẩn bị tốt, cũng như sự hỗ trợ từ phía gia đình, nhà trường. Những ai may mắn chọn đúng ngành nghề phù hợp thì sẽ phát huy được năng lực, để làm việc hiệu quả. Còn ngược lại sẽ dẫn đến trì trệ, chán chường trong công việc.

Sinh viên theo học tại Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh.

Chị Quỳnh A (ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu), năm nay 28 tuổi, cho biết, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị vẫn không biết bản thân thích công việc gì để theo đuổi. Theo bạn bè, chị nộp đơn và thi đậu vào một trường cao đẳng ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi học xong, chị xin việc làm trái ngành.

Công việc này không đem lại cho chị niềm vui, không phù hợp với năng lực. Hai năm nay, may được chị gái hỗ trợ học nghề làm đẹp, chị Quỳnh A đã mở được một cửa tiệm nhỏ, phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Hiện tại, chị Quỳnh A rất vui vẻ, yêu thích công việc này.

Không may mắn để kịp “quay đầu” như chị Quỳnh A, chị Thu L (ấp Long Hải, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành) năm nay gần 40 tuổi, là nhân viên cho một cơ quan Nhà nước.

Chị Thu L thường không tìm được hứng thú, niềm vui trong công việc, thậm chí có khi chị gặp stress với công việc. Chị Thu L cho biết, thời điểm chị tốt nghiệp cấp ba chưa có việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh như hiện nay. Thế nên, chị đã “chọn đại” một trường đại học để thi vào.

Sau 4 năm học đại học, dù được làm đúng chuyên ngành đào tạo nhưng chị vẫn không tìm thấy niềm yêu thích từ công việc đem lại. Chị chia sẻ: “Tôi nhận thấy mình không phù hợp với nghề đã chọn từ năm thứ nhất đại học, nhưng vẫn phải cố gắng theo học vì không muốn phụ những kỳ vọng của gia đình.

Nhiều lúc mỏi mệt với công việc, tôi có ý định xin nghỉ để có thể đi học lại đúng nghề mà mình yêu thích. Thế mà, tôi không đủ can đảm để thực hiện ước muốn...”.

Chị Quỳnh A và chị Thu L chỉ  là hai trong số nhiều người đã chọn nhầm nghề mà tôi được dịp tiếp xúc. Trên thực tế, không ít bạn trẻ khi bắt đầu chọn nghề đã không xác định rõ được bản thân thích làm gì; hoặc chỉ chọn theo sự kỳ vọng từ phía gia đình.

Đối với không ít bạn trẻ, để chọn đúng một nghề phù hợp cho bản thân là một điều không đơn giản nếu không có sự chuẩn bị tốt, cũng như sự hỗ trợ từ phía gia đình, nhà trường. Những ai may mắn chọn đúng ngành nghề phù hợp thì sẽ phát huy được năng lực, để làm việc hiệu quả.

Còn ngược lại sẽ dẫn đến trì trệ, chán chường trong công việc. Chúng ta đều hiểu đại học, cao đẳng không phải là đường duy nhất để vào đời; và trong xã hội cũng sẽ không có nghề nào cao quý hơn nghề nào. Quan trọng là phát huy được năng lực bản thân, thật sự thoải mái với công việc của mình chọn. 

Những năm gần đây, việc định hướng nghề cho học sinh phổ thông được quan tâm, làm thay đổi dần những nhận thức, quan điểm của các em cũng như gia đình về việc chọn trường, chọn nghề. 

Em Nguyễn Ngọc Ngân, học sinh lớp 12 tại một trường THPT trên địa bàn TP. Tây Ninh cho biết, từ năm lớp 11 em đã xác định được lĩnh vực, nghề mình yêu thích. Sau khi tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp, Ngân cũng đã chọn được ngành phù hợp với sở thích và học lực của mình.

Hiện tại, Ngân đang cố gắng ôn tập để thực hiện ước mơ học nghề của mình. Cô học sinh này cho rằng: “Giai đoạn này với chúng em, việc chọn được ngành, nghề phù hợp là rất quan trọng vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến tương lai sau này. Theo em, việc chọn được ngành học mà mình yêu thích thì mới có động lực trong việc học và làm việc sau này”.

Chị Phan Tường Vi (ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) cho biết, chị có cô em chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông. Để giúp em gái định hướng tiếp tục học đại học hay vào trường nghề học, chị Vi đã bỏ công tìm hiểu kỹ về quy chế tuyển sinh, nhu cầu thực tế tại một số trường đại học cũng như trường nghề phù hợp với sức học của em gái. Chị Tường Vi cho rằng nhiều học sinh ở vùng nông thôn ít khi được tư vấn để hiểu rõ về một số ngành học khi đăng ký dự thi. 

Trong một buổi toạ đàm dành với thanh niên của huyện Tân Châu, một vị lãnh đạo huyện cho rằng công tác hướng nghiệp cho học sinh hiện nay là chưa đủ khi chỉ chú trọng vào đối tượng học sinh lớp 12. Theo vị lãnh đạo này, việc hướng nghiệp cần mở rộng hơn, có thể cho cả học sinh cuối cấp 2. Khi đó có thể giúp các em có tìm được nghề yêu thích để theo học, phù hợp với năng lực mà không làm tốn thêm thời gian hay tiền bạc của các em và gia đình.

Chị Lê Thị Ngọc Giàu, thạc sĩ ngành Xã hội học (chuyên viên tại Hội LHPN tỉnh) cho rằng, độ tuổi thích hợp để hướng nghiệp cho học sinh là từ lớp 9. Để hướng nghiệp hiệu quả cho các em, cha mẹ cần quan tâm đến sở thích, năng khiếu của con mình để bồi dưỡng và hướng con theo nghề nghiệp phù hợp.

Đối với các trường trung học phổ thông nên có giáo viên tư vấn hướng nghiệp để tổ chức tư vấn, hướng nghiệp theo nhóm hoặc từng cá nhân học sinh. Bởi vì hướng nghiệp là một quá trình cần có sự chuẩn bị bài bản và có chiều sâu. Hơn thế, trong việc hướng nghiệp cần có sự kết nối giữa doanh nghiệp, nhà tuyển dụng với nhà trường (cao đẳng, đại học) để công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

VI XUÂN